Nghiên cứu [ Đăng ngày (26/06/2025) ]
Những phát hiện mới về đa dạng sinh học tại bãi triều rạn đá Hải Vân - Sơn Chà
Kết quả nghiên cứu mới cung cấp cơ sở khoa học quan trọng phục vụ công tác bảo tồn và phát triển bền vững bãi triệu rạn đá Hải Vân - Sơn Chà, vốn giữ vai trò thiết yếu trong việc duy trì và phục hồi nguồn lợi biển của Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế.

Với tổng số 527 loài sinh vật - bao gồm15 loài quý hiếm và 87 loài có giá trị kinh tế - đã được ghi nhận trong nhiều nghiên cứu từ trước tới nay, khu vực Hải Vân - Sơn Chà (kéo dài từ Đà Nẵng đến Thừa Thiên Huế) giữ vai trò thiết yếu trong việc duy trì và phục hồi nguồn lợi biển.

Tuy nhiên, khu vực này đang chịu áp lực lớn từ khai thác thủy sản, biến đổi khí hậu và các sự cố môi trường, đặc biệt là sự cố ô nhiễm môi trường biển nghiêm trọng năm 2016 tại bốn tỉnh miền Trung do chất thải gây ô nhiễm có chứa phenol và xyanua vượt mức cho phép từ Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh.

Trong một nghiên cứu mới công bố vào đầu tháng 5/2025, thực hiện vào giai đoạn 2023-2024, các nhà khoa học tại Viện Tài nguyên và Môi trường biển (nay thuộc Viện Khoa học công nghệ Năng lượng và Môi trường) - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, đã cung cấp dữ liệu quan trọng mới về đa dạng sinh học và nguồn lợi sinh vật tại hệ sinh thái bãi triều rạn đá thuộc khu vực biển ven bờ Hải Vân - Sơn Chà, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Bãi triều rạn đá là khu vực bãi triều xung quanh các đảo, có nền đáy chủ yếu là rạn đá, đá tảng hoặc đá cuội, trải rộng từ 5-10m, ít bị biến đổi nên môi trường tương đối ổn định. Đây là nơi sinh sống của các sinh vật bám như rong biển, hầu hà, và các loài động vật đáy đặc trưng cho hệ sinh thái vùng biển nhiệt đới. Sinh vật ở bãi triều rạn đá có khả năng thích nghi cao với sự biến đổi theo chu kỳ thủy triều và điều kiện tự nhiên bất thường, đồng thời tạo ra các mối liên hệ dinh dưỡng phức tạp với các hệ sinh thái liền kề. Bãi triều rạn đá thường đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp nơi đẻ, nơi gây giống cho các loài thủy sinh, góp phần tái tạo và bổ sung nguồn lợi cho các ngư trường.

Bãi triều rạn đá tại Sơn Chà có diện tích khoảng 1.500 ha, với hệ sinh thái đa dạng bao gồm rạn đá ngầm, thảm cỏ biển và bãi triều đá.

Theo báo cáo, nhóm nghiên cứu đã xác định được 312 loài sinh vật thuộc các nhóm rong biển, động vật đáy, cá, nhuyễn thể và giáp xác, chiếm khoảng 60% so với các loài đã ghi nhận từ trước.[Lưu ý: Con số này cho thấy một sự thay đổi đáng kể, tuy nhiên, việc chênh lệch về số loài ghi nhận không nhất thiết phản ánh các loài đã biến mất, mà có thể do thời gian và điều kiện nghiên cứu khác nhau, dẫn đến khả năng phát hiện mới hoặc bỏ sót các loài đã biết].

Trong số này có nhiều loài có giá trị kinh tế cao như tôm hùm giống, bào ngư, cá mú, cá dìa, đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái và nguồn lợi thủy sản ven biển.

Các nhà nghiên cứu đã xây dựng bộ ảnh Atlas gồm 77 loài sinh vật đại diện cho các nhóm cá, thân mềm, giáp xác, da gai và rong biển, trong đó có nhiều loài đặc trưng, loài ưu thế và loài có giá trị kinh tế.

Cùng với đó, nhóm nghiên cứu đã thiết lập sơ đồ phân vùng đa dạng sinh học dựa trên chỉ số đa dạng sinh học và bản đồ phân bố các loài sinh vật biển quý hiếm, có giá trị kinh tế trong khu vực nghiên cứu ở tỷ lệ 1:25.000.

Nhóm nghiên cứu đã phân tích làm rõ mối tương quan giữa đặc điểm môi trường như nền đáy, trầm tích, độ dốc, tác động của sóng, dòng chảy và các yếu tố mùa vụ với sự phân bố sinh vật biển, cung cấp cơ sở khoa học quan trọng cho công tác bảo tồn và khai thác phù hợp.

Chẳng hạn, các bãi triều rạn đá tại Hòn Sơn Chà, Bãi Chuối và Sủng Rong Câu là nơi tập trung nhiều loài có giá trị kinh tế và sinh thái, đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp bãi giống, bãi đẻ cho các loài cá biển, rong biển, động vật thân mềm, giáp xác và da gai.

