Giải pháp [ Đăng ngày (26/04/2025) ]
Quốc hội thẩm tra sơ bộ dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả
Ngày 19/4/2025, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KHCN&MT) của Quốc hội tổ chức phiên họp thẩm tra sơ bộ Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Phiên họp nhấn mạnh sự cấp thiết trong việc hoàn thiện hành lang pháp lý nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam thích ứng với các rào cản kỹ thuật toàn cầu và thúc đẩy chuyển đổi xanh.

Tại trụ sở Quốc hội, Ủy ban KHCN&MT đã tổ chức phiên họp thẩm tra sơ bộ đối với Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (SDNL TK&HQ). Phiên họp do Chủ nhiệm Ủy ban - ông Lê Quang Huy chủ trì, với sự tham dự của các Phó Chủ nhiệm, đại biểu chuyên trách cùng đại diện nhiều bộ, ngành, tổ chức liên quan.

Phát biểu khai mạc, ông Lê Quang Huy nhấn mạnh ba chuyển đổi trọng tâm cần đặc biệt lưu ý trong bối cảnh hiện nay: chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng và chuyển đổi xanh – các yếu tố liên quan chặt chẽ trong mục tiêu sử dụng năng lượng hiệu quả. Ông cũng chỉ rõ sự cần thiết của việc sửa đổi luật nhằm đảm bảo tính đồng bộ trong hệ thống pháp luật, phù hợp với hiến pháp và thực tiễn hội nhập quốc tế.

Thúc đẩy dịch vụ ESCO, giảm phát thải, nâng cao năng lực cạnh tranh

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long, sau 15 năm thi hành, Luật SDNL TK&HQ đã bộc lộ nhiều bất cập, không còn phù hợp với yêu cầu chuyển đổi sản xuất xanh trong bối cảnh các quốc gia và thị trường lớn như EU, Mỹ, Nhật Bản đang áp dụng các công cụ chính sách phát thải nghiêm ngặt. Điều này tạo áp lực lớn lên các ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như dệt may, da giày, thép, nhựa...


Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long tóm tắt nội dung chính của Dự án Luật

Dự luật sửa đổi lần này hướng đến việc hỗ trợ doanh nghiệp thông qua các cơ chế tài chính, mô hình hỗ trợ như dịch vụ công ty năng lượng (ESCO) – mô hình đã thành công tại nhiều quốc gia. Cùng với đó là việc hình thành quỹ thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận công nghệ xanh và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Phân cấp mạnh, cải cách thủ tục, phù hợp với Chính phủ điện tử

Một trong những điểm mới nổi bật của dự thảo là đẩy mạnh phân cấp cho địa phương và bộ ngành chuyên trách. Việc công bố danh sách cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm, hay danh mục thiết bị dán nhãn năng lượng, sẽ không còn do Chính phủ mà thuộc về các bộ, ngành và địa phương – giúp tăng tính linh hoạt, tiết kiệm thời gian.

Dự luật cũng đề xuất cắt giảm 50% thủ tục hành chính hiện hành, hướng đến mô hình doanh nghiệp tự công bố và chịu trách nhiệm về nhãn năng lượng, đồng thời loại bỏ thủ tục cấp chứng chỉ kiểm toán năng lượng. Những điều chỉnh này không chỉ giảm gánh nặng chi phí mà còn thúc đẩy mô hình quản trị năng lượng chủ động hơn, phù hợp với chủ trương cải cách thể chế, phát triển kinh tế số.

Hài hòa với cam kết quốc tế, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn

Dự thảo lần này được đánh giá có độ tương thích cao với các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia, trong đó có Thỏa thuận Paris và mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 theo cam kết tại COP26. Bộ Công Thương khẳng định các quy định không xung đột với điều ước quốc tế, đồng thời thúc đẩy các mô hình kinh tế tuần hoàn, sản xuất sạch hơn và hình thành thị trường dịch vụ năng lượng chuyên nghiệp.

Đủ điều kiện trình Quốc hội, tiếp tục hoàn thiện để nâng cao hiệu quả thực thi

Trình bày báo cáo thẩm tra sơ bộ, ông Nguyễn Phương Tuấn – Phó Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT cho biết, Thường trực Ủy ban tán thành với sự cần thiết sửa đổi luật và đánh giá hồ sơ dự thảo đã được chuẩn bị nghiêm túc, đủ điều kiện trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét.

Tại phiên họp, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận, góp ý sôi nổi về các vấn đề: dán nhãn năng lượng, hỗ trợ vùng sâu vùng xa, dịch vụ ESCO, cơ chế quỹ, tiêu chuẩn hàng hóa, quản lý năng lượng tại cơ sở sản xuất... Đại diện Bộ Công Thương và các cơ quan soạn thảo đã tiếp thu, giải trình rõ ràng.

Kết luận phiên họp, ông Lê Quang Huy đánh giá cao sự chuẩn bị của Bộ Công Thương, đặc biệt là việc tiếp thu chỉ đạo về cắt giảm thủ tục và phân cấp. Ông đề nghị cơ quan chủ trì tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan thẩm tra, chuẩn bị các văn bản hướng dẫn thực thi luật. Theo kế hoạch, dự luật sẽ được trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 9 vào tháng 5/2025 theo quy trình một kỳ họp.

tietkiemnangluong.com.vn | vneec.gov.vn (nlpanh)
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn




© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - Quận Ninh Kiều - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->