Sinh vật [ Đăng ngày (25/06/2025) ]
Điều kỳ lạ là phân chim cánh cụt có thể làm mát Nam Cực
Nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Communications Earth & Environment đã hé lộ một vai trò bất ngờ của chim cánh cụt trong việc bảo vệ môi trường Nam Cực trước tác động của biến đổi khí hậu.

Theo đó, khí thải từ chim cánh cụt Adelie (Pygoscelis adeliae) có thể giúp thúc đẩy quá trình hình thành mây tự nhiên thông qua phản ứng của amoniac với các khí chứa lưu huỳnh tạo thành các hạt khí dung nhỏ. Những hạt này đóng vai trò như các bề mặt để hơi nước ngưng tụ, từ đó hình thành các đám mây. Những đám mây này có thể hoạt động như lớp cách nhiệt tự nhiên cho khí quyển, giúp làm mát bề mặt của Nam Cực và mở ra khả năng điều hòa khí hậu tự nhiên trong khu vực này. Sự phát hiện này xuất phát từ các phép đo khí quyển gần Căn cứ Marambio, Nam Cực, khi các nhà khoa học quan sát thấy nồng độ amoniac trong không khí tăng lên đột biến khi gió thổi từ hướng đàn chim cánh cụt gồm 60.000 cá thể cách đó khoảng 8 km.

Trong quá trình nghiên cứu, các nhà khoa học đã ghi nhận rằng khi đàn chim cánh cụt Adelie di chuyển qua khu vực, nồng độ amoniac trong không khí tăng tới 13,5 phần tỷ, cao hơn hơn 1.000 lần so với mức bình thường. Ngay cả sau khi đàn chim rời khu vực vào cuối tháng 2, lượng khí này vẫn duy trì cao hơn 100 lần so với giá trị nền, vì phân chim còn tiếp tục phát ra khí. Các phép đo bổ sung được thực hiện trong cùng ngày cho thấy rằng, khi gió thổi từ hướng đàn chim, số lượng và kích thước các hạt khí dung trong không khí cũng gia tăng rõ rệt, và sau khoảng ba giờ, các nhà khoa học ghi nhận sự hình thành sương mù, có khả năng liên quan đến sự gia tăng của các hạt này. Điều này cho thấy rõ mức độ liên kết giữa khí thải từ chim cánh cụt và quá trình tạo mây, góp phần nâng cao nhận thức về vai trò của các loài chim biển đối với điều kiện khí hậu.

Các kết quả nghiên cứu này mở ra một quan điểm mới về tác dụng tích cực của chim cánh cụt trong việc giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu tại Nam Cực. Phân chim cánh cụt không chỉ đóng vai trò là nguồn khí amoniac quan trọng mà còn có thể giúp thúc đẩy quá trình tạo mây và làm dịu đi những ảnh hưởng tiêu cực đối với hệ sinh thái đặc biệt này. Các nhà khoa học nhấn mạnh rằng việc bảo vệ các loài chim biển và môi trường sống của chúng không chỉ có ý nghĩa về mặt sinh thái mà còn mang lại lợi ích thiết thực trong việc duy trì cân bằng khí hậu khu vực và toàn cầu. Công trình nghiên cứu này chính là lời nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng của việc bảo tồn các hệ sinh thái và đa dạng sinh học trong cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu.

ntqnhu
Theo https://scitechdaily.com
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn




© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - Quận Ninh Kiều - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->