Phát hiện đó gợi ý rằng nên đưa các khu vực này vào những thiết chế bảo tồn, ví dụ như khu bảo vệ nguồn giống thủy sản, vùng lõi mở rộng của khu bảo tồn biển hoặc thiết lập các khu vực cấm đánh bắt theo mùa.

Các nhà nghiên cứu cũng đề xuất một số định hướng bảo tồn, bao gồm đẩy mạnh truyền thông về giá trị của bãi triều rạn đá và thu hút sự tham gia của cộng đồng vào công tác bảo tồn, nhằm hài hòa giữa bảo tồn và phát triển sinh kế địa phương theo hướng kinh tế biển xanh và kinh tế tuần hoàn.

 Năm ngoái, Chính phủ đã giao cho UBND tỉnh Thừa Thiên Huế triển khai hai dự án: thành lập mới và đầu tư cơ sở hạ tầng cho khu bảo tồn biển Bắc Hải Vân - Sơn Chà, dự kiến thực hiện trong giai đoạn 2026-2030. Do vậy, các phát hiện khoa học có thể góp phần thiết thực vào quá trình tham vấn và triển khai những dự án này.

Đặc biệt, các nhà nghiên cứu đã đề xuất đặt tên khoa học mới cho một loài cá Mú - Epinephelus randalli (cá Mú bùn), lần đầu tiên được ghi nhận tại vùng biển ven bờ phía Bắc Việt Nam, bao gồm khu vực tỉnh Thừa Thiên Huế. Phát hiện này đã được công bố trên tạp chí quốc tế Species Diversity (IF= 0.56)

Theo các tác giả, trước đây, cá Mú bùn được ghi nhận trùng với loài tương tự, dưới tên gọi Epinephelus bruneus (cá Mú răng dài). Tuy nhiên, ở đây, các nhà nghiên cứu đã so sánh nhiều mẫu vật để chỉ ra sự khác biệt về hình thái và di truyền của các loài, từ đó đề xuất gọi tên khoa học chính xác hơn cho cá Mú bùn, phân biệt chúng với cá Mú răng dài.

Nhóm nghiên cứu tin rằng việc gọi đúng tên khoa học có thể "hỗ trợ cho việc trao đổi thông tin chính xác, liên quan đến phát triển hợp lý công tác quản lý nguồn lợi, nuôi trồng và bảo tồn các loài cá mú quan trọng về mặt thương mại này."

Họ cũng chỉ ra, cá Mú bùn là loài ngoại lai, do đó cần có giải pháp quản lý phù hợp."Hiện tại, chưa có báo cáo nào về việc sản xuất giống E. randalli ở quy mô thương mại. Tuy nhiên, chúng tôi cảnh báo không nên thả cá giống E. randalli ra ngoài phạm vi phân bố tự nhiên của chúng, vì điều này có thể dẫn đến việc xâm nhập của loài ngoại lai và gây rối loạn hệ sinh thái bản địa", các tác giả viết.

"E. randalli từng là một trong những loài cá mú phổ biến nhất ở Hồng Kông vào những năm 1960–1970.Dữ liệu về quần thể của loài này còn hạn chế, nhưng tại Hồng Kông, sản lượng khai thác và kích thước cá đã giảm đáng kể. Hiện loài này được xếp vào nhóm "Sắp nguy cấp" (Vulnerable) trong Danh sách Đỏ IUCN", các tác giả cho biết thêm.

Trong khuôn khổ dự án nghiên cứu, các nhà khoa học đã công bố tám bài báo trên các tạp chí khoa học trong và ngoài nước, tập trung vào các lĩnh vực đa dạng sinh học biển, phân loại học và ứng dụng công nghệ hiện đại trong nghiên cứu thủy sản.

Đáng chú ý, nghiên cứu đăng trên tạp chí Iranian Journal of Fisheries Sciences (IF = 0.8) cho thấy các nhà khoa học Việt Nam đã ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để phân loại một số loài cá dựa trên chỉ số hình thái xương tai. Điều này mở ra hướng tiếp cận mới trong sinh thái và ngư loại học ở Việt Nam.

Hồng Ngọc
Theo https://cesti.gov.vn (tdkhiem)
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Nghiên cứu mới  
 
28 thành phố lớn của Mỹ đang dần lún xuống
Nghiên cứu mới đây đã phát hiện ra rằng tất cả 28 thành phố đông dân nhất ở Hoa Kỳ đều đang trải qua quá trình chìm xuống đất theo những mức độ khác nhau. Không chỉ các thành phố ven biển như New Orleans, Venice hay Jakarta, nơi tình trạng mực nước biển dâng cao gây lo ngại, mà còn nhiều thành phố nằm sâu trong đất liền cũng bị ảnh hưởng.


 
Sáng kiến mới  
 
 

CASTI TiVi




© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - Quận Ninh Kiều - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->