1. Khu vực nghiên cứu
Nghiên cứu được thực hiện tại TP. Hồ Chí Minh
2. Phương pháp nghiên cứu
2.1. Phương pháp nghiên cứu ý thuyết
Nghiên cứu áp dụng phương pháp nghiên cứu lý thuyết tài liệu được thu thập, cụ thể:
- Phương pháp phân tích và tổng hợp lý thuyết: Phân tích thành từng bộ phận tài liệu để tìm hiểu sâu về RTN và KTTH, sau đó tổng hợp những thông tin đã được phân tích thành một hệ thống mới, đầy đủ, bám sát vào đối tượng nghiên cứu.
- Phương pháp phân loại và hệ thống hóa lý thuyết: Nghiên cứu áp dụng phương pháp này để phân loại chúng thành những chủ đề có liên quan đến nhau, cùng một định hướng trong đề tài.
- Phương pháp giả thuyết: Trước khi nghiên cứu, nhóm tác giả đưa ra quan điểm, giả thuyết về vấn đề (mô hình KTTH cho ngành nhựa đã được đề xuất trong bài báo), sau đó chứng minh điều đưa ra là đúng, có cơ sở khoa học để minh chứng (các kết quả phân tích SWOT và biểu đồ Rada).
2.2. Phương pháp nghiên cứu thực tiễn
- Phân tích, tổng kết kinh nghiệm:
(i) Các mô hình KTTH đã có như KTTH và chuỗi giá trị của Vinamilk; KTTH trong sản xuất cà phên của Nestle; KTTH phục vụ phát triển kinh - tế xã hội bền vững huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu từ năm 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030.
(ii) Các quy trình, quy mô tái chế nhựa: Công ty cổ phần tái chế nhựa Lan Trân; Nhà máy nhựa tái chế Duy Tân; Công ty cổ phần môi trường miền Đông… Những công ty này đều thuộc danh mục đủ năng lực tái chế tại Việt Nam do Hội đồng EPR quốc gia vừa công bố (Hội đồng về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất - Bộ TN&MT).
- Điều tra: Nghiên cứu thực hiện khảo sát số liệu về hiện trạng RTN, nhằm xác định dữ liệu loại mặt hàng nhựa thường dùng trong sinh hoạt gia đình; thói quen xử lý sản phẩm nhựa không còn sử dụng trong cộng đồng dân cư của 450 hộ dân tại TP. Hồ Chí Minh với những nội dung:
(i) Loại mặt hàng nhựa thường dùng trong sinh hoạt gia đình;
(ii) Thói quen xử lý các hàng hóa nhựa không còn sử dụng của người dân qua bán phế liệu, tận dụng cho mục đích khác trong gia đình, vứt bỏ thành RTN.
Hình thức và phương pháp điều tra, xử lý dữ liệu: T hực hiện điều tra trực tuyến bằng phiếu khảo sát câu hỏi và đường link khảo sát. Các kết quả khảo sát thu thập được thống kê, xử lý bằng phần mềm Microsoft Excel.
- Chuyên gia: Nghiên cứu sử dụng trí tuệ của đội ngũ chuyên gia có trình độ phù hợp với chuyên môn, các nhà quản lý, nghiên cứu về KTTH, nhằm thu thập thông tin khoa học, ghi chép nhận định, đánh giá về mô hình KTTH cho ngành nhựa để làm cơ sở bổ sung, chỉnh sửa cho vấn đề nghiên cứu.
2.3. Phương pháp đánh giá SWOT và thang đo 5 bậc Likert
Nghiên cứu thực hiện đáng giá, lấy thông tin từ tiềm lực nội tại (điểm mạnh và điểm yếu cụ thể), cũng như lực lượng hạn chế bên ngoài khó kiểm soát đối với các quyết định đề xuất (cơ hội và mối đe dọa) theo phương pháp SWOT. Kết quả đánh giá khả năng có thể thu hồi tài nguyên từ CTR, phương pháp cộng đồng, ý kiến chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực nghiên cứu chấm điểm với phương pháp thang đo Likert 5 bậc và sắp xếp, đánh giá theo thứ tự từ mức thấp đến cao cho các điểm mạnh (strength), điểm yếu (weakness), cơ hội (opportunity), đe dọa (threat) như sau:
- Cho tiềm năng mạnh (strength): Cao nhất là 5 điểm, thấp nhất là 1 điểm.
- Cho tiềm năng yếu (weakness): Điểm số cho yếu tố yếu nhất là điểm 5 (điểm âm).
- Về tiềm năng cơ hội (opportunity): Khả thi nhất nhận điểm tối đa 5, thấp nhất là 1 điểm.
- Về khả năng đe dọa (threat): Điểm số cho yếu tố gây thách thức cao nhất là điểm 5 (điểm âm).
3. Kết luận
Tóm lại, mô hình KTTH được đề xuất và kết quả đánh giá tính khả thi mở ra hướng đi triển vọng hơn trong công cuộc quản lý CTR tại TP. Hồ Chí Minh, đây cũng là giải pháp phù hợp với điều kiện hiện có của quốc gia và hội nhập với thế giới.
Nghiên cứu đã cho thấy, RTN nếu được sử dụng như một nguồn nhiên liệu sản xuất sẽ mang lại giá trị tài chính hàng tỷ đồng mỗi ngày cho TP. Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, tích cực tái chế RTN của các DN địa phương, cộng đồng là nhân tố quan trọng quyết định sự thành công của chiến lược chuyển đổi từ nền kinh tế tuyến tính sang nền KTTH. Nghiên cứu cũng đã chỉ ra được điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức của mô hình KTTH cho toàn ngành nhựa Việt Nam, đáp ứng được kỳ vọng của chính sách EPR với yêu cầu thu hồi một số sản phẩm sau tiêu dùng theo quy định của Luật BVMT.
Kết quả nghiên cứu đã chứng minh một động lực với sức mạnh bền vững là giá trị kinh tế của CTR và RTN. Nguồn tài chính tái tạo này có thể giúp các DN, nhà quản lý môi trường, đặc biệt là đối với những thành phố lớn như TP. Hồ Chí Minh trong thực thi trách nhiệm, mục tiêu phát triển để có chiến lược thích hợp cho lĩnh vực hoạt động, nhằm đạt được sự bền vững sản xuất hay trở thành một thành phố trung hòa các-bon.
Hạn chế của nghiên cứu hiện nay chính là chưa được đưa vào hoạt động kiểm nghiệm thực tế. Vấn đề vận hành mô hình cũng đòi hỏi phải có nguồn nhân lực được đào tạo chuyên sâu. Trên cơ sở đó, nhóm tác giả kiến nghị cần phải xem KTTH là một nội dung liên ngành và trở thành tiêu chí bình chọn thi đua, tạo điều kiện cho cán bộ, DN, địa phương nâng cao nhận thức của người dân; thể hiện rõ vai trò của các trường Đại học, Viện nghiên cứu về đào tạo về KTTH cho tất cả mọi ngành nghề. Đồng thời, cần lồng ghép vào kinh tế tại địa phương, nội dung đổi mới sáng tạo và các kế hoạch hành động quốc gia. |