Những dự án tiêu biểu
Cao Bằng có lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng để phát triển cây trồng, vật nuôi đặc sản, có giá trị thương phẩm, lợi thế cạnh tranh cao. Hiện nay, tại tỉnh có nhiều dự án nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Dự án "Ứng dụng khoa học và công nghệ xây dựng mô hình trồng và chế biến dược liệu hà thủ ô đỏ tại huyện Bảo Lạc" của Công ty TNHH HATODO là một dự án tiêu biểu. Công ty đã ứng dụng kỹ thuật giâm hom để nhân giống, xây dựng vườn ươm với sản lượng 540.000 cây giống/năm. Đồng thời, đầu tư dây chuyền sản xuất cao hà thủ ô đỏ với công suất 100 kg/mẻ. Sản phẩm đã được công bố tiêu chuẩn cơ sở, đăng ký mã số - mã vạch, thiết kế nhãn mác, bao bì và đưa ra thị trường.
Giám đốc Công ty TNHH HATODO, ông Ninh Văn Tuyến, cho biết phương pháp giâm hom giúp nhân giống hà thủ ô đỏ đạt hiệu quả cao, đảm bảo nguồn giống ổn định và chất lượng. Việc sản xuất giống tại địa phương giúp giảm chi phí, cung cấp nguyên liệu tại chỗ cho các mô hình trồng. Mô hình đã đạt được những thành công nhất định và mang lại doanh thu đáng kể cho công ty.
Đề tài "Nghiên cứu chọn lọc giống lợn lang Đông Khê góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương" được triển khai nghiên cứu tại các xã Đức Thông và Trọng Con (huyện Thạch An), chọn lọc bảo tồn nguồn gen giống lợn lang Đông Khê, tạo ra sản phẩm thịt chất lượng, mang tính đặc sản, đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng.
Chủ tịch UBND xã Trọng Con Nông Ngọc Hoàng cho biết, đề tài xây dựng 7 mô hình chăn nuôi lợn sinh sản, 7 mô hình chăn nuôi lợn con sau cai sữa và lợn thương phẩm. Lợn lang có thời gian sinh trưởng dài nhưng chất lượng thịt thơm ngon nên người tiêu dùng ưa chuộng, giá thành cao. Vì vậy, người dân địa phương đang mở rộng, phát triển mô hình chăn nuôi lợn lang để tăng thu nhập cho gia đình…
Từ năm 2016, tỉnh Cao Bằng đã triển khai gần 30 đề tài, dự án cấp tỉnh trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn. Một số dự án tiêu biểu gồm: mô hình thâm canh cải tạo vùng chè Đoỏng Pán gắn với chế biến sản phẩm OCOP; nghiên cứu, bảo tồn giống lúa nếp Hương Bảo Lạc, Pì Pất Cao Bằng, nếp Ong Trùng Khánh; và phát triển các giống cây đặc sản như lê Đông Khê, dẻ Trùng Khánh, mận máu Bảo Lạc.
Ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp
Những năm qua, việc nghiên cứu và áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp góp phần giải quyết vấn đề về nhân giống, bảo tồn, phục tráng giống cây trồng, vật nuôi địa phương. Đồng thời phát triển một số giống cây trồng, vật nuôi có giá trị cao; xây dựng mô hình nuôi trồng thương phẩm…
Ngành Khoa học và Công nghệ tỉnh Cao Bằng đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất nhằm tạo ra sản phẩm nông nghiệp có giá trị kinh tế cao. Hoạt động này góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, thúc đẩy sản xuất chuyên canh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tạo việc làm và tăng thu nhập cho hàng nghìn hộ dân.
Tuy nhiên, việc áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp còn hạn chế như: Các dự án khoa học công nghệ ứng dụng vào thực tiễn chậm; chưa có sự phối hợp liên kết giữa các cấp, ngành. Một số địa phương không nắm rõ dự án khoa học để tuyên truyền, phổ biến đến nhân dân khiến việc ứng dụng, triển khai trong thực tế gặp khó khăn nhất định…
Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Cao Bằng, ông Bế Đăng Khoa, nhấn mạnh việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp là cần thiết. Để đạt hiệu quả cao, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành Khoa học và Công nghệ với ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhằm tránh trùng lặp và lãng phí trong triển khai đề tài, dự án.
Sở Khoa học và Công nghệ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh có chính sách hỗ trợ chuyển giao kết quả của các dự án khoa học đã kết thúc được ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp trên diện rộng và có thể lồng ghép ứng dụng kết quả dự án vào Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới để nâng cao đời sống người dân.
Tỉnh tạo điều kiện, hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia thực hiện đề tài, dự án khoa học, tạo bước đột phá trong phát triển nông nghiệp, nông thôn…
|