Năm 2015, Công ty Đông Phương phát hiện Công ty Asanzo Việt Nam sử dụng nhãn hiệu “Asanzo, hình” để gắn vào các sản phẩm điện máy với kiểu dáng, mẫu mã nhãn hiệu tương tự nhãn hiệu “Asano, hình” của Công ty Đông Phương đã được đăng ký bảo hộ từ năm 2008. Dù kết luận giám định cho thấy có hành vi xâm phạm quyền, bị Công ty Đông Phương khởi kiện, song Công ty Asanzo vẫn khẳng định hành vi sử dụng nhãn hiệu Asanzo của mình là hợp pháp, vì nhãn hiệu này đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp văn bằng bảo hộ vào năm 2014.
Tại sao hai nhãn hiệu giống nhau như vậy đều được cấp văn bằng bảo hộ cho cùng nhóm sản phẩm? “Một trong những vấn đề ở đây là chủ sở hữu nhãn hiệu đã sử dụng mẫu nhãn hiệu trên thực tế khác với nhãn hiệu đã đăng ký”, luật sư Nguyễn Vũ Quân ở Kenfox IP & Law Office, chia sẻ trong bài viết trên trang web của Kenfox. Trong mẫu nhãn hiệu đã đăng ký bảo hộ, nhãn hiệu Asanzo được trình bày khác với nhãn hiệu Asanzo gắn trên các sản phẩm hàng hóa thực tế - có nhiều nét tương đồng hơn với nhãn hiệu Asano. “Việc sử dụng nhãn hiệu khác khác với nhãn hiệu đã đăng ký khiến chủ sở hữu nhãn hiệu gặp rủi ro về các khiếu kiện vi phạm quyền dân sự. Từ vụ việc nêu trên, rõ ràng, cơ quan thực thi của Việt Nam bao gồm tòa án sẽ xem xét và đánh giá về tính tương tự của nhãn hiệu chủ yếu dựa trên thực tế sử dụng nhãn hiệu, chứ không chỉ đơn thuần dựa trên phiên bản đã đăng ký của nhãn hiệu”, luật sư Nguyễn Vũ Quân nhận xét.
Ngay cả khi Asanzo sử dụng đúng mẫu nhãn hiệu đã đăng ký, nhiều ý kiến cho rằng cả hai nhãn hiệu này vẫn có nhiều nét tương đồng, có thể gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng. Không ít người thắc mắc trước khi cấp văn bằng bảo hộ, nhãn hiệu đã trải qua quy trình xét duyệt kĩ càng, tại sao những trường hợp như thế này vẫn xảy ra. “Theo nguyên tắc, một nhãn hiệu muốn được bảo hộ phải vượt qua được phép thử hai bước (tiêu chuẩn bảo hộ). Thứ nhất, nhãn hiệu xin đăng ký phải có khả năng tự phân biệt. Thứ hai, nhãn hiệu phải không được trùng hoặc tương tự tới mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của người khác đã đăng ký hoặc được nộp đơn sớm hơn gắn liền với hàng hóa, dịch vụ trùng hoặc tương tự. Trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước là đảm bảo việc cấp bảo hộ nhãn hiệu phải tuân thủ theo quy tắc hai bước đó. Việc cấp bảo hộ do nhầm lẫn hoặc sai lầm cũng có thể có trên thực tế, song nhìn chung tỷ lệ này chỉ chiếm phần rất thấp”, luật sư Lê Quang Vinh ở Công ty Sở hữu trí tuệ (SHTT) Bross & Partners, trả lời trên Đầu tư chứng khoán. “Nhưng cần lưu ý, đôi khi việc cấp hay không cấp bảo hộ cho nhãn hiệu này, trong khi đã biết đến sự tồn tại của nhãn hiệu tương tự có trước còn tùy thuộc vào quan điểm cá nhân đánh giá khác nhau về khả năng có nhầm lẫn hay không nhầm lẫn giữa các nhãn hiệu”.
