Chuyển đổi số [ Đăng ngày (26/06/2025) ]
Bắc Giang bứt phá chuyển đổi số
Bắc Giang đang trở thành điểm sáng trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia. Tỉnh đã tận dụng sức mạnh của công nghệ để thúc đẩy kinh tế-xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống, cải thiện dịch vụ công phục vụ nhân dân.

Ở xã Nghĩa Hưng, huyện Lạng Giang, chuyển đổi số đã đi vào từng lĩnh vực của đời sống. Ông Nguyễn Văn Nam, một cán bộ hưu trí ở thôn Giữa, chia sẻ: “Lương hưu của tôi giờ được chuyển thẳng vào tài khoản. Tiền tiết kiệm gửi ngân hàng, tôi cũng thao tác trên điện thoại, vừa tiện vừa an toàn. Các thông tin về mọi công việc của thôn, xóm được thông báo qua Zalo nhanh, góp ý cũng dễ dàng”.

Nhờ tổ công nghệ số cộng đồng “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, gần 150 gia đình trong thôn đã quen với cách dùng điện thoại thông minh để giao dịch, tra cứu thông tin, hay giải quyết thủ tục hành chính.

Tại Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Bắc Giang, chị Vũ Thị Mến (sinh năm 1998, xã Đồng Việt, Yên Dũng) tìm được công việc mơ ước sau thời gian dài làm xa quê. Tham gia một phiên giao dịch việc làm trực tuyến, chị được Tập đoàn Khoa học Kỹ thuật Hồng Hải nhận.

“Tôi rất bất ngờ vì chỉ qua màn hình điện thoại mà tôi lại tìm được việc gần nhà”, chị Mến cho biết. Những phiên giao dịch trực tuyến như thế đã kết nối hàng nghìn lao động với doanh nghiệp.

Ở chợ Nếnh, huyện Việt Yên, bà Lê Thị Hoa, một tiểu thương, vui vẻ kể về cách thanh toán không tiền mặt: “Giờ khách quét mã QR, nhanh gọn lắm. Không phải lo tiền lẻ nữa, mà khách cũng thích”. Từ những khu chợ truyền thống đến trung tâm thương mại, thanh toán điện tử đã trở nên phổ biến, thay đổi thói quen giao dịch của người dân.

Bắc Giang đã vươn lên mạnh mẽ trong bảng xếp hạng chuyển đổi số toàn quốc. Chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh (DTI) 3 năm liên tiếp (2020, 2021, 2022) đứng tốp 10/63 tỉnh, thành phố; năm 2023 đứng tốp 9/63 (vượt mục tiêu Nghị quyết đề ra).

Về kết quả chỉ số thành phần “Xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số” trong cải cách hành chính 3 năm liên tiếp (2020, 2021, 2022), tỉnh xếp hạng thứ 1/63. Chỉ số sẵn sàng cho ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin Việt Nam - ICT Index năm 2022 xếp hạng thứ 5/63. Chỉ số CCHC (PAR INDEX) tỉnh Bắc Giang những năm gần đây luôn trong nhóm 15 tỉnh dẫn đầu cả nước và tăng thứ hạng theo từng năm. Lĩnh vực “Cải cách tổ chức bộ máy nhà nước” xếp thứ 2 cả nước.

Trong cải cách hành chính, Bắc Giang cũng ghi dấu ấn khi từ vị trí thứ 13 (năm 2020) vươn lên thứ 4 (năm 2023), tăng 9 bậc chỉ trong 3 năm. Kinh tế số của tỉnh đóng góp tới 47,81% GRDP năm 2023, với ngành công nghiệp công nghệ thông tin đạt doanh thu hơn 503.000 tỷ đồng vào năm 2024.

Để có được những thành tựu ấy, ngay từ năm 2021, Tỉnh ủy Bắc Giang ban hành Nghị quyết số 111/NQ-TU về chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, đặt mục tiêu đưa tỉnh vào tốp 15 và sau đó là tốp 10 của cả nước. Đây là một trong những nghị quyết chuyên đề sớm về chuyển đổi số, thể hiện tầm nhìn chiến lược của lãnh đạo tỉnh. Tại nghị quyết này, tỉnh nêu rõ, trích 2% chi ngân sách thường xuyên hằng năm dành cho đầu tư chuyển đổi số.

Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Nguyễn Gia Phong nhận định: “Sự đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở, việc gắn chuyển đổi số với đánh giá cải cách hành chính đã tạo động lực lớn. Lãnh đạo nói đi đôi với làm, chỉ đạo sát sao từng khâu”.

Chính quyết tâm ấy đã giúp Bắc Giang vượt qua nhiều rào cản ban đầu như hạ tầng chưa đồng bộ, nhận thức ban đầu của người dân còn hạn chế... Chính quyền tỉnh đã đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng số, với kinh phí khoảng 1.600 tỷ đồng giai đoạn 2021-2025, đạt và vượt mức tối thiểu 2% ngân sách thường xuyên mỗi năm.

