Đến cuối năm 2017, Lào Cai có 1.229,7 ha đất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với giá trị sản phẩm bình quân đạt khoảng 229,55 triệu đồng/ha. Ngoài ra, diện tích sản xuất theo hướng ứng dụng một phần công nghệ cao đạt 7.765 ha, tập trung tại các huyện như Mường Khương, Sa Pa, Bắc Hà… với các loại cây trồng như lúa, rau, chuối, dứa, cây ăn quả ôn đới và chè.
Ông Tô Mạnh Tiến, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lào Cai, cho biết tỉnh đang đặc biệt quan tâm phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Việc áp dụng công nghệ cao, như nhà màng, nhà kính và tưới tự động, giúp nâng cao chất lượng cây giống, giảm rủi ro do biến đổi khí hậu và tăng năng suất, chất lượng nông sản.
Năm 2017, nghành nông nghiệp Lào Cai đã xuất trên 15 vạn cây gốc ghép cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao gồm 4 vạn cây đào; 3 vạn cây mận và 8 vạn cây lê, đáp ứng nhu cầu trồng mới cây ăn quả ôn đới của tỉnh Lào Cai. Hiện đang nghiên cứu, khảo nghiệm đánh giá một số giống cây ăn quả mới (mận, lê, sơ ri…) tại vườn Trại thuộc Trung tâm. Tiếp tục chăm sóc bảo vệ và theo dõi tình hình sinh trưởng của các vườn cây giống gốc (Cây lê VH6, cây Mận Tam hoa Bắc Hà, các giống hồng Fuyu, Jijo…).
Việc ứng dụng công nghệ cao vào trồng và sản xuất cây dược liệu đang trở thành hướng phát triển kinh tế đột phá của tỉnh Lào Cai. Năm 2017, toàn tỉnh có 900 ha trồng dược liệu với nhiều loại như Actisô, Đương quy, Chè dây, Xuyên khung, Tam Thất, Ý dĩ, Sa nhân... Tập trung tại các huyện Sa Pa, Bắc Hà, Si Ma Cai, Bát Xát, Mường Khương và Văn Bàn.
Lào Cai đặt mục tiêu đến năm 2020 phát triển vùng trồng cây dược liệu đạt 1.900 ha, gồm 795 ha cây hàng năm và 1.105 ha cây lâu năm. Dự án "Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và phát triển cây dược liệu giai đoạn 2016–2020" được triển khai nhằm cung cấp dược liệu đạt chuẩn, tạo việc làm cho 15.000 lao động, giúp trên 2.000 hộ thoát nghèo.
Anh Nguyễn Văn Giỏi ở Sa Pa, Lào Cai đã thành công nhờ ứng dụng công nghệ cao trong trồng hoa. Được hỗ trợ vốn và kỹ thuật, anh đầu tư hệ thống nhà kính, tưới tự động, dùng giống sạch bệnh và biện pháp sinh học. Nhờ đó, sản lượng và chất lượng hoa ổn định, không phụ thuộc thời tiết. Thu nhập gia đình tăng mạnh, từ 5 tỷ đồng năm 2016 lên gần 10 tỷ năm 2017, lãi vài tỷ mỗi năm, đồng thời tạo thêm nhiều việc làm cho người dân địa phương.
Lào Cai xác định sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là hướng đi mới để ứng phó với biến đổi khí hậu. Tỉnh khuyến khích dồn điền đổi thửa, góp đất, cho thuê đất, chuyển đổi cây trồng nhằm hình thành vùng sản xuất tập trung. Đồng thời, tạo điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâu dài để hỗ trợ vay vốn đầu tư. Ngoài ra, tỉnh cũng chú trọng tìm đầu ra cho sản phẩm và tổ chức tập huấn nâng cao trình độ cho cán bộ, người dân trong ứng dụng công nghệ cao. |