Trong nền kinh tế tri thức, thông tin khoa học và công nghệ là một trong những động lực để phát triển kinh tế - xã hội và là cầu nối tạo ra liên kết giữa khu vực nghiên cứu và khu vực sản xuất, góp phần đưa những thành tựu của khoa học và công nghệ vào cuộc sống, qua đó tạo ra tính cạnh tranh, thương hiệu, năng lực đổi mới sáng tạo của mỗi quốc gia. Chính vì vậy, hoạt động thông tin khoa học và công nghệ luôn là một trong những vấn đề được bàn đến trong chiến lược phát triển khoa học và công nghệ của các quốc gia trên thế giới hiện nay. Tại Việt Nam, trong chiến lược phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ đã xác định giải pháp: tiếp tục đầu tư nâng cao năng lực hệ thống thông tin khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, tiếp tục phát triển theo hướng chuyển đổi số, tăng cường liên kết hiệu quả giữa các trung tâm thông tin khoa học, từ đó phát triển và khai thác có hiệu quả hạ tầng thông tin khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Trong hoạt động thông tin khoa học và công nghệ, phát triển nguồn tin khoa học và công nghệ là khâu quan trọng, quyết định giá trị của hệ thống thông tin, và là nguồn lực đầu vào cho hoạt động thông tin khoa học và công nghệ. Với xu thế chuyển đổi số hiện nay, việc phát triển nguồn tin khoa học và công nghệ gặp phải những rào cản nhất định, trong đó phải kể đến đó là rào cản về thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong môi trường số. Vấn đề đặt ra là: làm sao để phát huy được giá trị của thông tin khoa học và công nghệ phục vụ các hoạt động học tập, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, sản xuất, kinh doanh, đổi mới nhằm tạo ra những giá trị cả về khoa học và thương mại nhưng vẫn bảo đảm việc thực thi các quy định của pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ và các quy định khác có liên quan. Đây là một trong những bài toán cần có lời giải. Tại nghiên cứu này, trên cơ sở phân tích thực trạng các chính sách liên quan đến phát triển nguồn tin khoa học và công nghệ, nhận diện những rào cản trong thực thi chính sách phát triển nguồn tin khoa học và công nghệ gắn với bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, bài viết đề xuất các giải pháp chính sách nhằm khắc phục những rào cản theo hướng xây dựng khung đánh giá khả năng truy cập mở trong phát triển nguồn tin khoa học và công nghệ.
Trên cơ sở phân tích chính sách phát triển nguồn tin khoa học và công nghệ hiện hành, bài viết nhận diện những rào cản và thách thức đặt ra trong thực thi chính sách phát triển nguồn tin khoa học và công nghệ gắn với bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong môi trường số. Nghiên cứu đưa ra khuyến nghị chính sách đối với các nguồn tin khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước là kết quả nghiên cứu cơ bản trong các lĩnh vực, nghiên cứu ứng dụng trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn cần được xem xét đánh giá khả năng truy cập mở; nghiên cứu cũng đóng góp công cụ để triển khai thực hiện bằng khung đánh giá khả năng truy cập mở và quy trình xem xét đánh giá khả năng truy cập mở đối với nguồn tin khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước, từ đó đề xuất chính sách để hiện thực hóa giải pháp. Với kết quả nghiên cứu này, sẽ góp phần trong việc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin khoa học và công nghệ, qua đó thúc đẩy hoạt động phổ biến tri thức khoa học và công nghệ đến với cộng đồng. |