Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thành phố, thực hiện Quyết định số 61/QĐ-UBND ngày 9-1-2021 của UBND thành phố về việc xây dựng Quyết định quy định mật độ chăn nuôi trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thành phố đã xây dựng Dự thảo quy định mật độ chăn nuôi trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2030.
Việc quy định mật độ chăn nuôi đến năm 2030 tại thành phố nhằm quy hoạch và định hướng phát triển số lượng vật nuôi phù hợp với diện tích đất nông nghiệp hiện có. Mục tiêu là giảm ô nhiễm môi trường, đặc biệt ở khu vực đông dân cư và đất nông nghiệp hạn chế; đồng thời làm cơ sở cho phát triển chăn nuôi hữu cơ, tập trung, kiểm soát dịch bệnh, đảm bảo an toàn sinh học và vệ sinh thực phẩm.
Thời gian qua, nông nghiệp Đà Nẵng đã có bước tiến trong ứng dụng công nghệ cao (CNC), với 16 mô hình như nhà lưới, nhà kính, hệ thống tưới tự động... phục vụ sản xuất rau, hoa, nấm. TP đã hình thành các doanh nghiệp nông nghiệp CNC tiêu biểu như Afarm, Tâm An Farm, Greentech, đóng vai trò động lực và gắn với chuỗi cung ứng nông sản an toàn. Việc cơ giới hóa và áp dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp hữu cơ cũng phát triển mạnh.
Hiện TP Đà Nẵng đã phát triển hơn 345ha lúa hữu cơ, gần 16ha dưa, hơn 15ha lạc hữu cơ tại các xã Hòa Nhơn, Hòa Tiến, Hòa Bắc. Ngoài ra, TP có vùng chuyên canh rau an toàn 40ha, 4 vùng trồng hoa 22ha, vùng chè tại Hòa Sơn, Hòa Ninh 20ha. Đặc biệt, tại đô thị, mô hình sản xuất nấm ứng dụng công nghệ cao mang lại hiệu quả cao với khoảng 200 cơ sở, hơn 500 lao động, sản lượng gần 1.000 tấn/năm. TP cũng có 3 cơ sở sản xuất nấm đông trùng hạ thảo, cùng nhiều sản phẩm chế biến như cao nấm linh chi, nấm sò khô, tảo xoắn spirulina sấy lạnh.
Bên cạnh các doanh nghiệp, Đà Nẵng cũng tập trung hỗ trợ phát triển các hợp tác xã nông nghiệp theo mô hình CNC. TP đã có 6 hợp tác xã hoạt động và sản xuất có ứng dụng CNC. TP cũng triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm (chương trình OCOP) hỗ trợ chuẩn hóa sản phẩm và phát triển thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng. Mới đây, Đà Nẵng có thêm 5 sản phẩm OCOP được trao chứng nhận gồm Bưởi da xanh Hòa Ninh, Chè dây Hòa Bắc, Bánh khô mè Quang Châu, Bánh tráng Túy Loan, Kiệu hương Hòa Nhơn. Như vậy đến nay TP có 18 sản phẩm được đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên.
Nông nghiệp công nghệ cao (CNC) tiếp tục là một trong 5 mũi nhọn phát triển kinh tế của TP Đà Nẵng theo Nghị quyết 43. TP đã đưa dự án xây dựng các khu, vùng nông nghiệp CNC vào danh mục công trình trọng điểm đến năm 2025. Hiện Sở NN&PTNT và huyện Hòa Vang đã quy hoạch chi tiết 1/500 ba vùng nông nghiệp CNC tại Hòa Khương, Hòa Phong và Hòa Phú. Dù huyện Hòa Vang đã xin chủ trương bố trí ngân sách cho giải phóng mặt bằng và đầu tư hạ tầng thiết yếu, nhưng gặp vướng mắc do TP hiện không còn quy định hỗ trợ, ưu đãi về ngân sách cho đền bù, giải phóng mặt bằng và đầu tư hạ tầng như trước đây.
Liên quan đến tình hình thực hiện đầu tư xây dựng khu, vùng nông nghiệp công nghệ cao, theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Phước Sơn, hiện nay các nhà đầu tư rất quan tâm đến việc xây dựng khu, vùng nông nghiệp công nghệ cao tại Đà Nẵng. Lãnh đạo thành phố cũng quyết tâm thúc đẩy những vùng nông nghiệp để hướng đến việc xây dựng, phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Tuy nhiên, thời gian qua, việc triển khai xây dựng khu, vùng nông nghiệp công nghệ cao còn chậm. Đơn cử như đợt giãn cách xã hội gần đây nhất của thành phố, việc đáp ứng nhu cầu rau, củ quả cũng như sản phẩm nông nghiệp phục vụ người dân chỉ ở quy mô nhỏ, trong khi diện tích đất nông nghiệp ở huyện Hòa Vang là rất nhiều.
Do đó, chủ trương chọn vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hòa Phú (20,9ha) và vùng sản xuất các sản phẩm nông nghiệp an toàn Hòa Khương - Hòa Phong (16,2ha) để bố trí kinh phí thực hiện đầu tư công từ ngân sách thành phố, trên cơ sở đó bố trí vốn, triển khai đầu tư trong năm 2022. Các cơ quan liên quan chủ trì xây dựng Đề án, nghiên cứu quy hoạch tổng thể vùng công nghiệp công nghệ cao, nhằm sớm hình thành và đưa vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào hoạt động.
|