Xã hội-Nhân văn [ Đăng ngày (02/05/2024) ]
Xu hướng chuyển dịch nguồn nhân lực phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững ở Hải Dương hiện nay – những vấn đề đặt ra
Nghiên cứu này xuất phát từ một số quan điểm, lý luận về xu hướng chuyển dịch nguồn nhân lực vụ phát triển nông nghiệp bền vững.

Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra và có tác động mạnh mẽ tới sự chuyển dịch cơ cấu các ngành, nghề và nó có ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Để đáp ứng xu hướng phát triển chung đòi hỏi nguồn nhân lực cần có sự chuyển dịch phù hợp. Hải Dương cũng không nằm ngoài xu hướng đó, những năm gần đây xu hướng chuyển dịch nguồn nhân lực của tỉnh đạt nhiều kết quả tích cực, nguồn nhân lực được cải thiện cả về chất lượng và số lượng góp phần không nhỏ vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng suất, sức cạnh tranh của các ngành kinh tế đặc biệt là ngành nông nghiệp của tỉnh. Tuy nhiên, trước những yêu cầu mới đặt ra và xu hướng phát triển kinh tế - xã hội đến 2025, tầm nhìn 2035, đặc biệt với mục tiêu của ngành nông nghiệp phát triển bền vững cả về mặt kinh tế, xã hội và môi trường, đòi hỏi nguồn nhân lực phải đảm bảo cả về số lượng và chất lượng phù hợp với cơ cấu ngành nông nghiệp, quy mô của ngành. Thực tế nguồn nhân lực của Hải Dương còn bộc lộ một số chế như: Số lượng nguồn nhân lực trong nông nghiệp còn chiếm tỷ lệ tương đối cao, số lao động chưa qua đào tạo là chủ yếu, cơ cấu lao động, phân bố và sử dụng lao động chưa phù hợp,... Đó là những vấn đề mà Hải Dương đang phải đối mặt khi hướng đến một nền nông nghiệp phát triển bền vững, nông nghiệp xanh, trong những năm tiếp theo.


Quá trình chuyển dịch nguồn nhân lực của Hải Dương năm vừa qua

Tính đến hết 2022 dân số Hải Dương có 1,94 triệu người, trong đó lực lượng lao động là 1,1 triệu người. Những năm qua Hải Dương có những bước phát triển rất mạnh mẽ, điều đó đã thúc đẩy sự chuyển dịch cơ cầu kinh tế, đặc biệt là cơ cấu lao động, cụ thể:
Một là: Về quy mô lao động

Sự chuyển dịch cơ cấu lao động theo khu vực kinh tế, hiện nay lao động trong khu vực kinh tế nhà nước chiếm 8,0% lực lượng lao động, khu vực ngoài nhà nước chiếm 49,1% lực lượng lao động, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài có chiếm 42,7% tổng số lao động đang làm việc. Như vậy, lao động phân theo khu vực kinh tế của tỉnh so với năm 2010 đã có SỰ chuyển dịch nhất định, cụ thể: năm 2010 khu vực kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể chiếm 9,2%, khu vực ngoài doanh nghiệp nhà nước chiếm trên 50,8%, khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm gần 40%.

Sự chuyển dịch cơ cấu lao động theo ngành kinh tế, cơ cấu ngành được phân ra ngành nông, lâm, thủy sản; công nghiệp, xây dựng và du lịch, dịch vụ. Lao động được phân bố cụ thể: Tính đến 2022 trong nhóm ngành nông, lâm, thủy sản chiếm 28,8% lao động, nhóm ngành công nghiệp, xây dựng chiếm 45,2% lao động, ngành thương mại, dịch vụ, du lịch chiếm 26,1% tổng số lao động. Trong đó, một số ngành sử dụng lao động tăng so với năm 2019 là sản xuất, chế biến thực phẩm tăng 11,2%; dệt tăng 7,8%; sản xuất trang phục tăng 3,6%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 10,3%; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 20,6%; sản xuất kim loại tăng 4,2%; sản xuất thiết bị điện tăng 4,8%; sản xuất xe có động cơ tăng 4,1%; sản xuất và phân phối điện tăng 16,1%. So với 2010 tỷ lệ lao động trong ngành nông nghiệp đã giảm rõ rệt (2010 là 54,5%) và ngành công nghiệp, xây dựng đã tăng lên đáng kể từ 45,5% năm 2010 lên 71,3% năm 2022.

