Môi trường [ Đăng ngày (27/04/2025) ]
Áp dụng cơ chế “đặt cọc - hoàn trả” để thu gom chai nhựa - tình huống nghiên cứu ở thành phố Hồ Chí Minh
Chai nhựa PET (Polyethylene terephthalate) còn được gọi là PET, PETE, PETP hoặc PET-P, là loại nhựa nhiệt dẻo, có thể tái chế, tái sử dụng, được dùng làm bao bì đựng thực phẩm, đặc biệt phổ biến ở các loại nước uống đóng chai như nước suối, nước ngọt...

Thực trạng thải bỏ chai nhựa không đúng cách trong cộng đồng dân cư gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là tại TP. Hồ Chí Minh, đang là một vấn đề đáng lo ngại. Nhằm góp phần vào hoạt động quản lý rác thải và giảm rác thải nhựa (RTN) ra môi trường, nhóm nghiên cứu áp dụng công cụ “Đặt cọc - Hoàn trả” trong họat động thu gom chai nhựa PET để xây dựng mô hình "mượn chai nước” tại địa phương.

Thông qua phương pháp đánh giá ngẫu nhiên (CVM), phỏng vấn trực tiếp 202 người tiêu dùng tại TP. Hồ Chí Minh bằng bảng hỏi khảo sát mức sẵn lòng chi trả dựa trên giả định người tiêu dùng sẵn lòng trả thêm bao nhiêu tiền khi mua một chai nước làm bằng nhựa PET, nhóm tác giả xác định mức phí “Đặt cọc” cho hoạt động thu gom chai PET sau sử dụng. Kết quả cho thấy, mức sẵn lòng chi trả cho chi phí “Đặt cọc” là từ 1.200 - 2.000 đồng/chai tùy dung tích; sự sẵn lòng tham gia vào chương trình “mượn chai nước” của người tiêu dùng là trên 88%. Từ kết quả này, nghiên cứu đề xuất thực hiện mô hình “mượn chai nước” tại TP. Hồ Chí Minh để thu gom chai PET sau sử dụng cho hoạt động tái chế, tái sử dụng, BVMT.

1. Phương pháp nghiên cứu

Phương pháp điều tra, khảo sát: Nghiên cứu thiết kế theo phương pháp điều tra, khảo sát. Đối tượng được chọn ngẫu nhiên là người tiêu dùng đã mua và đang sử dụng chai nhựa PET đựng đồ uống tại các khu vực đông người như trung tâm thương mại, chợ truyền thống... tại quận 1, quận Tân Bình, quận 5 (TP. Hồ Chí Minh). Số mẫu khảo sát là 202 được xác định; khi phỏng vấn bằng bảng hỏi, cỡ mẫu là n ≥ 50 + 8k, với k là số câu hỏi. Bảng hỏi nghiên cứu có 17 câu hỏi (tối thiểu là 186 quan sát). Thời gian khảo sát từ tháng 2 - 3/2024. Đối tượng tham gia khảo sát có 57,4% là nữ giới, 42,6% là nam giới. Độ tuổi trung bình 18 - 30 tuổi chiếm 88,6%, còn lại có độ tuổi trên 30 tuổi và trên 50 tuổi. Về nghề nghiệp, đa dạng các ngành nghề từ sinh viên, nhân viên văn phòng đến nông dân, nội trợ, kinh doanh... trong nhóm đối tượng phỏng vấn, sinh viên chiếm 36,1% và nhân viên văn phòng chiếm 42,6%, công chức, viên chức chiếm 9,9%, nội trợ và tự kinh doanh chiếm 8,9%. Nhóm thu nhập 5 - 10 triệu đồng/tháng chiếm tỷ lệ cao nhất, gần 29,2%. Nhóm thu nhập 15 - 20 triệu/ tháng chiếm 24,3% và nhóm thu nhập trên 20 triệu đồng/tháng chiếm 7,9%. Như vậy, phân bổ đối tượng khảo sát phù hợp về giới tính, độ tuổi, nghề nghiệp, thu nhập, tuy nhiên đối tượng có độ tuổi 18 - 30 cao hơn, nhưng đây là nhóm đối tượng có thể ra quyết định và dành nhiều sự quan tâm đến môi trường ở hiện tại và trong tương lai.

