1. Chính sách phải bắt kịp chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo
Chính phủ nhấn mạnh yêu cầu chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo trong giai đoạn mới và chủ trương này đang nhận được sự đồng thuận rất lớn từ phía các cơ quan khác nhau, từ cộng đồng doanh nghiệp và trong xã hội. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề cần tiếp tục được xử lý.
2. Make in Vietnam sẽ đưa Việt Nam trở thành quốc gia công nghệ
Trong Hội nghị tổng kết năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021 của Bộ Thông tin và Truyền thông sáng 12/1, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá, ngành thông tin và truyền thông chưa bao giờ có sứ mệnh lớn lao như hiện tại và đây cũng là cơ may hiếm có để ngành định vị lại mình.
Cụ thể, lĩnh vực công nghiệp ICT sẽ không còn là lắp ráp, gia công mà Make in Viet Nam sẽ mang đến cho lĩnh vực này sứ mệnh hoàn toàn mới. Đó là phát triển các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, làm chủ công nghệ, thiết kế, sáng tạo và làm ra tại Việt Nam sẽ giúp đất nước phát triển và đi ra thế giới. Làm được điều này, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia công nghệ và theo tính toán, ngành công nghiệp ICT sẽ có mức tăng trưởng gấp 2-4 lần mức tăng GDP cả nước.
"Make in Vietnam cũng sẽ đưa Việt Nam thành hùng cường thịnh vượng, thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045" – Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Niềm tin vào sức mạnh của chiến lược Make in Vietnam càng được củng cố bởi các thống kê cho thấy, Việt Nam hiện đứng thứ hai thế giới về sản xuất điện thoại và linh kiện, thứ 10 về sản xuất điện tử và linh kiện. Đây cũng là hai trong 10 sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, đưa ngành công nghiệp ICT trở thành ngành xuất khẩu và xuất siêu lớn nhất của nền kinh tế.
3. Chuyển đổi số thành công- Viettel có chỉ số thương hiệu tăng trưởng tốt nhất toàn cầu
Năm 2020, chuyển đổi số thành công chính là căn nguyên để Viettel đạt được những thành tựu lớn. Viettel tại 11 thị trường đầu tư cũng đã rất nỗ lực để có thể hoàn thành kế hoạch năm 2020 với tổng doanh thu hơn 264 ngàn tỷ đồng, tăng trường 4,4% so với 2019, đạt 102,4% so với kế hoạch năm.
Năm 2020, Viettel ghi dấu giá trị thương hiệu đứng số 1 Đông Nam Á, thứ 9 Châu Á với định giá 5,8 tỷ USD. Theo đánh giá của Brand Finance, Viettel là nhà mạng có chỉ số sức mạnh thương hiệu tăng trưởng tốt nhất toàn cầu.
Căn nguyên để Viettel đạt được những thành tựu trong năm 2020, do Tập đoàn đặc biệt chú trọng đẩy nhanh các hoạt động chuyển đổi số trong nội bộ, chuyển dịch mạnh mẽ và thành công từ nhà cung cấp viễn thông sang nhà cung cấp dịch vụ số.
Trong năm 2020, Viettel đã hình thành 6 lĩnh vực nền tảng số trong xã hội gồm: hạ tầng số, giải pháp số, tài chính số, nội dung số, an ninh mạng và sản xuất công nghệ cao.
Ở lĩnh vực viễn thông, điểm sáng kinh doanh của Viettel năm 2020 phải kể đến viễn thông nước ngoài, khi 10 thị trường của Viettel tăng trưởng vượt bậc về doanh thu và lợi nhuận đảm bảo dòng tiền chuyển về nước ~ 333 triệu USD.
Tại Việt Nam, Viettel đã trở thành nhà cung cấp dịch vụ cố định băng rộng lớn nhất Việt Nam với 41,8% thị phần.Dịch vụ di động của Viettel vẫn duy trì vị thế dẫn đầu với 54,2% thị phần, trong đó thị phần thuê bao data đạt 57%. Viettel là nhà mạng đầu tiên cung cấp kinh doanh thử nghiệm mạng 5G tại Việt Nam.
Ở lĩnh vực giải pháp CNTT & dịch vụ số, năm 2020 Viettel tiếp tục thực hiện giải pháp công nghệ, hoàn thành các nền tảng công nghệ cốt lõi nhằm giải quyết các vấn đề của xã hội.
