Loãng xương lần đầu tiên được công nhận là một rối loạn chuyển hóa xương vào năm 1947 bởi Albright. Đây là bệnh thoái hóa phổ biến nhất được đặc trưng bởi mật độ khoáng xương thấp, khiến xương dễ gãy và tăng tỷ lệ gãy xương. Trong một phần tư thế kỷ qua, loãng xương đã nổi lên như một vấn đề sức khỏe cộng đồng lớn trên toàn cầu, tỷ lệ loãng xương dự kiến sẽ tăng đáng kể trong 50 năm tới khi tháp dân số chuyển sang cấu trúc dân số già. Riêng tại Hoa Kỳ, có khoảng 10 triệu người trên 50 tuổi bị loãng xương. Ngoài ra, 33,6 triệu người Mỹ trong độ tuổi này giảm mật độ xương dẫn đến loãng xương và các biến chứng tiềm ẩn sau này trong cuộc sống. Ước tính tỷ lệ gãy xương hàng năm do bệnh lý về xương là 1,5 triệu. Gãy xương do loãng xương dẫn đến đau, tàn tật, mất khả năng vận động và tăng tỷ lệ tử vong.
Các yếu tố nguy cơ đã xác định đối với bệnh loãng xương bao gồm tuổi cao, giới tính nữ, thiếu hụt estrogen, liệu pháp glucocorticoid, hút thuốc, sử dụng rượu, không hoạt động và lượng canxi thấp. Nhiều yếu tố nguy cơ nổi bật là không thể thay đổi, do đó, điều quan trọng là phải xác định các yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được để giảm gánh nặng sức khỏe cộng đồng của chứng loãng xương, và gãy xương do loãng xương. Tại Hoa Kỳ, trầm cảm là một chứng rối loạn phổ biến ảnh hưởng đến 5 đến 9% phụ nữ và 1 đến 2% nam giới. Trầm cảm đứng thứ hai chỉ sau tăng huyết áp là bệnh mạn tính phổ biến nhất gặp phải trong thực hành y tế nói chung. Trầm cảm không chỉ làm giảm chất lượng cuộc sống của người cao tuổi, mà còn làm suy giảm chức năng nhận thức, giảm hạnh phúc và thậm chí gây ra tự tử. Các triệu chứng trầm cảm ở người cao tuổi thường bị coi nhẹ và không được điều trị, vì chúng xảy ra cùng lúc với các vấn đề khác hay gặp phải ở người cao tuổi. Ngoài ra, việc chẩn đoán xác định giai đoạn trầm cảm ở người cao tuổi theo ICD-10 là khá khó khăn vì các triệu chứng không điển hình và quá trình thăm khám kéo dài cần sự chẩn đoán từ bác sĩ chuyên khoa tâm thần. Một số nghiên cứu đều ủng hộ rằng trầm cảm có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc loãng xương và ngược lại. Có nhiều yếu tố nguy cơ dẫn đến loãng xương, nhưng một số yếu tố không thể thay đổi. Do đó, điều quan trọng là phải xác định các yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được để giảm gánh nặng sức khỏe cộng đồng do loãng xương và gãy xương cũng như các biến chứng liên quan đến chúng.
Nghiên cứu mô tả cắt ngang được thực hiện từ 09/2021 – 09/2022 với 285 người bệnh loãng xương tuổi ≥ 60 tuổi, khám và điều trị tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương. Thang điểm PHQ-9 được sử dụng đánh giá tình trạng trầm cảm. Số liệu được làm sạch và nhập liệu bằng Kobotoolbox và phân tích số liệu bằng phần mềm Stata 12. Thống kê mô tả được sử dụng để tìm hiểu thực trạng trầm cảm ở bệnh loãng xương cao tuổi và thống kê suy luận (kiểm định χ2 , tương quan hồi quy đơn biến được sử dụng để xác định các mối liên quan.
Tổng số có 285 đối tượng nghiên cứu. Tỷ lệ đối tượng nghiên cứu có dấu hiệu trầm cảm là 53,7%. Người bệnh loãng xương cao tuổi có T-score CXĐ ≤ -2,5 nguy cơ trầm cảm cao hơn 2,14 lần so với nhóm còn lại với sự khác biệt có ý nghĩa thống kê. Nhóm người bệnh loãng xương cao tuổi có suy giảm về hoạt động chức năng hàng ngày (ADL), hoạt động chức năng hàng ngày có sử dụng công cụ (IADL), suy dĩnh dưỡng có dấu hiệu trầm cảm cao hơn 6,48 lần, 6,61 lần và 3,84 lần so với nhóm còn lại với sự khác biệt có ý nghĩa thống kê. Có mối liên quan có ý nghĩa thống kê giữa điểm chất lượng cuộc sống và dấu hiệu trầm cảm đánh giá theo thang điểm PHQ-9, trong đó bệnh nhân trầm cảm có điểm chất lượng cuộc sống về khả năng vận động, tự chăm sóc, hoạt động hàng ngày, mức độ đau đớn và tâm lý thấp hơn so với người bệnh không có dấu hiệu trầm cảm.
Nhóm người bệnh loãng xương cao tuổi có suy giảm về ADL và IADL, suy dinh dưỡng, điểm chất lượng cuộc sống thấp có dấu hiệu trầm cảm cao hơn bệnh nhân không có dấu hiệu trầm cảm. Do đó cần nâng cao nhận thức về bệnh trầm cảm để người bệnh chủ động phòng ngừa bệnh tật và hợp tác với các thầy thuốc trong quá trình điều trị bệnh. |