Tự nhiên [ Đăng ngày (07/05/2025) ]
Thực trạng theo dõi huyết áp tại nhà ở bệnh nhân tăng huyết áp
Theo dõi huyết áp tại nhà ngày càng được khuyến cáo rộng rãi trong chẩn đoán và điều trị tăng huyết áp. Tại Việt Nam, số lượng nghiên cứu về theo dõi huyết áp tại nhà ở bệnh nhân tăng huyết áp còn hạn chế. Vì thế, các tác giả Mai Thanh Hải, Võ Nguyên Trung, Trần Anh Tuấn, Nguyễn Ngọc Thương thuộc Bệnh viện Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh Cơ sở 2 và Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện nghiên cứu với mục tiêu: Khảo sát tỷ lệ và đặc điểm theo dõi huyết áp tại nhà ở bệnh nhân tăng huyết áp.

Tăng huyết áp (THA) là một vấn đề sức khỏe quan trọng toàn cầu và là yếu tố nguy cơ chính gây ra các bệnh lý tim mạch, đột quỵ và suy giảm chức năng thận. Hiện nay, có khoảng 1,28 tỷ người bị THA trên toàn thế giới, nhưng chỉ có khoảng 50% trong số đó được chẩn đoán và điều trị thích hợp. Tỷ lệ bệnh nhân đạt được mục tiêu kiểm soát huyết áp còn thấp dưới 30% với nguyên nhân chủ yếu liên quan đến việc tuân thủ dùng thuốc và theo dõi huyết áp kém. Một trong những vấn đề quan trọng trong quản lý THA là sự biến thiên huyết áp theo thời gian và môi trường đo. Huyết áp đo tại phòng khám thường chịu ảnh hưởng của hiệu ứng "áo choàng trắng" khiến kết quả đo không phản ánh chính xác huyết áp thực tế của bệnh nhân. Hơn nữa, bệnh nhân thường chỉ đo huyết áp theo lịch khám định kỳ, dẫn đến nguy cơ bỏ sót những biến động huyết áp quan trọng. Điều này có thể ảnh hưởng đến quyết định điều trị và làm giảm hiệu quả kiểm soát bệnh.

Theo dõi huyết áp tại nhà (HATN) ngày càng được khuyến cáo rộng rãi trong các hướng dẫn điều trị THA của nhiều tổ chức như Hội Tim Châu Âu và Hội tim Hoa Kỳ. Theo dõi HATN không chỉ giúp đánh giá chính xác hơn mức huyết áp thực tế của bệnh nhân mà còn giúp phát hiện các dạng THA đặc biệt như THA ẩn giấu, THA áo choàng trắng hoặc dao động huyết áp lớn. Việc theo dõi huyết áp thường xuyên tại nhà cũng góp phần cải thiện nhận thức của bệnh nhân về tình trạng sức khỏe của họ, tăng cường tuân thủ điều trị và tối ưu hóa chiến lược kiểm soát huyết áp. Hiện nay, tại Việt Nam chưa có nghiên cứu nào khảo sát việc theo dõi HATN ở bệnh nhân THA. Trong bối cảnh đó, các tác giả tiến hành nghiên cứu này nhằm mô tả thực trạng theo dõi HATN ở bệnh nhân THA, từ đó giúp nhân viên y tế có chiến lược quản lý và theo dõi thích hợp, đặc biệt ở những bệnh nhân chưa đạt được huyết áp tối ưu, góp phần kiểm soát tốt huyết áp, cải thiện tỷ lệ tử vong và nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.

Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu cắt ngang mô tả được thực hiện trên 394 bệnh nhân từ 18 tuổi trở lên, được chẩn đoán tăng huyết áp và đang điều trị ngoại trú tại Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh Cơ sở 2, từ 07/2024 đến 12/2024.

Kết quả: Dân số nghiên cứu có tuổi trung bình là 57,2±12,7 và tỷ lệ nữ giới là 56,9% (n=224). Tỷ lệ theo dõi huyết áp tại nhà là 74,1% (n=292). Có 99,0% (n=289) bệnh nhân sử dụng máy đo huyết áp điện tử và 99,0% (n=289) đo huyết áp tại vị trí cánh tay. Chỉ có 17,2% (n=50) bệnh nhân đo huyết áp vào cả buổi sáng và buổi tối. Có 40,1% (n=117) bệnh nhân lưu lại kết quả đo huyết áp tại nhà và 38,7% (n=113) thông báo trị số huyết áp với bác sĩ điều trị. Trong những bệnh nhân không theo dõi huyết áp tại nhà, 61,8% (n=61) cho rằng huyết áp phòng khám ổn định nên không cần đo tại nhà.

Kết luận: Mặc dù tỷ lệ bệnh nhân thực hiện HATN tương đối cao, phần lớn vẫn chưa tuân thủ đúng quy trình theo dõi huyết áp tại nhà theo khuyến cáo hiện hành. Kết quả nghiên cứu cho thấy cần tăng cường giáo dục sức khỏe và hướng dẫn kỹ thuật đo huyết áp đúng chuẩn nhằm nâng cao hiệu quả quản lý THA và cải thiện kết quả điều trị lâu dài.

tnxmai
Theo Tạp chí Y học Thành phố Hồ Chí Minh (Tập 28 * Số 4 * 2025)
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Xã hội-Nhân văn  
 
Lắng nghe bản thân
Nhằm hướng đến một lối sống an bình, tích cực, không lo âu. Sống cho giây phút hiện tại, chậm rãi quan sát và ghi nhận mọi thứ chính là mục tiêu của sống tỉnh thức. Dường như trong cuộc đời mỗi người đều đều sẽ phải trải qua những khoảng thời gian rơi vào guồng quay của công việc: ngày đi làm, tối về việc gia đình, rồi đi ngủ, sáng hôm sau một chu trình như vậy lại được lặp lại. Những lúc như thế nếu bạn cảm thấy mệt mỏi, đừng ép buộc bản thân mình quá mà hãy để cơ thể và tâm trí bạn có cơ hội để nghỉ ngơi.


 

Video




© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - Quận Ninh Kiều - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->