Hai là: Về chất lượng lao động

Theo số liệu thống kê cho thấy lao động chưa qua đào tạo về chuyên môn kỹ thuật nói chung (tính từ trung cấp chuyên nghiệp trở lên) chiếm 75,33% trong khi số lượng lao động đã qua đào tạo chỉ chiếm 24,77% (nếu tính cả tỷ lệ lao động tham gia các lớp chuyển giao công nghệ thì tỷ lệ này là 41%). Trong đó, tỷ lệ lao động được đào tạo theo trình sơ cấp nghề là 5,44%, trung cấp chuyên nghiệp là 2,45%, trình độ cao đẳng và trình độ đại học trở lên là 16,88%. Trong khi ngành nông nghiệp lao động đã qua đào tạo từ trình độ Trung cấp chuyên nghiệp trở lên chỉ chiếm 2,5%,so với 2015 lao động đã qua đào tạo tăng không đáng kể (2015 chiếm 2.42%). Có thể thấy, cơ cấu lao động theo trình độ đào tạo thời gian qua của tỉnh có sự thay đổi tuy không lớn, nhưng cũng đã tạo được các tác động đáng kể đến sự thay đổi cơ cấu nguồn nhân lực của tỉnh cho phát triển nền kinh tế - xã hội những năm qua. Việc phân bổ lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật còn nhiều bất hợp lý, phần lớn tập trung ở các cơ quan hành chính, ở thành phố Hải Dương chiếm 26,0%; thị xã Chí Linh là 10,0% thì huyện Bình Giang, Ninh Giang.... chỉ chiếm dưới 4,0%. Trong khi phần lớn lao động có trình độ đại học trở lên làm việc trong ngành Giáo dục - Đào tạo và Y tế, Dịch vụ ngân hàng.

Một số vấn đề đặt ra cho Hải Dương trong quá trình chuyển dịch nguồn nhân lực phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững những năm tiếp theo

Thứ nhất, phát triển nguồn nhân lực gắn với quá trình chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng bền vững:

Trong khi tỷ lệ lao động được đào tạo, có trình độ chuyên môn kỹ thuật chiếm tỷ lệ còn thấp mới chiếm 24,77% thì ngành nông nghiệp của tỉnh mới chỉ thu hút được gần 2,5% lao động đã qua đào tạo tham gia vào ngành, điều này cho thấy tình trạng thiếu nguồn nhân lực được đào tạo phục vụ phát triển một nền nông nghiệp hàng hóa lớn theo hướng bền vững, nhất là nhân lực có trình độ cao. Do đó, trong những năm tới vấn đề đặt ra cho Hải Dương là một mặt cần phải đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp theo hưởng hiện đại gắn nâng cao giá trị sản phẩm nông sản của tỉnh, mặt khác đòi hỏi tính có chiến lược phát triển nguồn nhân lực phù hợp nhu cầu phát triển nông nghiệp bền vững.

Thứ hai, phát triển gắn với nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững:

Cùng với sự chuyển đổi cơ cấu lao động xã hội theo hướng tích cực, trình độ chuyên môn kỹ thuật của người lao động trong ngành nông nghiệp từng bước được cải thiện. Tuy nhiên, sự chuyển dịch này còn chậm, tỷ trọng lao động trong nông nghiệp còn cao, tỷ lệ lao động được đào tạo còn thấp (chiếm 2,5% năm 2022). Công tác đào tạo trong những năm gần đây được tỉnh luôn quan tâm đầu tư phát triển, song chưa đáp ứng về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực phục vụ phát triển nông nghiệp. Tiềm lực khoa học và công nghệ phục vụ phát triển ngành nông nghiệp còn hạn chế và thiếu tính đồng bộ. Đội ngũ cán bộ khoa học trong ngành nông nghiệp còn thiếu đặc biệt là đội ngũ chuyên gia giỏi, số lượng cán bộ khoa học và công nghệ của tỉnh hiện có chưa đáp ứng yêu cầu cho phát triển. Việc thu hút cán bộ khoa học giỏi từ các địa phương khác vào ngành nông nghiệp nói riêng và các ngành khác nói chung còn bất cập.