Nếu quan điểm của thẩm định viên khác với doanh nghiệp - như vụ việc giữa Asanzo và Asano, chẳng lẽ doanh nghiệp vẫn phải cam chịu? Thực ra, nếu chú ý theo dõi, doanh nghiệp có thể kịp thời ngăn chặn thông qua việc đóng góp ý kiến trước khi nhãn hiệu được bảo hộ. “Nếu nhãn hiệu xin đăng ký của người khác có khả năng xung đột hoặc ảnh hưởng tiêu cực đến các quyền nhãn hiệu có trước của mình, hoặc nhãn hiệu đó không đáp ứng các tiêu chí bảo hộ, bạn có thể gửi ý kiến bằng văn bản, yêu cầu Cục SHTT xem xét việc từ chối cấp bảo hộ cho nhãn hiệu xin đăng ký đó. Điều này có thể được thực hiện sau khi đơn đăng ký nhãn hiệu được công bố công khai trên công báo sở hữu công nghiệp”, luật sư Nguyễn Vũ Quân cho biết. Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi gần đây nhất đưa ra hai cơ chế đóng góp: ý kiến của bên thứ ba về việc cấp văn bằng bảo hộ và phản đối đơn đăng ký sở hữu công nghiệp.
Công cụ hữu hiệu nhưng ít được quan tâm
Việc đóng góp ý kiến của bên thứ ba, hay phản đối đơn đăng ký sở hữu công nghiệp, bao gồm nhãn hiệu, là một cơ chế phổ biến ở nhiều quốc gia. Về bản chất, cơ chế này cho phép cá nhân hoặc tổ chức có thể nộp ý kiến bằng văn bản gửi cơ quan đăng ký nhãn hiệu yêu cầu không cấp văn bằng bảo hộ cho bên bị phản đối (bên nộp đơn) với lý do việc chấp nhận bảo hộ sẽ dẫn tới trái luật hoặc xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của bên phản đối. Chẳng hạn với chỉ dẫn địa lý ở Trung Quốc, trong quá trình đăng ký, cơ quan chức năng sẽ công bố công khai chấp thuận đơn đăng ký để bên thứ ba có thể phản đối trong vòng 20 ngày. Ở Mỹ cũng ban hành các cơ chế phản đối đơn nhãn hiệu gồm gửi đơn phản đối (trong vòng 30 ngày kể từ khi công bố đơn trên công báo nhãn hiệu) hoặc thư phản đối (bất cứ thời điểm nào trước khi kết thúc thời hạn công bố).
Mục đích của phản đối đơn là đảm bảo quyền lợi cho các bên. Đây là “công cụ tự vệ” hữu hiệu cho doanh nghiệp khi phát hiện đối thủ nộp đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu với dụng ý xấu, muốn bắt chước, hoặc một bên nào đó vô tình đăng ký trùng lặp. Nhờ đó, doanh nghiệp sẽ bảo vệ được nhãn hiệu của mình từ sớm, tránh trường hợp “sự đã rồi”, việc xử lý sẽ rất phức tạp và tốn kém. “Phản đối đơn đăng ký nhãn hiệu được lợi cả về chi phí và thời gian so với thủ tục hủy bỏ hiệu lực quyền nhãn hiệu đã được bảo hộ”, luật sư Lê Quang Vinh phân tích. Đây là phương thức hợp pháp giúp doanh nghiệp ngăn chặn khả năng xâm nhập thị trường của đối thủ. Chẳng hạn năm 2018, Bross & Partners đã hỗ trợ Vinacafé phản đối thành công đơn đăng ký nhãn hiệu Vinamorning Café ngay cả khi Vinamorning Café khác biệt rõ rệt so với Vinacafé về cấu trúc và cách phát âm, chỉ tương đồng về hình thức thể hiện.
Ngoài ra, việc phản đối đơn còn cung cấp thêm thông tin giúp quá trình thẩm định hiệu quả hơn. Chẳng hạn với đơn sáng chế, “do còn một số hạn chế trong việc tìm kiếm các tình trạng kỹ thuật, cụ thể là cơ sở hạ tầng vẫn đang trong quá trình hoàn thiện, việc thẩm định viên Cục SHTT tiến hành tra cứu và thẩm định đơn trên phạm vi rộng là khó. Việc cung cấp tình trạng kỹ thuật từ bên thứ ba là để tiến hành thẩm định đơn đăng ký sáng chế một cách hữu ích. Thông qua việc cung cấp tình trạng kỹ thuật, thẩm định viên có thể thẩm định đơn sáng chế triệt để hơn để có thể ban hành bằng sáng chế chất lượng cao và loại bỏ bằng sáng chế chất lượng thấp khỏi hệ thống bằng sáng chế”, luật sư Đào Thu Trang ở Công ty Sở hữu công nghiệp INVESTIP giải thích trong bài viết trên trang web của INVESTIP.