Phương pháp đánh giá ngẫu nhiên về mức sẵn lòng chi trả (CVM): Phương pháp đánh giá ngẫu nhiên - CVM (Contingent valuation method) là một trong nhóm phương pháp bộc lộ sự ưa thích, được sử dụng xác định mức “Đặt cọc” trong mô hình “mượn chai nước” của châu Âu. Vì thế, nghiên cứu cũng áp dụng phương pháp CVM nhằm xác định mức sẵn lòng chi trả từ đó xác định mức phí “Đặt cọc” cho hoạt động thu gom chai PET sau sử dụng theo nguyên tắc “Người gây ô nhiễm phải trả tiền” hoặc “Người hưởng lợi phải trả tiền”. Mức chi phí phải trả tương ứng mức gây ô nhiễm bằng chi phí thay thế (chi phí tái chế), hoặc lợi ích nhận được thông qua mức sẵn lòng chi trả của người tiêu dùng. Trong trường hợp tái chế chai nhựa, chi phí tái chế chai nhựa PET từ 17.000 - 28.000 đồng/kg, ước tính khoảng 200 - 500 đồng/chai nhựa. Với mức phí tái chế này sẽ khó áp dụng cho mô hình “mượn chai nước” vì chi phí quá thấp so với chi phí cơ hội của người tiêu dùng khi họ mang chai nhựa đi đổi trả. Do đó, nghiên cứu lựa chọn xác định mức phí “Đặt cọc” thông qua nguyên tắt “Người hưởng lợi phải trả tiền”. Thực hiện phương pháp CVM cần đặt ra các tình huống giả định về việc thay đổi chất lượng hàng hóa hoặc dịch vụ môi trường để thu thập ý kiến của cộng đồng. Người tham gia được thông báo rõ về lợi ích hoặc tổn thất trong các tình huống đó để có thể đưa ra quyết định. WTP là mức giá lớn nhất mà mỗi cá nhân bằng lòng chi trả đối với một đơn vị sản phẩm hàng hóa, dịch vụ nhất định khi họ quyết định mua, hưởng lợi ích từ đó và là giá trị sẵn lòng chi trả bình quân của tổng thể được khảo sát.

Số liệu được thu thập bằng cách chọn ngẫu nhiên người tiêu dùng, phỏng vấn trực tiếp bằng bảng hỏi khảo sát WTP dựa trên giả định người tiêu dùng sẵn lòng trả thêm bao nhiêu tiền khi mua một chai nước làm bằng nhựa PET áp dụng cho mô hình “mượn chai nước” nhằm mục đích thu gom, tái chế giúp giảm ô nhiễm rác thải nhựa. Các thông tin cá nhân cũng được hỏi bên cạnh các câu hỏi về nhận thức, hiểu biết về ô nhiễm môi trường, ô nhiễm rác thải nhựa, nêu quan điểm về mô hình “mượn chai nước”. Thu thập số liệu bằng phương pháp đánh giá ngẫu nhiên người tiêu dùng tại TP. Hồ Chí Minh, tiến hành khảo sát sơ bộ xác định mức WTP ban đầu cho thấy, có 5 mức từ không đồng ý, đồng ý trả 500, 1.000, 1.500, 2.000 đồng/chai, từ đó chọn mức chi trả từ 0 - 3.000 đồng/chai tùy loại dung tích khảo sát chính thức.

2. Kết luận

Nghiên cứu dựa trên cơ sở lý thuyết công cụ thị trường “Đặt cọc - Hoàn trả” trong quản lý môi trường xác định mức sẵn lòng chi trả của người tiêu dùng cho việc thu gom tái chế chai PET sau sử dụng nhằm đề xuất giải pháp giảm RTN theo mô hình “mượn chai nước” đang thực hiện hiệu quả tại châu Âu. Mức “Đặt cọc” được xác định bằng lợi ích BVMT mà người tiêu dùng nhận được thông qua mức sẵn lòng chi trả (WTP) của họ. Với phương pháp đánh giá ngẫu nhiên, phỏng vấn 202 người tiêu dùng tại TP. Hồ Chí Minh, thu thập và tính toán kết quả người tiêu dùng sẵn sàng chi trả từ 1.200 - 2.000 đồng/ chai PET, tùy theo dung tích. Kết quả cũng cho thấy sự sẵn lòng tham gia vào chương trình “mượn chai nước” của người tiêu dùng là trên 88%. Như vậy, mô hình “mượn chai nước” có thể triển khai thực hiện, nhằm góp phần vào hoạt động quản lý rác thải và giảm RTN ra môi trường.
dtnkhanh
Theo Tạp chí Môi trường Chuyên đề Tiếng Việt số 04 (2024)
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Video




© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - Quận Ninh Kiều - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->