Ảnh minh họa: Internet
Stress oxy hóa là kết quả của sự mất cân bằng nội môi chất chống oxy hóa/tiền oxy hóa dẫn đến việc tạo ra các loại oxy phản ứng độc hại (ROS) quá mức, chẳng hạn như hydrogen peroxide, organic hydro peroxides, nitric oxide, superoxide và các gốc hydroxyl…. Trong các tế bào của con người luôn tồn tại các cơ chế để sửa chữa các phân tử sinh học bị hư hỏng do oxy hóa, tuy nhiên vẫn còn tồn tại một số ảnh hưởng đáng kể. Khi ROS được tạo ra vượt quá cơ chế bảo vệ của hệ thống chống oxy hóa, stress oxy hóa sẽ xảy ra, dẫn đến tổn thương oxy hóa DNA, lipid, protein và là nguyên nhân xuất hiện của nhiều bệnh khác nhau như ung thư, tiểu đường, xơ vữa động mạch, lão hoá, viêm và các bệnh thoái hoá khác.
Tảo biển được xem là nguồn nguyên dược liệu tiềm năng, do chúng có chứa nhiều hợp chất có hoạt tính sinh học như polyphenol, polysaccharide, protein, sterol và sắc tố, giúp bảo vệ sức khỏe, làm giảm nguy cơ mắc nhiều bệnh mãn tính và giúp kéo dài tuổi thọ cho con người. Hai loài tảo nâu T. decurrens và T. conoides thuộc chi Turbinaria. Các loài thuộc chi Turbinaria có nhiều màu sắc, từ nâu ô liu đến nâu sẫm do sự hiện diện của các sắc tố như diệp lục và fucoxanthin, có hình dạng đặc trưng giống quạt hoặc giống tua bin. Chi tảo nâu Turbinaria đã được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm và trở nên nổi tiếng vì có các đặc điểm hình thái riêng biệt và thành phần sinh hóa đa dạng. Nhiều báo cáo trước đây chỉ ra rằng chiết xuất từ các loài tảo biển thuộc họ Turbinaria spp. có hoạt tính chống oxy hóa và chống viêm. Ngoài ra, các loài này được ghi nhận chứa các thành phần dinh dưỡng thiết yếu như muối khoáng (K, Ca và Fe), chất xơ hòa tan, protein và acid béo không bão hòa,…. Do đó, nghiên cứu này được thực hiện nhằm mục tiêu khảo sát khả năng chống oxy hoá in vitro và in vivo của hai loài tảo nâu T. decurrens và T. conoides được thu thập tại hòn Đầm Đước, xã Sơn Hải, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang.
Trong những năm gần đây, để thay thế cho các chất hóa học tổng hợp, các chất có nguồn gốc tự nhiên từ thực vật, đặc biệt chú trọng đến chất chống oxy hóa tự nhiên đang được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm. Để xác định khả năng chống oxy hóa của chiết xuất tảo, các phương pháp khảo nghiệm chống oxy hóa như DPPH, ABTS, RP, TAC đã được thực hiện.
Qua những kết quả từ các khảo sát đánh giá hoạt tính chống oxy hoá của cao chiết hai loài tảo nâu thuộc chi Turbinaria trong điều kiện in vitro (DPPH, ABTS, RP, TAC) và in vivo (mô hình ruồi giấm) cho thấy cao chiết từ loài T. conoides có tác dụng chống oxy hóa tốt thông qua các thử nghiệm trong điều kiện in vitro và in vivo. |