Hệ thống họp trực tuyến liên thông 4 cấp, mạng internet cáp quang phủ 100% hộ gia đình, và hơn 1.700 camera giám sát an ninh, giao thông trên toàn tỉnh là những kết quả cụ thể từ sự đầu tư này.

Hiện nay, Bắc Giang đang phối hợp Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông tổ chức lớp đào tạo thạc sĩ, các lớp đào tạo thường xuyên văn bằng 2 về công nghệ thông tin, chuyển đổi số cho cán bộ phụ trách lĩnh vực công nghệ thông tin, chuyển đổi số của các sở, ngành, địa phương. Những biện pháp này từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phục vụ nhiệm vụ duy trì và nâng cao thứ hạng chuyển đổi số của tỉnh.

Bắc Giang đã chọn những khâu đột phá mang tính thực tiễn cao để thúc đẩy chuyển đổi số. Một trong số đó là xây dựng Bộ Chỉ số đo lường chuyển đổi số, giúp tỉnh theo dõi và đánh giá chính xác tiến độ từng cơ quan, đơn vị.

Ông Nguyễn Gia Phong chia sẻ thêm: “Bộ chỉ số như la bàn, chỉ rõ chỗ nào yếu, chỗ nào mạnh, để lãnh đạo có căn cứ điều chỉnh kịp thời”. Cách làm “5 tại chỗ” (tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, đóng dấu, trả kết quả ngay tại chỗ) trong giải quyết thủ tục hành chính là một điểm sáng khác, đã giúp Bắc Giang rút ngắn thời gian xử lý, tăng tỷ lệ hồ sơ trực tuyến lên 80,47% vào năm 2023.

Tích hợp dữ liệu dân cư với Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cũng là bước đi đột phá. Bắc Giang nằm trong tốp 10 tỉnh đầu tiên cả nước triển khai công tác này, giúp người dân chỉ cần định danh một lần là sử dụng được nhiều dịch vụ.

Bên cạnh đó, các sáng kiến như xây dựng ứng dụng “Bacgiang-C”, hệ thống thông tin phản ánh hiện trường trên địa bàn; mô hình “3 không, 1 có (không giấy tờ, không tiếp xúc trực tiếp với cán bộ một cửa, thanh toán không dùng tiền mặt, có trả kết quả điện tử cho công dân); triển khai “Trợ lý ảo” trên Zalo OA; thiết kế “Thẻ dịch vụ công” và ứng dụng mã QR... đã tăng tính kết nối, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Trong kinh tế số, tỉnh hỗ trợ hơn 140.000 doanh nghiệp, hợp tác xã, và hộ dân lên sàn thương mại điện tử, tạo ra hàng trăm nghìn giao dịch trị giá gần 100 tỷ đồng trong hai năm. Anh Trần Văn Trường, chủ một doanh nghiệp sản xuất đồ nội thất ở thành phố Bắc Giang, cho biết: “Nhờ sàn thương mại điện tử, tôi tăng doanh thu gấp đôi so với cùng kỳ năm 2023. Công ty đã mở rộng được thị trường mà không cần đầu tư quá nhiều khâu quảng bá, giới thiệu năng lực”.

Hành trình chuyển đổi số của Bắc Giang không chỉ dừng lại ở những con số hay xếp hạng, mà là sự thay đổi thực chất trong đời sống. Từ người nông dân bán vải thiều trên các nền tảng mạng xã hội, tiểu thương quét mã QR, đến lao động trẻ tìm việc qua mạng... công nghệ đã trở thành một phần không thể thiếu.

Đặng Giang
Theo www.nhandan.vn (nnttien)
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Kỹ năng tư duy và giải quyết vấn đề – Nền tảng cho mọi bước đi thành công
Trong hai ngày 06-07/6/2025, Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ Cần Thơ thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TP. Cần Thơ tổ chức Khóa huấn luyện cho cá nhân, nhóm cá nhân và doanh nghiệp Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST) với chủ đề “Kỹ năng tư duy và giải quyết vấn đề – Nền tảng cho mọi bước đi thành công”, thu hút sự tham gia của đông đảo học viên đến từ nhiều lĩnh vực khác nhau. Đây là một trong những chương trình nằm trong chuỗi hoạt động nâng cao năng lực cho cá nhân, nhóm và doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại TP. Cần Thơ và cả khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.


Ứng dụng trí tuệ nhân tạo để bứt phá thương mại điện tử và logistics
(Chinhphu.vn) - Tại Hội thảo "Chuyển đổi số E-commerce & Logistics - Bứt phá doanh thu với AI" ngày 4/6/2025 do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM (ITPC) phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) tổ chức, các chuyên gia và diễn giả đã khẳng định vai trò của trí tuệ nhân tạo trong thương mại điện tử và logistics.


Video




© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->