Cơ khí [ Đăng ngày (26/05/2024) ]
Một số biện pháp nâng cao chất lượng dạy học học phần “Cad trong kỹ thuật” theo dự án cho sinh viên ngành Công nghệ kỹ thuật ô tô, Trường Đại học Vinh
Trong xu hướng hội nhập và phát triển của nền giáo dục nói chung và của đào tạo bậc đại học nói riêng, việc liên tục đổi mới các phương pháp giảng dạy để mang lại hiệu quả tốt nhất là xu hướng tất yếu. Đối với chương trình đào tạo của bậc đại học, các học phần dạy học dự án là các học phần trọng điểm được chú ý đầu tư cả về đội ngũ giảng viên, chương trình đào tạo và cơ sở vật chất. Với mục đích hướng tới việc nâng cao chất lượng đào tạo và đa dạng hóa cách thức triển khai học phần dạy học dự án CAD trong kỹ thuật theo đặc thù của ngành đào tạo Công nghệ Kỹ thuật ô tô, bài báo đã đánh giá các nội dung của học phần và đưa ra một số biện pháp cụ thể nhằm thích nghi với tính chất đặc thù của lĩnh vực đào tạo Kỹ thuật ô tô và nâng cao chất lượng đào tạo, bao gồm: Nâng cao nhận thức cho giảng viên và sinh viên về dạy học dự án; Bồi dưỡng nâng cao năng lực cho giảng viên; Đa dạng hóa phương thức tổ chức dạy học; Đảm bảo các điều kiện hỗ trợ hoạt động giảng dạy.

Từ năm học 2018-2019, Trường Đại học Vinh được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép tuyển sinh, đào tạo kỹ sư ngành Công nghệ kỹ thuật (CNKT) ô tô, là ngành đào tạo có tính đặc thù riêng, khác với các ngành đào tạo kỹ sư khác, và còn non trẻ ở Việt Nam nói chung và Trường Đại học Vinh nói riêng. Có thể khẳng định, kinh nghiệm đào tạo ngành học này ở các trường đại học chưa nhiều, cần phải có những giải pháp hữu hiệu để nâng cao chất lượng đào tạo. Ở Trường Đại học Vinh, một trong những thay đổi của chương trình đào tạo từ Khóa 62 trở về sau là tập trung xây dựng các học phần dạy học dự án (DHDA) nhằm giúp người học có những phát triển toàn diện theo tiêu chuẩn của UNESCO về kiến thức, kỹ năng, thái độ và năng lực. Vì vậy, cần có những biện pháp phù hợp, khả thi để nâng cao hiệu quả dạy học cho các học phần dự án trong chương trình đào tạo. Bài viết này, trên cơ sở làm rõ các khái niệm, chuẩn đầu ra, phương pháp dạy học (PPDH) và phương pháp kiểm tra, đánh giá học phần, sẽ đề xuất một số biện pháp nâng cao chất lượng dạy học học phần “CAD trong kỹ thuật” theo dự án, áp dụng cho sinh viên ngành CNKT ô tô ở Trường Đại học Vinh nói riêng cũng như ở các Trường Đại học trong cả nước nói chung.

Một số biện pháp nâng cao chất lượng dạy học học phần “CAD trong kỹ thuật” theo dự án. Từ thực tiễn những thuận lợi và khó khăn nêu trên, tác giả đã đề xuất một số biện pháp để triển khai học phần dạy học dự án này cho sinh viên ngành CNKT ô tô như sau:

Nâng cao nhận thức cho giảng viên, sinh viên về tầm quan trọng của các học phần dạy học dự án

DHDA là một hình thức dạy học hoàn toàn khác với dạy học truyền thống, đòi hỏi cả người dạy và sinh viên cần có sự chủ động đóng góp vào nội dung kiến thức, kỹ năng của học phần. Do đó việc nâng cao nhận thức cho giảng viên và sinh viên về DHDA là một yêu cầu tất yếu. Đối với giảng viên, cần có sự tiếp thu vấn đề một cách chủ động và đa dạng thông qua các buổi tập huấn, thảo luận để nâng cao nhận thức và trình độ trong DHDA. Giữ vai trò tư vấn, hướng dẫn và định hướng, việc nhận thức đúng được vai trò của mình trong DHDA là hết sức quan trọng và cần thiết đối với giảng viên. Đối với sinh viên, là đối tượng trung tâm của DHDA, việc nhận thức đúng vai trò của mình sẽ giúp sinh viên có sự chuẩn bị tốt về tâm lý cũng như kiến thức để tham gia một cách có chủ động các hoạt động liên quan tới DHDA do giảng viên tổ chức.

