Theo bà Trần Thị Diệu Thúy - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, việc phát triển các trung tâm nghiên cứu đạt chuẩn quốc tế (Center of Excellence - CoE) được Thành phố xác định là một công cụ chiến lược, nhằm nâng cao năng lực nội sinh, đóng góp trực tiếp cho sự phát triển kinh tế tri thức và khả năng hội nhập toàn cầu. Mô hình CoE sẽ là điểm tựa cho các hoạt động nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ, đồng thời đóng vai trò dẫn dắt hệ sinh thái trí thức của địa phương.
Chiến lược này xuất phát từ những định hướng lớn được đặt ra trong Nghị quyết 31-NQ/TW và Nghị quyết 98/2023/QH15. Theo đó, TP.HCM là địa phương đầu tiên cả nước được trao quyền thí điểm cơ chế đặc thù, với khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là một trong những trọng tâm ưu tiên hàng đầu.
Đề án CoE do UBND TP.HCM ban hành theo Quyết định số 5721/QĐ-UBND ngày 11/12/2023, mang tính chất như một hành lang thể chế mới, tạo đột phá trong cơ chế tài chính, nhân lực và quản trị nghiên cứu. Các tổ chức KH&CN được công nhận tham gia sẽ được tiếp cận gói chính sách ưu đãi chưa từng có tiền lệ - từ thu nhập lên đến 120 triệu đồng/tháng cho lãnh đạo trung tâm, đến hỗ trợ toàn diện về đầu tư cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, và chương trình nghiên cứu trung - dài hạn.
Một trong những điểm mới quan trọng là Đề án không chỉ xét năng lực hiện tại mà còn yêu cầu các tổ chức xây dựng lộ trình phát triển cụ thể, bao gồm số lượng công bố quốc tế, bằng sáng chế, hợp đồng chuyển giao công nghệ và các hợp tác quốc tế.
Tại Hội nghị, Trung tâm Nghiên cứu Vật liệu Cấu trúc Nano và Phân tử (INOMAR) đã chính thức được công bố là đơn vị đầu tiên được công nhận tham gia Đề án CoE. Trong suốt bề dày hoạt động, INOMAR đã sở hữu hàng trăm công bố quốc tế, hàng chục sáng chế và mạng lưới hợp tác rộng khắp với các viện trường uy tín toàn cầu.
Việc INOMAR trở thành đơn vị tiên phong không chỉ là sự ghi nhận năng lực tích lũy trong nghiên cứu khoa học, mà còn thể hiện tầm nhìn chiến lược của TP.HCM trong việc lựa chọn những tổ chức có tiềm năng trở thành trung tâm dẫn dắt. Theo GS. Phan Bách Thắng - Giám đốc INOMAR, tham gia Đề án là cơ hội để trung tâm nâng cấp toàn diện năng lực nghiên cứu, mở rộng hợp tác quốc tế, thương mại hóa kết quả và đào tạo thế hệ nghiên cứu trẻ chất lượng cao.
Dịp này, đại diện Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM cũng đã công bố hướng dẫn cụ thể về quy trình đăng ký, tiêu chí đánh giá và kế hoạch rà soát các tổ chức tiềm năng trong năm 2025.
Cụ thể, tiêu chí lựa chọn tổ chức tham gia Đề án CoE, gồm có: chương trình KH&CN phù hợp với định hướng phát triển Thành phố trong giai đoạn 3-5 năm; có năng lực triển khai; có kế hoạch xây dựng trung tâm đạt chuẩn quốc tế. Tổ chức tham gia cần đạt các chỉ tiêu cụ thể sau 5 năm như: trung bình mỗi năm công bố ít nhất 10 bài báo trên WoS/Scopus, có tối thiểu 5 sáng chế hoặc giải pháp hữu ích, 10 hoạt động chuyển giao công nghệ hoặc 1 sản phẩm KH&CN được công nhận; có hợp tác quốc tế, phát triển nhân lực chất lượng cao và cơ chế quản trị hiệu quả.
Quy trình triển khai được kiểm soát chặt chẽ qua đánh giá định kỳ, giám sát tiến độ và kiểm toán độc lập. Các quyền sở hữu kết quả nghiên cứu sẽ được giao cho tổ chức chủ trì một cách tự động và không bồi hoàn, nhằm thúc đẩy chuyển giao công nghệ và ứng dụng vào thực tiễn.
