Tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei) là loài được nuôi phổ biến trên toàn thế giới đặc biệt là ở Việt Nam do chúng có khả năng thích nghi tốt với môi trường khắc nghiệt hơn so với một số loài tôm khác và có thể sống ở độ mặn dao động từ 0,5- 45%. Tuy nhiên hiện nay nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh cũng gặp nhiều thách thức như các vấn đề môi trường, chất lượng giống, thức ăn và dịch bệnh làm giảm hiệu quả sản xuất. Trong đó, chi phí thức ăn chiếm khoảng 58% tổng chi phí sản xuất trong mô hình nuôi thâm canh (Son & cs., 2011). Để đạt hiệu quả tối ưu và thành công trong việc xây dựng công thức thức ăn cho tôm, thức ăn cần đáp ứng đầy đủ yêu cầu về' dinh dưỡng, đảm bảo độ ngon miệng và tính hấp dẫn đặc biệt bổ sung các hợp chất sinh học tự nhiên có nguồn gốc thực vật giúp tăng cường sức khỏe vật nuôi (Tacon & cs., 2013).
Nhiều nghiên cứu nhận thấy các polysaccharides ly trích từ rong biển bao gồm chi rong bún (Enteromorpha) rất giàu các hợp chất hoạt tính sinh học (polyphenol, flavonoid) có hoạt tính chống oxy hóa và kháng khuẩn mạnh, giúp ức chế sự phát triển của các gốc tự do nhờ khả năng tạo phức với sắt và hoạt động như là chất khử hiệu quả (Gunathilake & cs., 2022; Ashour & cs., 2024; Deepak & cs., 2024; Swathi & cs., 2024). Bên cạnh đó, rong biển được xem là một trong những nguồn cung cấp polysaccharides hiệu quả và dễ sản xuất nhất và chi phí thấp (Ashour & cs., 2024). Theo Ashour & cs., (2024), các hợp chất ly trích từ rong biển có hoạt tính sinh học cao, khi bổ sung vào thức ăn cá và tôm nuôi kích thích tăng trưởng, tăng hệ miễn dịch và tăng khả năng chống chịu stress tốt hơn. Tương tự, polysaccharides ly trích từ rong bún có hoạt tính sinh học cao, được sử dụng như chất phụ gia bổ) sung vào thức ăn cho tôm với lượng nhỏ giúp tăng trưởng nhanh, kích thích hoạt tính enzyme tiêu hóa và tăng sức đề' kháng tôm (Liu & cs., 2020; Deepak & cs., 2024).
Ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), rong biển nói chung và rong bún (Enteromorpha spp.) thuộc ngành rong lục nói riêng, có giá trị dinh dưỡng cao và xuất hiện tự nhiên với sinh lượng lớn trong các thủy vực nước lợ. Đây được cho là đối tượng rất có tiềm năng ứng dụng trong nuôi trồng thủy sản (Nguyễn Thị Ngọc Anh & Nguyễn Minh Tiến, 2013). Vì vậy, nghiên cứu này nhằm xác định được hàm lượng polysaccharides chiết xuất từ rong bún thích hợp bổ) sung vào thức ăn cho tôm thẻ chân trắng đạt tăng trưởng và hiệu quả sử dụng thức ăn và khả năng chịu sốc độ mặn tốt nhất ở điều kiện thí nghiệm, góp phần làm tăng giá trị rong biển và nâng cao hiệu quả trong nuôi tôm ở ĐBSCL.
Nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá ảnh hưởng của việc bổ sung hỗn hợp polysaccharides ly trích từ rong bún (Enteromorpha intestinalis) ở các mức khác nhau vào thức ăn lên tăng trưởng, tỉ lệ sống, hiệu quả sử dụng thức ăn và khả năng chống sốc của tôm thẻ chân trắng giai đoạn giống. Tôm thẻ chân trắng (khối lượng 0,019 ± 0,005g) được cho ăn thức ăn không bổ sung hỗn hợp chất chiết từ rong bún là nghiệm thức đối chứng, ở các nghiệm thức còn lại tôm được cho ăn với các mức bổ sung hỗn hợp chất chiết lần lượt là 0,4% và 0,8%. Sau 30 ngày ương, kết quả cho thấy việc bổ sung 0,4% và 0,8% chất chiết từ rong bún vào thức ăn của tôm giúp tôm tăng trưởng nhanh hơn, có hệ số tiêu tốn thức ăn, hiệu quả sử dụng protein và khả năng chống sốc độ mặn tốt hơn so với đối chứng. Tóm lại, kết quả nghiên cứu cho thấy bổ sung 0,4% chất chiết từ rong bún vào thức ăn của tôm có thể giúp nâng cao hiệu quả của việc ương tôm.
|