Điều gì đã xảy ra?
Khi thuốc viêm khớp "đánh trúng" trung tâm điều khiển động lực sống
Thứ được tiêm vào những con chuột không phải thuốc chữa ung thư, mà là chất ức chế interleukin-6 (IL-6) – loại protein liên quan đến phản ứng viêm, thường được điều trị ở bệnh nhân viêm xương khớp. Nhưng tác dụng bất ngờ của nó lại không nằm ở khối u, mà ở... não bộ.
Thông qua các thí nghiệm thần kinh học tinh vi, nhóm nghiên cứu phát hiện: chính phản ứng viêm mạnh mẽ từ khối u đã gửi tín hiệu đến một vùng đặc biệt trong não chuột – nơi không được bảo vệ bởi hàng rào máu não. Tại đây, dòng cytokine gây viêm đã tác động đến hệ thống sản sinh dopamine – hormone có vai trò kích hoạt động lực và niềm vui sống.
Hậu quả? Chuột mất hoàn toàn ý chí, không còn hứng thú với thức ăn hay vận động, bất chấp vẫn còn khả năng sống sót. Tình trạng này rất giống với hội chứng suy mòn (cachexia) mà 80% bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối gặp phải – hội chứng khiến họ mệt mỏi, bỏ ăn và dần buông xuôi.
Sự thật không chỉ là tâm lý
Trong nhiều thập kỷ, cachexia thường bị xem là một vấn đề tâm lý, điều trị chủ yếu bằng cách động viên tinh thần hoặc hỗ trợ dinh dưỡng. Nhưng giờ đây, nghiên cứu mới đã chứng minh: đó là một rối loạn sinh lý học thực sự – xuất phát từ phản ứng viêm của chính khối u.
Chặn đường tín hiệu viêm – như bằng thuốc ức chế IL-6 – đồng nghĩa với việc có thể bật lại “công tắc” dopamine, khơi dậy lại khát vọng sống trong cơ thể đang kiệt quệ. Và đó chính xác là điều nhóm nghiên cứu đã quan sát thấy ở những con chuột được tiêm thuốc.
Từ chuột sang người: Hy vọng cho bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối
Dù nghiên cứu này mới dừng ở mô hình động vật, nhưng kết quả mở ra một hướng đi mới: không nhắm vào khối u, mà cải thiện chất lượng sống bằng cách khôi phục động lực sống từ hệ thần kinh.
"Chúng tôi phát hiện ra rằng ung thư không chỉ phá hủy cơ thể – nó chiếm đoạt cả vùng não kiểm soát ý chí sống", Giáo sư Adam Kepecs, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết. "Và điều tuyệt vời là chúng tôi có thể lấy lại điều đó."
Đáng chú ý, loại thuốc IL-6 mà nhóm sử dụng tương tự với nhiều loại thuốc viêm khớp đã được Cục Quản lý Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) phê duyệt. Điều đó đồng nghĩa, lộ trình đưa phát hiện này vào thực tiễn có thể khả thi trong tương lai gần.
Không chỉ ung thư
Phát hiện của nhóm nghiên cứu còn mở rộng tiềm năng điều trị sang các bệnh lý mạn tính khác như viêm khớp tự miễn, nhiễm trùng mạn và thậm chí là trầm cảm – những tình trạng có biểu hiện tương tự hội chứng suy mòn về mặt hành vi và sinh lý.
Từ góc nhìn tiến hóa, việc cơ thể tắt động lực sống trong thời kỳ nhiễm bệnh có thể từng là cơ chế bảo vệ – giúp tổ tiên chúng ta tiết kiệm năng lượng để hồi phục. Nhưng trong bối cảnh bệnh lý mạn tính, phản ứng đó trở nên phản tác dụng, kéo theo suy sụp cả thể chất lẫn tinh thần.
"Giữ được ý chí sống – thậm chí chỉ để mở mắt xem một chương trình TV yêu thích – có thể là sự khác biệt lớn với người bệnh giai đoạn cuối", giáo sư Kepecs chia sẻ. "Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, điều đó hoàn toàn có thể phục hồi, dù ung thư vẫn hiện diện."
|