Thoát vị là bệnh lý phổ biến, khi một phần của cơ quan nội tạng hoặc mô sưng phồng lên, xuyên qua một điểm yếu của thành bụng (vùng nằm thấp hơn ở bụng, gần nếp gấp giữa bụng và đùi). Thoát vị bẹn có thể xảy ra xung quanh rốn từ một vết sẹo phẫu thuật, trong cơ hoành hoặc ở háng (khu vực giữa bụng và hai bên đùi). Bệnh nàythường chiếm 75% trong tất cả các thoát vị của thành bụng, nguy cơ mắc ở nam giới 27% và 3% đối với nữ giới.
Hiện có nhiều phương pháp điều trị thoát vị bẹn như mổ mở, nội soi,… Trong đó, phẫu thuật nội soi có nhiều ưu điểm so với phương pháp mổ mở truyền thống, như giảm triệu chứng, giảm sử dụng thuốc giảm đau sau mổ, bệnh nhân sớm hồi phục và ít mất máu hơn,... Tuy nhiên, phẫu thuật nội soi vẫn có những hạn chế nhất định, như hình ảnh hai chiều không thể hiện được chiều sâu của không gian, qua đó, phẫu thuật viên khó thao tác với độ chính xác cao nếu không đủ kinh nghiệm và kỹ năng. Ngoài ra, vấn đề về chiều sâu còn làm cho phẫu thuật viên khó có sự đồng bộ trong thao tác tay - mắt. Đồng thời, làm việc lâu với màn hình hiển thị 2D cũng gây mệt mỏi cho phẫu thuật viên, do đó phần nào tác động đến hiệu quả và độ an toàn của ca phẫu thuật.
Để cải thiện các vấn đề nêu trên, hiện nay, phẫu thuật nội soi 3D với độ phân giải cao đã dần được ứng dụng ngày càng rộng rãi ở Việt Nam. Mới đây, Bệnh viện Trung ương Huế đã thực hiện đề tài “Ứng dụng công nghệ 3D trong phẫu thuật nội soi điều trị thoát vị bẹn” để đánh giá ưu thế của phẫu thuật nội soi có ứng dụng công nghệ 3D.
Nghiên cứu theo dõi 100 bệnh nhân được chẩn đoán thoát vị bẹn, chia làm hai nhóm: 50 bệnh nhân được phẫu thuật TAPP, 50 bệnh nhân được phẫu thuật TEP tại Bệnh viện Trung ương Huế từ tháng 8/2022 tới 3/2024.
Phẫu thuật TAPP là phương pháp mổ nội soi đi vào khoang bụng trước, rồi mới xử lý thoát vị. Bác sĩ đưa dụng cụ nội soi vào ổ bụng qua thành bụng, sau đó rạch lớp phúc mạc (lớp màng lót bên trong ổ bụng) để đến được vùng thoát vị.
Phẫu thuật TEP là phương pháp nội soi hoàn toàn ngoài phúc mạc (lớp màng mỏng, trơn láng, bao bọc bên trong ổ bụng và phủ lên các cơ quan trong ổ bụng như dạ dày, ruột, gan, lách...). Nghĩa là bác sĩ không đi vào khoang ổ bụng mà chỉ làm việc ở lớp giữa thành bụng và phúc mạc.
So với nhóm TAPP, nhóm TEP có thời gian phẫu thuật ngắn hơn (50,4 phút so với 52,7 phút). Nguyên nhân là do TAPP yêu cầu phải rạch phúc mạc và khâu vết thương cuối cùng trong quá trình phẫu thuật, làm tăng số bước thực hiện và kéo dài thời gian phẫu thuật. Thời gian nằm viện trung bình sau phẫu thuật của nhóm TEP cũng ngắn hơn nhóm TAPP (2,18 ngày so với 2,2 ngày).
Hiệu quả của một kỹ thuật phẫu thuật còn cần được đánh giá bằng tổng số biến chứng và mức độ nghiêm trọng của chúng. Trong nghiên cứu, có 8/100 bệnh nhân xảy ra biến chứng sau phẫu thuật. Cụ thể, ở nhóm TAPP có ba bệnh nhân có tụ dịch vùng bìu sau mổ, hai bệnh nhân đau mạn tính sau mổ. Ở nhóm TEP có hai bệnh nhân có tụ dịch sau mổ, một bệnh nhân đau mạn tính sau mổ. Tuy nhiên, các biến chứng đều được điều trị nội khoa thành công và không cần can thiệp phẫu thuật lần hai. Tình trạng đau mạn tính được tính tới thời điểm tái khám sau phẫu thuật ba tháng; tất cả các bệnh nhân đều hết triệu chứng đau và chỉ còn cảm nhận về tấm lưới nhân tạo khi vận động nặng vào thời điểm tái khám sau phẫu thuật năm tháng.
Nhóm nghiên cứu cho biết, TAPP tương đối đơn giản và phù hợp cho người mới bắt đầu bị thoát vị và tất cả các loại thoát vị. Bên cạnh đó, TAPP có thể tạo điều kiện thuận lợi cho việc giảm thành phần thoát vị và phát hiện liệu có hoại tử đường ruột và các tình trạng khác trong ổ bụng hay không. Nhưng nên thận trọng khi sử dụng TAPP để điều trị cho những bệnh nhân có dính bụng dưới rõ ràng ở bên bị ảnh hưởng. Trong khi đó, phẫu thuật TEP cần được thực hiện bởi các bác sĩ phẫu thuật tay nghề cao. Ngoài ra, nếu thấy việc thực hiện phẫu thuật TEP gặp khó khăn hoặc thất bại thì có thể chuyển sang TAPP.
Theo nhóm nghiên cứu, nhìn chung, phẫu thuật nội soi 3D trong điều trị thoát vị bẹn vẫn tuân thủ các nguyên tắc phẫu thuật cơ bản của phẫu thuật nội soi 2D và mổ mở truyền thống. Tuy nhiên, trong khi thực hiện đường tiếp cận thoát vị, các bác sĩ nội soi không đi phía trước như các phẫu thuật thông thường mà từ phía sau phúc mạc, sau đó đặt lưới nhân tạo để bịt kín chỗ thoát vị. Ưu điểm của phương pháp này so với mổ hở là ít đau hơn, có tính thẩm mỹ hơn, ít nguy cơ nhiễm trùng vết mổ. Đặc biệt, bệnh nhân phục hồi nhanh và có thể xuất hiện sau một-hai ngày phẫu thuật. Trong nghiên cứu, 66,7% bệnh nhân sinh hoạt cá nhân bình thường khoảng 12h sau phẫu thuật và 58,3% bệnh nhân quay lại với đời sống bình thường dưới bảy ngày. Không có bệnh nhân cần trên hai tuần để quay lại hoạt động bình thường.
Đề tài đã được Sở KH&CN Thừa Thiên – Huế nghiệm thu, kết quả đạt. Có thể chuyển giao các kết quả, quy trình của Đề tài cho các bệnh viện, cơ sở y tế đủ điều kiện đáp ứng.
|