Xã hội-Nhân văn [ Đăng ngày (15/03/2025) ]
Sống xanh - Giải pháp chung tay vì tương lai bền vững
Một cuộc sống xanh với các giải pháp bền vững cho môi trường là xu hướng đang được lan tỏa rộng rãi trên toàn cầu. Hiểu rõ và áp dụng các nguyên tắc sống xanh và bền vững không chỉ là một xu hướng của cuộc sống hiện đại mà còn là trách nhiệm của từng cá nhân chúng ta. Việc nuôi dưỡng và thực hành những thói quen sống xanh, bền vững không chỉ đơn giản là "điều tốt cần làm" mà còn mang lại nhiều lợi ích tài chính ngắn và dài hạn đáng kể. Vậy làm thế nào để thực hành sống xanh một cách hiệu quả?

Thực hành sống xanh từ những thói quen sinh hoạt hằng ngày

Thực hành sống xanh không nhất thiết phải là một chiến lược lớn mà có thể bắt đầu ngay từ những thói quen đơn giản nhất trong sinh hoạt hằng ngày. Chẳng hạn như: Việc giảm thiểu sử dụng túi nilon, chai nhựa và các vật dụng một lần sử dụng là một thói quen đơn giản nhưng mang lại ý nghĩa rất lớn. Hoạt động phân loại và tái chế rác thải cũng được khuyến khích nhằm giảm thiểu lượng rác thải khó phân hủy ra ngoài môi trường. Hạn chế sử dụng các chất tẩy rửa bằng hóa học. Thay vào đó là sử dụng các chất tẩy rửa sinh học nhằm bảo vệ nguồn nước sạch và đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Ăn xanh uống sạch

Green Eating là một chế độ ăn uống khuyến khích tiêu thụ thực phẩm có lợi cho sức khỏe theo cách ít tác động tiêu cực đến hệ sinh thái. Cụ thể hơn, Green Eating không chỉ tập trung vào chất lượng dinh dưỡng của thực phẩm mà còn quan tâm đến các tác động có thể gây ra từ quá trình sản xuất các loại thực phẩm đó. Để thực hành Green Eating một cách hiệu quả, bạn có thể áp dụng những cách làm sau đây: Hạn chế tiêu thụ thịt, đặc biệt là thịt đỏ như thịt bò, thịt lợn, thịt cừu,… Thay vào đó nên ưu tiên các loại thực phẩm như: rau xanh, trái cây, các loại đậu, hạt và nấm,…Lựa chọn thực phẩm tươi sống tại nguồn nhằm khuyến khích việc nuôi trồng tự nhiên và thúc đẩy mô hình sản xuất nông nghiệp bền vững. Điều chỉnh thói quen trong việc ăn uống, nấu vừa đủ cho mỗi bữa ăn nhằm hạn chế lượng thức ăn thừa thải ra ngoài môi trường. Mang theo túi vải, hộp đựng thực phẩm để giảm thiểu rác thải nhựa khi đi mua sắm. Nấu nướng thông minh hơn bằng cách lựa chọn nồi chảo chất lượng để thức ăn nhanh chín, tiết kiệm năng lượng hơn; thay thế màng bọc thực phẩm bằng các dụng trữ thức ăn có thể tái sử dụng nhiều lần;…

Giải pháp tiết kiệm năng lượng hiệu quả

Tiết kiệm tài nguyên và năng lượng là điều vô cùng cần thiết nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững cho thế hệ tương lai. Một trong những nguồn năng lượng quan trọng phục vụ cho cuộc sống của con người phải kể đến năng lượng điện. Tuy nhiên, quá trình sản xuất điện từ nhà máy nhiệt điện hay thủy điện đều gây ra nhiều tác động tiêu cực đến môi trường tự nhiên. Để giảm thiểu những tác động này, chúng ta có thể hình thành những thói quen như: tắt các thiết bị điện khi không sử dụng, tận dụng ánh sáng tự nhiên cho không gian sống và làm việc, sử dụng các thiết bị dán nhãn tiết kiệm năng lượng,…Với nhu cầu về không gian sống, người mua nhà hoặc thuê nhà đều được khuyến khích lựa chọn các công trình xanh. Đây là những công trình sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường, đồng thời được tích hợp nhiều giải pháp tiết kiệm năng lượng và tài nguyên hiệu quả.

Sử dụng nước hợp lý

Nước là một trong những nguồn tài nguyên quan trọng giúp duy trì sự sống của hành tinh. Tuy nhiên, việc khai thác và sử dụng tài nguyên nước quá mức đã gây ra tình trạng suy thoái, cạn kiệt nguồn nước nghiêm trọng tại nhiều nơi. Sử dụng nước hợp lý được xem là một cách “sống xanh” nhằm bảo vệ nguồn tài nguyên quý giá này. Bắt đầu đơn giản nhất với thói quen tiết kiệm nước sinh hoạt hằng ngày, mỗi cá nhân đã có thể góp phần rất lớn vào việc duy trì nguồn nước sạch cho cuộc sống tương lai. Một vài giải pháp khác nhằm đảm bảo duy trì nguồn nước sạch hiệu quả như: hạn chế sử dụng các chất tẩy rửa hóa học, giảm lượng chất thải ra ngoài môi trường, tái sử dụng nước mưa cho hoạt động tưới tiêu,…