4. TPHCM: Nhận hồ sơ tham gia Giải thưởng Sáng tạo đến hết tháng 2
UBND TPHCM vừa ban hành kế hoạch tổ chức Giải thưởng Sáng tạo lần thứ 2 năm 2021.
Giải thưởng do UBND TPHCM tổ chức hai năm một lần, nhằm tôn vinh các tổ chức, cá nhân có các công trình nghiên cứu, giải pháp, tác phẩm sáng tạo đóng góp tích cực cho sự phát triển của Thành phố.
Đối tượng đăng ký tham gia giải thưởng gồm tác giả/nhóm tác giả của các công trình nghiên cứu, giải pháp, tác phẩm phù hợp với một trong 7 nhóm lĩnh vực sau:
- Lĩnh vực phát triển kinh tế: góp phần tích cực trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế Thành phố.
- Lĩnh vực quốc phòng, an ninh: đảm bảo vững chắc quốc phòng, an ninh, trật tự xã hội trên địa bàn Thành phố.
- Lĩnh vực quản lý nhà nước: tăng cường hiệu quả của công tác cải cách hành chính; nâng cao hoạt động quản lý nhà nước; nâng cao sự phục vụ của cơ quan nhà nước đối với yêu cầu của người dân, tổ chức.
- Lĩnh vực truyền thông: các ứng dụng thông tin và truyền thông thực hiện tốt công tác truyền thông giữa chính quyền, tổ chức, doanh nghiệp và người dân, có tác động mạnh mẽ đến phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng của Thành phố.
- Lĩnh vực văn học nghệ thuật: các tác phẩm, sáng tác, công trình có tác động tích cực đến việc khơi dậy truyền thống và tinh thần sáng tạo, có giá trị cao về văn học và nghệ thuật.
- Lĩnh vực khoa học kỹ thuật: các công trình nghiên cứu, các đề tài đã được ứng dụng trong thực tiễn và mang lại hiệu quả, đóng góp tích cực trong sự nghiệp xây dựng và phát triển Thành phố thông minh, hiện đại.
- Lĩnh vực khởi nghiệp sáng tạo: các công trình, giải pháp, mô hình khởi nghiệp đối mới sáng tạo có hiệu quả cao.
5. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Đưa Việt Nam thực sự là điểm đến của đổi mới sáng tạo
Nếu không mạnh dạn đầu tư cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, chúng ta sẽ bị mắc kẹt trong chính cái hố năng suất thấp, giá trị gia tăng thấp, và bẫy thu nhập trung bình của chính chúng ta.
Thủ tướng mong Trung tâm NIC trở thành mô hình tiên phong trong thúc đẩy đổi mới sáng tạo của Việt Nam, Triển lãm VIIE sẽ là sự kiện quốc tế tiêu biểu hằng năm về đổi mới sáng tạo Việt Nam…
Sáng nay, 9/1, tại khu công nghệ cao Hòa Lạc, Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự lễ khởi công Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) và khai trương Triển lãm quốc tế đổi mới sáng tạo Việt Nam 2021 (Vietnam International Innovation Expo 2021 - VIIE 2021).
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng nhấn mạnh, trong 20 năm trở lại đây, thực tế đã chứng minh đổi mới sáng tạo có vai trò động lực quan trọng đối với tăng năng suất, hiệu quả, tăng trưởng và năng lực cạnh tranh quốc gia trong dài hạn. Vì lẽ này, đổi mới sáng tạo đã trở thành “chìa khóa thành công” và một trong những “lợi khí” quan trọng nhất trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội của hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ.
Thủ tướng khẳng định, Đảng và Nhà nước ta cũng đã sớm nhận ra vai trò quyết định của đổi mới sáng tạo trong đổi mới mô hình tăng trưởng, thiết lập lập nền tảng cho tăng trưởng cao – bền vững và tạo việc làm có chất lượng. Bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, với tốc độ thay đổi nhanh chóng của các nền tảng công nghệ số, kết nối vạn vật, dữ liệu lớn, tự động hóa và trí tuệ nhân tạo, buộc chúng ta phải thích nghi và hành động mạnh mẽ. |