Theo ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM, việc hình thành các trung tâm nghiên cứu đạt chuẩn quốc tế ngay trong các tổ chức công lập là hoàn toàn khả thi và cần thiết. INOMAR được kỳ vọng sẽ là hình mẫu tiên phong, chứng minh cho tính hiệu quả của cơ chế chính sách đặc thù mà Thành phố chủ động ban hành.
Thành phố đã xác định rõ định hướng phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là trụ cột chiến lược, góp phần thực hiện các Nghị quyết lớn như 24-NQ/TW, 31-NQ/TW, 57-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhiều tổ chức KH&CN công lập hiện còn đối mặt với các rào cản về nhân lực chất lượng cao, công bố quốc tế, năng lực đầu tư và thiếu chính sách mạnh để hình thành nhóm nghiên cứu mạnh. Nhằm tháo gỡ những tồn tại này, Sở Khoa học và Công nghệ đã tham mưu UBND Thành phố ban hành Quyết định 5721/QĐ-UBND ngày 11/12/2023 phê duyệt Đề án CoE, đồng thời phối hợp Hội đồng nhân dân Thành phố xây dựng và ban hành Nghị quyết 19/2023/NQ-HĐND quy định các tiêu chí, đối tượng, điều kiện, và mức chi ưu đãi về tiền lương, tiền công, chế độ phúc lợi cho các chức danh lãnh đạo trong các tổ chức khoa học và công nghệ công lập, cũng như thù lao thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ.
Sau khi ban hành Đề án, Sở Khoa học và Công nghệ đã triển khai đợt đầu tuyển chọn tổ chức KH&CN công lập trên địa bàn. Kết quả, 10 hồ sơ từ 8 đơn vị được tiếp nhận và đánh giá kỹ lưỡng. INOMAR là đơn vị đầu tiên được phê duyệt đáp ứng các tiêu chí Đề án, đánh dấu bước khởi đầu cho quá trình triển khai đầy kỳ vọng.
Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tiếp tục đóng vai trò đầu mối, phối hợp các sở, ngành, viện, trường và doanh nghiệp trong việc hỗ trợ các trung tâm tham gia Đề án. Những hoạt động như tập huấn tài chính, giám sát đánh giá KPI, kết nối chuyên gia và hợp tác quốc tế sẽ được tổ chức thường xuyên. Đồng thời, Sở cũng kêu gọi các tổ chức KH&CN công lập khác tiếp tục nghiên cứu và đăng ký tham gia ở các đợt tuyển chọn tiếp theo. Mục tiêu là đưa TP.HCM trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo hàng đầu khu vực Đông Nam Á vào năm 2045.
Mục tiêu dài hạn của Đề án là đến năm 2030 có ít nhất 5 trung tâm tiệm cận chuẩn quốc tế, và đến 2045 có ít nhất 5 trung tâm nghiên cứu đạt chuẩn quốc tế hoàn chỉnh. Tuy nhiên, đây không chỉ là cuộc chạy đua về số lượng, mà là một tiến trình chuyển hóa - từ nền khoa học phân tán, thiếu nguồn lực và gắn kết, sang một hệ sinh thái nghiên cứu - đổi mới có quy mô, hiệu quả và khả năng hội nhập.
Để đạt được điều này, TP.HCM tiếp tục hoàn thiện thể chế, đầu tư có trọng tâm, ưu tiên các lĩnh vực mũi nhọn và tận dụng lợi thế của các trung tâm đầu tàu như INOMAR. Những thành quả ban đầu của Đề án sẽ là chất xúc tác để mở rộng mô hình ra toàn bộ khu vực phía Nam và cả nước.
Trong kỷ nguyên mà giá trị gia tăng phụ thuộc vào năng lực sáng tạo, tri thức và công nghệ, TP.HCM đang định hình một con đường phát triển riêng: không chỉ dựa vào quy mô kinh tế hay tốc độ đầu tư, mà dựa vào năng lực sản sinh và ứng dụng tri thức để tạo ra đột phá bền vững.
Với Đề án CoE, Thành phố đã sở hữu công cụ chính sách mạnh, quyết tâm chính trị cao và sự đồng hành của cộng đồng khoa học - doanh nghiệp. Hạt giống đầu tiên mang tên INOMAR đã được gieo, từ đây, hành trình xây dựng những trung tâm trí tuệ vươn tầm khu vực và quốc tế chính thức bắt đầu. |