Tự nhiên [ Đăng ngày (30/03/2025) ]
Chế phẩm thực khuẩn thể đầu tiên kiểm soát bệnh cháy bìa lá lúa
Nhóm nghiên cứu ở Trường Đại học Bách khoa TPHCM đã tạo ra chế phẩm thực khuẩn thể đầu tiên quản lý bệnh cháy bìa lá lúa do vi khuẩn Xanthomonas oryzea pv. oryzae (Xoo) - một trong những bệnh gây thiệt hại nặng nề nhất ở hầu hết các nước trồng lúa.

Cháy bìa lá lúa gây thiệt hại đến 70% năng suất. Ảnh: Internet

Bệnh này có thể gây thiệt hại đến 70% năng suất đối với các giống lúa mẫn cảm trong điều kiện môi trường thuận lợi cho bệnh lây nhiễm, như ở các nước nhiệt đới mưa nhiều. Không ít chiến lược đã được sử dụng để quản lý bệnh cháy bìa lá lúa, từ hóa học, canh tác, đến giống kháng,... nhưng đều chưa đem lại hiệu quả rốt ráo.

Vì vậy, nhóm nghiên cứu ở Trường Đại học Bách khoa TPHCM đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu chế phẩm thực khuẩn thể để kiểm soát bệnh cháy bìa lá lúa do vi khuẩn Xanthomonas oryzae pv. oryzae".

Nhóm đã tiến hành lấy mẫu lá lúa có những biểu hiện đặc trưng của bệnh ở các vùng trồng tại TPHCM, Long An, Đồng Nai và Tây Ninh theo phương pháp lấy mẫu ngẫu nhiên. Mẫu lá được xử lý phù hợp và tiến hành phân lập vi khuẩn. Các chủng vi khuẩn đáng ngờ được xác nhận lại bằng phương pháp PCR khuẩn lạc với hai cặp mồi đặc hiệu cho vi khuẩn Xoo. Các mẫu vi khuẩn sau khi định danh được xác nhận là Xoo.

Tiếp theo, nhóm tiến hành đánh giá độc lực của chủng vi khuẩn Xoo trên giống lúa Jasmine 85, một giống lúa thơm được trồng phổ biến ở Việt Nam, đặc biệt tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, nơi dễ nhiễm bệnh cháy bìa lá lúa. Nhóm cho xâm nhiễm Xoo trên cây lúa từ 45 ngày tuổi. Kết quả, xác định được ba chủng vi khuẩn có chỉ số bệnh cao nhất trong tổng số 12 chủng phân lập được.

Đồng thời, nhóm sử dụng các mẫu nước, bùn, lá lúa nhiễm bệnh thu thập tại các vùng canh tác nói trên để phân lập thực khuẩn thể, một loại virus chuyên tấn công và tiêu diệt vi khuẩn. Kết quả, nhóm đã sưu tập 30 thực khuẩn thể xâm nhiễm vi khuẩn Xoo và xác định được 5 thực khuẩn thể an toàn có thể dùng để kiểm soát bệnh cháy bìa lá lúa.

Dựa trên các kết quả khảo sát môi trường, nhiệt độ lên men của vi khuẩn Xoo., nhóm đã tạo chế phẩm thực khuẩn thể và khảo nghiệm, đánh giá hiệu quả quản lý bệnh cháy bìa lá lúa trong nhà lưới và ngoài đồng ruộng. Kết quả, chế phẩm có hiệu quả tương đương với thuốc bảo vệ thực vật Starner 20WP của Nhật Bản.

Nhóm nghiên cứu cho biết, chế phẩm thực khuẩn thể hoàn toàn thân thiện với môi trường và sinh thái, không ảnh hưởng đến sức khỏe con người, vật nuôi, thực vật và hệ vi sinh vật xung quanh. Cụ thể, dòng chế phẩm thực khuẩn thể Agriphage đang lưu hành tại thị trường Mỹ được miễn giới hạn dư lượng tối đa, có thể thu hoạch ngay sau khi phun chế phẩm và được phép sử dụng cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo quy định của Bộ nông nghiệp Hoa Kỳ.

Trên thế giới, đã có một số chế phẩm thực khuẩn thể được thương mại hóa nhằm kiểm soát bệnh do vi khuẩn trên một số cây trồng như cà chua, tiêu, táo, cam quýt, khoai tây,... Tuy nhiên, đến nay chưa có dòng chế phẩm thực khuẩn thể thương mại nào nhằm kiểm soát bệnh cháy bìa lá lúa. Vì vậy, đây là nghiên cứu đầu tiên tại Việt Nam cũng như trên thế giới hướng đến việc tạo ra chế phẩm thực khuẩn thể kiểm soát bệnh cháy bìa lá lúa.

Đề tài đã được Sở KH&CN TPHCM nghiệm thu, kết quả đạt.

Minh Ánh
Theo https://khoahocphattrien.vn (nthang)
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Xã hội-Nhân văn  
 
Hội chứng burn out ở giới trẻ
Chúng ta là những người bận rộn – làm việc trong nhiều giờ, liên tục phải trả lời email và tiếp xúc với nhiều phương tiện truyền thông xã hội. Hơn cả, lúc nào mọi người cũng phải cố gắng để cân bằng giữa công việc và đời sống cá nhân. Vì thế, gần như ai trong chúng ta cũng có một lần trải qua hội chứng ‘cháy sạch’ (burnout syndrome).


 



© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - Quận Ninh Kiều - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->