Tổ chức bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho giảng viên tham gia giảng dạy học phần

Học phần “CAD trong kỹ thuật” là một học phần đặc thù của ngành CNKT ô tô, có nhiều kiến thức liên quan tới CNTT, cụ thể là sử dụng các phần mềm mô phỏng và thiết kế. Do vậy việc tích cực tự trau dồi, tự bồi dưỡng nâng cao kiến thức chuyên môn đối với giảng viên là rất quan trọng. Việc tiếp cận với các kiến thức chuyên môn gắn liền với thực tế và tiệm cận với các nền giáo dục tiên tiến trong bối cảnh toàn cầu hóa và công nghệ 4.0 ngày càng phát triển mạnh mẽ là rất cần thiết. Do đó, các Trường Đại học cần có cơ chế khuyến khích và tạo điều kiện để các giảng viên có thể thi các chứng chỉ quốc tế về thiết kế và mô phỏng như AutoCAD, SolidWorks… Qua quá trình được bồi dưỡng và tiếp cận với thực thế, giảng viên sẽ có sự bồi đắp thêm những kinh nghiệm phong phú, từ đó đảm bảo tính thực tiễn của các đồ án, dự án.

Đa dạng hóa các phương thức dạy học

Ngoài hình thức lý thuyết và thực hành, việc tổ chức các hoạt động gắn liền với việc thực hiện dự án là rất quan trọng trong DHDA, kích thích sự hứng thú của sinh viên và đưa lý thuyết đến gần hơn với thực tiễn, các hoạt động được đề xuất bao gồm:

-       Tổ chức tham quan xưởng thực hành kết hợp đo các chi tiết thực tế của ô tô: Việc tham quan xưởng thực hành ô tô sẽ tạo điều kiện để sinh viên năm đầu tiên tiếp xúc với đối tượng chính của ngành học là xe ô tô, qua đó bồi dưỡng tình cảm nghề nghiệp và tăng cường khả năng áp dụng, liên hệ nội dung bài học với thực tế. Các nhóm sinh viên sẽ tự chuẩn bị các dụng cụ đo thông dụng (thước thẳng, thước dây, thước kẹp, panme…), phụ trách một cụm các chi tiết của xe ô tô. Kết quả mô phỏng của các nhóm sẽ được ghép nối lại thành một bộ phận hoàn chỉnh của xe ô tô. Kết thúc hoạt động, sinh viên dự kiến đạt được các kỹ năng cơ bản về việc sử dụng các dụng cụ đo, có kỹ năng xử lý các vật thể 3D.

-       Tổ chức hội thi mô phỏng ô tô ở cấp bộ môn: Việc tổ chức một cuộc thi liên quan tới kiến thức ngành giữa các khóa sinh viên với nhau là rất cần thiết để sinh viên có cơ hội giao lưu, cùng nhau học hỏi và trau dồi kiến thức chuyên môn. Thông qua sân chơi đó tăng cường khả năng thực hành của sinh viên. Bên cạnh đó việc tăng hứng thú khi học tập học phần cũng góp phần bồi dưỡng tình cảm nghề nghiệp của sinh viên đối với ngành học của mình. Việc triển khai hội thi cần phải được thông báo rộng rãi từ đầu năm học về nội dung và các tiêu chí đánh giá nhằm giúp sinh viên có sự chuẩn bị bài bản ngay từ đầu, trong đó các nhóm sinh viên dự thi sẽ được giao nhiệm vụ đo một cụm chi tiết thật của ô tô do ban giám khảo đề xuất (hoặc bốc thăm), các chi tiết sau khi mô phỏng cần được lắp ghép lại thành một bộ phận hoàn chỉnh. Thông qua hội thi, sinh viên dự kiến được trang bị và phát triển các kỹ năng sử dụng các dụng cụ đo thông dụng để đo các chi tiết thật, kỹ năng làm việc nhóm cũng như gia tăng hứng thú đối với chuyên ngành được đào tạo.

-       Tổ chức cuộc thi thiết kế video ngắn hướng dẫn AutoCAD và SolidWorks: Tuyển sinh luôn là vấn đề mang ý nghĩa sống còn của ngành học, do đó việc quảng bá tuyển sinh trong đó việc xây dựng thương hiệu của ngành học và tăng tương tác trên các nền tảng mạng xã hội là hết sức quan trọng. Sinh viên của ngành học chính là các đối tượng quảng bá tốt nhất và chân thực nhất để xã hội nhìn nhận tốt về ngành học của Nhà trường từ đó nâng cao được hiệu quả tuyển sinh. Bên cạnh mục tiêu phát triển các kỹ năng nghề nghiệp, việc tham gia thiết kế các video hướng dẫn phần mềm kỹ thuật AutoCAD và SolidWorks sẽ phát huy tối đa tính sáng tạo của sinh viên. Với sản phẩm là các video ngắn mô phỏng các chi tiết của ô tô dưới dạng 2D hoặc 3D, có thuyết minh bằng lời hoặc phụ đề được đăng trên mạng xã hội để đánh giá số lượt tương tác, sinh viên sẽ thu nhận được các kiến thức và kỹ năng liên quan đến phần mềm chuyên dụng của chuyên ngành. Ngoài ra ngành CNKT ô tô được quảng bá rộng rãi tới đa dạng đối tượng người học có nhu cầu cũng như toàn xã hội.