Tuy nhiên, việc phản đối đơn sở hữu công nghiệp tại Việt Nam với sự tham gia của bên thứ ba trong quá trình thẩm định vẫn còn hạn chế. Đơn cử trong lĩnh vực sáng chế, năm 2016, có 5228 đơn đăng ký sáng chế được nộp vào Cục SHTT và có 5 phản đối đơn sáng chế (khoảng 0,095% so với đơn đăng ký sáng chế đã nộp). Theo luật sư Đào Thu Trang, “nguyên nhân của phản đối đơn thấp là trong những năm gần đây, dù các doanh nghiệp Việt Nam đã nâng cao nhận thức về quyền SHTT, song nhìn chung, có lẽ các doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa nhận thức được thị trường cũng như tích cực tìm kiếm thông tin về giải pháp kỹ thuật liên quan được nộp vào Cục SHTT để đưa ra hành động kịp thời, nhằm ngăn chặn một giai đoạn cạnh tranh từ sơ khởi mà trong đó các sản phẩm cạnh tranh chưa có mặt trên thị trường”.
Khắc phục những bất cập
Sự linh hoạt và hữu hiệu của cơ chế phản đối đơn khiến chúng rất dễ bị lợi dụng. Phản đối đơn có thể trở thành chiến thuật bắt nạt doanh nghiệp mới gia nhập thị trường. “Các doanh nghiệp nhỏ thường dễ hoang mang, sợ dính kiện tụng khi nhận được phản đối của đối thủ lớn nên dễ có khuynh hướng bỏ không tự vệ, tức là không trả lời thông báo phản đối. Điều này đồng nghĩa với việc từ bỏ ý định khởi nghiệp nung nấu đã lâu, đã bỏ ra số tiền không nhỏ đề nghiên cứu thị trường, thuê và xây dựng cửa hàng, thuê và trả lương nhân viên”, theo luật sư Lê Quang Vinh. “Kinh nghiệm của chúng tôi cho thấy nhiều đơn phản đối hoặc không có căn cứ hoặc không đủ bằng chứng hoặc biểu hiện rõ sự lạm dụng quyền sở hữu công nghiệp của chủ thể quyền theo kiểu ‘cá lớn nuốt cá bé’ để hạn chế cạnh tranh, xâm phạm quyền tự do kinh doanh của người khác được bảo vệ theo luật cạnh tranh”. Bài học rút ra là khi bị phản đối đơn kiểu này, cá nhân/doanh nghiệp nên hỏi ý kiến của luật sư chuyên nghiệp để đánh giá tính chất pháp lý, căn cứ và bằng chứng của bên phản đối trước khi quyết định có phòng vệ chính đáng hay từ bỏ.
