Tự nhiên [ Đăng ngày (07/05/2025) ]
Khảo sát mức độ đau, trầm trọng hóa đau, trầm cảm và lo âu trên bệnh nhân rối loạn thái dương hàm
Tác giả Từ Thị Huyền Trang - Khoa Răng Hàm Mặt, Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh và các cộng sự đã thực hiện nghiên cứu khi các bệnh nhân đến khám tại khoa Răng Hàm Mặt – Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh bằng thang đo mô phỏng trực quan VAS, thang đo mức độ trầm trọng hóa đau PCS, bảng câu hỏi đánh giá mức độ trầm cảm PHQ-9 và bảng câu hỏi đánh giá mức độ lo âu GAD-7 với mục tiêu: (1) Xác định trung bình cường độ đau, mức độ trầm trọng hóa đau, mức độ trầm cảm và mức độ lo âu trên bệnh nhân RLTDH trên bệnh nhân RLTDH qua thang đo VAS, thang đo PCS, bảng câu hỏi PHQ-9 và bảng câu hỏi GAD-7 và (2) Xác định tương quan giữa các yếu tố cường độ đau, mức độ trầm trọng hóa đau, mức độ trầm cảm và mức độ lo âu trên bệnh nhân RLTDH.

Rối loạn thái dương hàm (RLTDH) là tình trạng đau và rối loạn chức năng liên quan đến khớp thái dương hàm và các cấu trúc quanh hàm, với các triệu chứng phổ biến như đau, tiếng kêu khớp và hạn chế vận động. Dù tiếng kêu khớp xuất hiện nhiều nhất, đau vẫn là lý do chính khiến bệnh nhân tìm đến điều trị. Đánh giá cơn đau cần xem xét nhiều yếu tố như cường độ, vị trí, kiểu đau, và đặc biệt là các yếu tố tâm lý đi kèm như trầm cảm, lo âu và stress – những yếu tố có thể làm nặng thêm và kéo dài tình trạng đau, ảnh hưởng đến kết quả điều trị và chất lượng cuộc sống. Hiện nay, các thang đo như VAS, PCS, PHQ-9 và GAD-7 được sử dụng phổ biến để đánh giá cảm nhận đau và các rối loạn tâm lý liên quan. Nhiều nghiên cứu quốc tế và trong nước đã chỉ ra mối liên hệ rõ rệt giữa RLTDH, đau mạn tính và tình trạng tâm lý bất ổn. Tuy nhiên, tại Việt Nam, việc đánh giá các yếu tố này trong thực hành lâm sàng còn hạn chế, do thiếu thói quen sử dụng các công cụ sàng lọc phù hợp.

Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu cắt ngang mô tả trên 85 bệnh nhân RLTDH. Sử dụng lần lượt thang đo mô phỏng trực quan (VAS), thang đo mức độ trầm trọng hóa đau (PCS), bảng câu hỏi đánh giá trầm cảm (PHQ-9) và bảng câu hỏi đánh giá lo âu (GAD-7) để khảo sát.

Kết quả: Trung bình cường độ đau (VAS) là 47,2 (26,9). Trung bình mức độ trầm trọng hóa đau (PCS) là 23 (13,2); có 29,4% bệnh nhân có biểu hiện trầm trọng hóa đau (PCS >30). Trung bình mức độ trầm cảm (PHQ-9) là 10,5 (6,1); 52,9% có biểu hiện trầm cảm (PHQ-9 >10); 28,2% ở mức độ nhẹ. Trung bình mức độ lo âu GAD-7 là 8,3 (5,3); 52,9% bệnh nhân có biểu hiện lo âu (GAD-7 >8); 30,6% ở mức độ nhẹ. Có sự tương quan thuận giữa điểm số PCS với 3 thang đo còn lại: VAS, PHQ9, GAD-7 (hệ số tương quan: 0,552; 0,36; 0,46).

Kết luận: Kết quả nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phải đánh giá song song các tình trạng trầm cảm, lo âu và trầm trọng hóa đau trong quá trình thăm khám, điều trị và theo dõi đáp ứng điều trị trên đối tượng bệnh nhân RLTDH.

tnxmai
Theo Tạp chí Y học Thành phố Hồ Chí Minh (Tập 28 * Số 4 * 2025)
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Xã hội-Nhân văn  
 
Lắng nghe bản thân
Nhằm hướng đến một lối sống an bình, tích cực, không lo âu. Sống cho giây phút hiện tại, chậm rãi quan sát và ghi nhận mọi thứ chính là mục tiêu của sống tỉnh thức. Dường như trong cuộc đời mỗi người đều đều sẽ phải trải qua những khoảng thời gian rơi vào guồng quay của công việc: ngày đi làm, tối về việc gia đình, rồi đi ngủ, sáng hôm sau một chu trình như vậy lại được lặp lại. Những lúc như thế nếu bạn cảm thấy mệt mỏi, đừng ép buộc bản thân mình quá mà hãy để cơ thể và tâm trí bạn có cơ hội để nghỉ ngơi.


 

Video




© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - Quận Ninh Kiều - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->