Đảm bảo các điều kiện hỗ trợ hoạt động giảng dạy và học tập

Về cơ sở vật chất, các máy tính cấu hình chưa đảm bảo cần phải được nâng cấp. Bên cạnh đó cần nâng cấp các cơ sở vật chất sẵn có tạo điều kiện để sinh viên có thể sử dụng các máy tính cá nhân tại các phòng thực hành như lắp thêm các ổ cắm điện, cổng mạng internet... Với việc bố trí số lượng sinh viên căn cứ vào số lượng máy tính tại phòng học, phân cố định mỗi nhóm tại một phòng cố định sẽ thuận tiện cho việc lưu file, chấm điểm, đồng bộ các phiên bản phần mềm. Để hỗ trợ các hoạt động giảng dạy và học tập, cần tổ chức các buổi training hoạt động ngoại khóa để sinh viên tham gia; Tổ chức các cuộc thi liên ngành để sinh viên có cơ hội rèn luyện kỹ năng học phần và kỹ năng nghề nghiệp.

Tổ chức rà soát chương trình đào tạo và tiến độ thực hiện các học phần DHDA

Trong học phần “CAD trong kỹ thuật”, sinh viên cần được trang bị kiến thức, kỹ năng cơ bản về CNTT như biết cách cài đặt phần mềm, các kỹ năng xử lý văn bản, xử lý hình ảnh, bản vẽ, đồng thời cần biết sử dụng cơ bản các dụng cụ đo để có thể đo các chi tiết trong thực tế. Vì vậy, các bộ môn chuyên ngành cần tổ chức việc rà soát chương trình đào tạo các học phần dạy học dự án một cách định kỳ để đảm bảo sinh viên được trang bị đầy đủ các kiến thức, kỹ năng cơ bản nhằm phục vụ cho việc thực hiện các dự án trong những năm học tiếp theo. Bên cạnh đó, cần thường xuyên kiểm tra tiến độ việc thực hiện dự án để xử lý những vướng mắc, khó khăn cho sinh viên.

Dạy học dự án là một trong những học phần trọng điểm của chương trình đào tạo ở bậc đại học hiện nay. Việc tổ chức triển khai dạy học dự án phải hiệu quả để đảm bảo sinh viên được trang bị đầy đủ các kiến thức, kỹ năng cần thiết theo chương trình đào tạo. Đối với học phần “CAD trong kỹ thuật” nói riêng, các học phần dự án nói chung, việc thực hiện các biện pháp đã đề xuất trong bài viết này một cách đồng bộ và nhất quán sẽ góp phần giúp người học có thể đạt được mức độ năng lực CĐR của học phần, đồng thời tạo hứng thú, kích thích tính tích cực, tự giác của người học. Từ đó, kết quả các học phần dự án mới có thể đưa ra những sản phẩm thiết thực cho quá trình đào tạo, tạo tiền đề cho quá trình khởi nghiệp, đổi mới và sáng tạo

tnttrang
Theo Tạp chí Khoa học Trường Đại học Vinh, Tập 52, Số 3C, 09/2023
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Nghiên cứu thành phần khí phát sinh từ đốt viên nén nhiên liệu rác thải nhựa và trấu
Hiện nay, rác thải rắn đô thị (municipal solid waste - MSW) là vấn đề lớn cần giải quyết ở quy mô toàn cầu. Rác thải MSW gây ô nhiễm nặng nề đến môi trường đất, nước và không khí. Một vấn đề lớn trong đó là rác nhựa theo thời gian và dưới tác động của tia UV từ mặt trời sẽ phân rã thành những mảnh vi nhựa và phát tán ra môi trường nước làm cho các loài thủy sinh vật có nguy cơ bị nhiễm vi nhựa vào cơ thể của chúng. Sinh vật biển nhiễm vi nhựa và ô nhiễm rác thải nhựa đại dương là nguyên nhân lớn gây suy giảm đa dạng sinh học và làm thay đổi cấu trúc và thành phần của hệ sinh thái biển. Một số công nghệ được áp dụng phổ biến cho xử lý rác thải MSW là chôn lấp, tạo phân bón cây trồng, đốt bỏ, đốt có thu hồi năng lượng, tạo ra khí nhiên liệu,…. Xét theo khía cạnh năng lượng, rác thải MSW nói chung và rác thải nhựa nói riêng hiện được xem là nhiên liệu có thể thay thế cho nhiên liệu hóa thạch (than, xăng dầu, và khí đốt), thậm chí rác thải nhựa hiện là mặt hàng xuất nhập khẩu.




Video  
 

Video

 



© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - Quận Ninh Kiều - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->