Thứ ba, Cơ cấu lao động còn bất hợp lý:

Trong khi số lượng lao động đã qua đào tạo, có trình độ chuyên môn kỹ thuật còn thiếu thì cơ cấu nhân lực được đào tạo còn bất hợp lý dẫn đến tình trạng vừa thiếu lao động đã qua đào tạo ở các lĩnh vực sản xuất, lại vừa thừa lao động chưa qua đào tạo, điều này được thể hiện khi số lao động trong ngành nông nghiệp của tĩnh chiếm tới trên 26% tổng số lao động nhưng chỉ chiếm 2,5% tổng số lao động đã qua đào tạo của tỉnh. Trong thực tế, nhiều người qua đào tạo chủ yếu làm ở các cơ quan quản lý ngành nông nghiệp ở các cấp, một bộ phận phải chấp nhận làm không đúng ngành nghề, gây lãng phí cho gia đình và xã hội.

Thứ tư, việc phân bổ và sử dụng lao động, đặc biệt là lao động đã qua đào tạo của tỉnh còn nhiều bất cập:

Việc phân bổ và sử dụng lao động, đặc biệt là lao động đã qua đào tạo ở Hải Dương còn chưa được khai thác một cách có hiệu quả. Hiện nay, nguồn nhân lực đã qua đào tạo, có trình độ chuyên môn kỹ thuật chủ yếu tập trung thành phố, thị xã nơi tập trung các cơ quan quản lý, các trường Đại học, Cao đẳng, các khu, cụm công nghiệp ở các huyện, trong khi các khu vực sản xuất nông nghiệp ở các địa phương lại rất ít. Điều này được thể hiện qua việc phân bổ nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn kỹ thuật ở các đơn vị hành chính như ở thành phố Hải Dương chiếm 26,0%; thị xã Chí Linh là 10,0% thì các huyện tập trung sản xuất nông nghiệp như Bình Giang, Ninh Giang, Thanh Miện, Thanh Hà, mỗi huyện chỉ chiếm dưới 4,0% tổng số lao động đã qua đào tạo.

Nguồn nhân lực có vai trò quyết định tới mọi quá trình phát triển, bởi nguồn nhân lực luôn đóng vai trò là chủ thể của mọi quá trình sản xuất. Do đó, việc đầu tư phát triển, sử dụng nguồn nhân lực phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững không nằm ngoài vai trò trên. Nó là một trong những động lực để thúc đẩy nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững.

Nghiên cứu một số vấn đề lý luận về nguồn nhân lực như khái niệm, yêu cầu, và xu hướng chuyển dịch nguồn nhân lực phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững từ đó xuất phát từ thực trạng chuyển dịch cơ cấu lao động của tỉnh Hải Dương bài báo đã chỉ ra những vấn đề cần giải quyết để phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững của tỉnh những năm tiếp theo.

lttsuong
Theo Tạp chí Nghiên cứu khoa học, Trường Đại học Sao Đỏ, Số 3 (82) 2023
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Nghiên cứu mới  
 
Một số loài có thể phù hợp với tương lai nóng hơn
Một số loài có thể có khả năng chống chịu biến đổi khí hậu tốt hơn so với suy nghĩ của chúng ta trước đây. Đó là bởi vì những loài này đã thay đổi rất ít kể từ thời kỳ ấm áp cuối cùng trên Trái đất.


 
Sáng kiến mới  
 
 

CASTI TiVi




© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - Quận Ninh Kiều - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->