Những trường hợp này không phải là hiếm gặp. Năm 2018, họa sĩ Trần Quốc Hùng nộp đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu “CHỌN’S The Art of Choosing Art” cho nhóm dịch vụ định giá, đấu giá, bán lẻ tác phẩm nghệ thuật tại Cục SHTT. Tuy nhiên, đơn đăng ký nhãn hiệu này đã bị Công ty cổ phần đấu giá nghệ thuật Auction House phản đối với lý do không trung thực khi nộp đơn. Cụ thể, Auction House cho rằng họ đã tuyển dụng ông Hùng làm giám đốc điều hành, sau đó ông Trần Quốc Hùng đã mang bộ nhận diện của công ty đi đăng ký nhãn hiệu cho cá nhân mình mà không được sự chấp thuận của công ty. “Qua làm việc, trao đổi kỹ lưỡng với ông Trần Quốc Hùng cũng như nghiên cứu tỉ mỉ thấu đáo các tài liệu liên quan, chúng tôi nhận thấy ông Trần Quốc Hùng là chủ sở hữu thực sự của nhãn hiệu, các lập luận do Auction House đưa ra trong yêu cầu phản đối là hoàn toàn không đúng sự thật và rằng việc khẳng định ông Trần Quốc Hùng có hành vi nộp đơn không trung thực là một sự vu khống vì Auction House đã không thể đưa ra bất cứ một bằng chứng hợp pháp nào chứng minh cho các luận điểm của mình”, theo bài viết trên trang web của Công ty TNHH Quốc tế D&N - đơn vị đại diện cho họa sĩ Trần Quốc Hùng trong vụ việc này. “Do đó, chúng tôi đã hướng dẫn ông Hùng thu thập các bằng chứng xác đáng chứng minh ông Trần Quốc Hùng là chủ sở hữu thực sự của nhãn hiệu và sau đó thay mặt ông Trần Quốc Hùng làm công văn phản biện yêu cầu phản đối của Auction House với các lập luận và bằng chứng không thể chối cãi. Sau quá trình thẩm định kỹ lưỡng, Cục SHTT đã bác bỏ yêu cầu phản đối của Công ty Auction House”.
Cơ chế phản đối đơn cũng là một trong những nút thắt trước khi Luật SHTT sửa đổi có hiệu lực vào năm 2022. So với các quốc gia trên thế giới, thời hạn cho phép phản đối đơn ở Việt Nam quá dài, dẫn đến tình trạng lạm dụng cơ chế phản đối đơn để trì hoãn thời gian xử lý. “Hệ thống phản đối đơn trước đây rất dễ bị lạm dụng nhằm mục đích kéo dài thời gian thẩm định đơn so với thời hạn thẩm định thông thường. Vì pháp luật cho phép bên thứ ba phản đối cấp văn bằng bảo hộ tính từ ngày đơn đăng ký sở hữu công nghiệp được đăng trên công báo sở hữu công nghiệp cho đến trước khi quyết định cấp bảo hộ được ban hành. Trong khi thời hạn thẩm định nội dung đơn nhãn hiệu là chín tháng tính từ thời điểm công bố. Thực tế cho thấy Cục SHTT không đủ năng lực để thẩm định đơn đăng ký nhãn hiệu đúng hạn chín tháng mà thường kéo dài thêm từ sáu đến chín tháng nữa dẫn đến hệ quả là thời hạn nộp đơn phản đối có thể sẽ là 15 đến 18 tháng. Trên thế giới không có quốc gia nào quy định thời hạn phản đối dài như vậy”, luật sư Lê Quang Vinh nhận xét.
Tuy nhiên, trong lần sửa đổi gần đây nhất, vướng mắc này đã được tháo gỡ. Cụ thể, Luật SHTT sửa đổi đã giới hạn thời gian phản đối đơn, chia thành hai trường hợp: phản đối đơn và ý kiến của người thứ ba. Cụ thể, đơn phản đối nhãn hiệu phải được nộp trong vòng năm tháng kể từ ngày công bố đơn. Sau thời hạn này, nếu muốn đóng góp ý kiến, bên thứ ba có thể gửi văn bản tới Cục SHTT trước khi nhãn hiệu được bảo hộ. “Khác với thủ tục phản đối đơn, ý kiến của người thứ ba không cần phải nộp phí nhưng cần phải lập thành văn bản kèm theo lập luận và chứng cứ liên quan. Cục SHTT sẽ chỉ coi ý kiến của người thứ ba là nguồn thông tin tham khảo cho quá trình thẩm định đơn đăng ký nhãn hiệu bị phản đối đó. Như vậy, khác với cơ chế phản đối, cơ chế nộp ý kiến của người thứ ba, về nguyên tắc sẽ không nhận được bất kỳ thông báo nào của Cục SHTT kể cả kết quả thẩm định nội dung của đơn đăng ký nhãn hiệu bị phản đối”, luật sư Lê Quang Vinh giải thích. “Việc sửa đổi theo hướng này đã giảm bớt số lượng đơn phản đối cần giải quyết, hạn chế tình trạng lạm dụng cơ chế phản đối, góp phần rút ngắn thời gian và nâng cao hiệu quả xử lý đơn”. |