Tái chế, tái sử dụng được khuyến khích nhằm giảm thiểu rác thải

Theo các nghiên cứu khoa học, sản phẩm làm từ nhựa thường mất đến 1.000 năm để có thể phân hủy hoàn toàn. Điều này đặt ra một thách thức lớn trong việc quản lý chất thải nhựa và bảo vệ môi trường. Trong bối cảnh này, việc tái chế và tái sử dụng mọi thứ nếu có thể là cách sống xanh rất được nhiều người quan tâm và ủng hộ. Thay vì vứt bỏ các sản phẩm nhựa sau khi sử dụng, chúng ta có thể tái sử dụng hoặc tái chế chúng thành nguyên liệu mới để sản xuất các sản phẩm khác. Ngoài ra, nên sử dụng các loại túi vải, túi mua sắm có thể tái sử dụng nhiều lần thay cho các bao bì nilon một lần sử dụng. Đối với chất thải hữu cơ, ta có thể tận dụng để ủ phân bón sinh học, vừa đảm bảo an toàn cho cây trồng lại vừa giảm bớt rác thải ra ngoài môi trường.

Ưu tiên thời trang bền vững

Ngành công nghiệp dệt may là một trong những ngành công nghiệp có đóng góp to lớn vào nền kinh tế của nhiều quốc gia. Tuy nhiên, tác động mà nó để lại cho môi trường cũng cực kỳ đáng báo động bởi quá trình sản xuất sử dụng nhiều hóa chất độc hại, tài nguyên và năng lượng. Xu hướng thời trang bền vững đang được phát huy trong nhiều năm trở lại đây nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của ngành công nghiệp dệt may đối với môi trường và xã hội. Xu hướng này thúc đẩy người tiêu dùng lựa chọn các sản phẩm được làm từ nguyên liệu thân thiện với môi trường cũng như các thương hiệu thời trang cam kết với các tiêu chuẩn bền vững trong quá trình sản xuất.

Trồng nhiều cây xanh cải thiện chất lượng môi trường sống

Cây xanh có thể hấp thụ khí CO2 và các chất ô nhiễm khác từ không khí, đồng thời sinh ra khí O2 trong quá trình quang hợp. Do vậy, việc trồng nhiều tại cây xanh tại môi trường sống và làm việc có thể giúp cải thiện đáng kể chất lượng không khí, giảm thiểu các bệnh về thường gặp về đường hô hấp. Đặc biệt tại các khu vực đô thị, cây xanh có thể góp phần làm giảm nhiệt độ môi trường bằng cách hấp thụ ánh nắng mặt trời và tạo ra nhiều bóng mát. Không gian tràn ngập mảng xanh cũng đã được chứng minh về hiệu quả giúp giảm căng thẳng và cải thiện tinh thần làm việc.

Hạn chế khí thải từ phương tiện giao thông

Tại Việt Nam, có đến 72% dân số sở hữu xe máy và 5,7% tổng số hộ gia đình có xe ô tô. Với số lượng phương tiện cá nhân thuộc top đầu khu vực, tình trạng ùn tắc giao thông tại Việt Nam vẫn chưa thể được khắc phục hiệu quả. Kéo theo đó là nhiều vấn đề khác như ô nhiễm không khí, phát thải khí nhà kính và tác động tiêu cực đến sức khỏe con người. Để khắc phục được những vấn đề này, người tham gia giao thông nên ưu tiên sử dụng xe đạp, xe chạy bằng điện hay các phương tiện giao thông công cộng khác. Bên cạnh đó, việc bảo dưỡng định kỳ cũng giúp phương tiện hoạt động hiệu quả và tiết kiệm nhiên liệu.

Trong bối cảnh hiện nay, sống xanh không chỉ là một xu hướng nhất thời mà được xem là sự cam kết mạnh mẽ về trách nhiệm của con người đối với hành tinh. Bằng cách thực hành lối sống xanh trong mọi lĩnh vực của cuộc sống, chúng ta có thể tạo ra một môi trường sống bền vững và duy trì các nguồn tài nguyên cho thế hệ tương lai. Cùng thực hiện các mục tiêu mà Chính phủ đề ra, thay đổi lối nghĩ, lối sống, lan tỏa trào lưu “sống xanh” chính là cách để chúng ta cùng nhau bảo vệ hành tinh xanh, yêu thương hơn Trái Đất và tăng chất lượng sống, đảm bảo sức khỏe cho bản thân, cho gia đình mình.

ltnanh
Theo https://giaoduc.net.vn
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Nghiên cứu mới  
 
Thực trạng theo dõi huyết áp tại nhà ở bệnh nhân tăng huyết áp
Theo dõi huyết áp tại nhà ngày càng được khuyến cáo rộng rãi trong chẩn đoán và điều trị tăng huyết áp. Tại Việt Nam, số lượng nghiên cứu về theo dõi huyết áp tại nhà ở bệnh nhân tăng huyết áp còn hạn chế. Vì thế, các tác giả Mai Thanh Hải, Võ Nguyên Trung, Trần Anh Tuấn, Nguyễn Ngọc Thương thuộc Bệnh viện Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh Cơ sở 2 và Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện nghiên cứu với mục tiêu: Khảo sát tỷ lệ và đặc điểm theo dõi huyết áp tại nhà ở bệnh nhân tăng huyết áp.


 
Sáng kiến mới  
 
 

CASTI TiVi




© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - Quận Ninh Kiều - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->