Các nhà khoa học từ Đại học Sheffield chỉ ra rằng, các sông băng trên dãy Andes, trải dài qua nhiều quốc gia, đang tan chảy với tốc độ đáng báo động. Chúng mỏng đi 0,7 mét mỗi năm, nhanh hơn 35% so với mức trung bình toàn cầu, đe dọa nghiêm trọng đến nguồn nước ngọt thiết yếu cho sinh hoạt, nông nghiệp, công nghiệp và sản xuất thủy điện. Báo cáo "Tương lai của các tháp nước Andean" nhấn mạnh rằng, sự tan chảy này không chỉ làm suy giảm nguồn nước mà còn gây ra mối đe dọa ngày càng tăng đối với an ninh lương thực và nước uống của các cộng đồng trong khu vực.
Nguyên nhân chính của tình trạng này là biến đổi khí hậu, làm tăng nhiệt độ không khí, gây ra các hiện tượng thời tiết cực đoan, giảm lượng tuyết rơi và gia tăng hạn hán trên dãy Andes. Tốc độ thu hẹp của các sông băng đã tăng tốc đáng kể sau năm 2000, trùng với thời điểm lượng khí thải nhà kính tăng vọt trên toàn cầu. Mặc dù Thỏa thuận Paris 2015 đã đặt mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5°C, mục tiêu này đã bị vượt quá trong nhiều tháng của năm 2024. Các dự báo bi quan còn cho thấy một số khu vực của dãy Andes có thể hoàn toàn không còn băng vào năm 2100 nếu nhiệt độ tiếp tục tăng trên 2°C.
Để giải quyết vấn đề cấp bách này, các chuyên gia nhấn mạnh rằng, bên cạnh việc hạn chế lượng khí thải carbon toàn cầu, việc quản lý hiệu quả các nguồn tài nguyên nước là vô cùng quan trọng. Khi các sông băng tiếp tục thu hẹp, nhiều quốc gia sẽ buộc phải đầu tư vào cơ sở hạ tầng lưu trữ nước lớn như đập. Tuy nhiên, những dự án này đòi hỏi nguồn vốn đáng kể, gây khó khăn cho các quốc gia nghèo hơn và dễ bị ảnh hưởng nhất bởi biến đổi khí hậu trong việc ứng phó với cuộc khủng hoảng này. |