Té ngã ở người cao tuổi có xu hướng tăng dần theo tuổi và khởi đầu từ tuổi 60, có khoảng 5% số người bị ngã cần nhập viện điều trị. Theo thống kê của Hội đồng Lão Khoa quốc gia Hoa Kỳ (NCOA), trong vòng một năm, cứ 4 người trên 65 tuổi thì có 1 người bị té ngã và cứ 2 người lớn từ 80 tuổi trở lên thì có 1 người bị ngã mỗi năm, tần suất ngã tăng lên cùng với tuổi. Trong đó có hơn 15,0% người cao tuổi (NCT) bị té ngã trên 2 lần trong năm. Té ngã không tử vong cũng kèm theo các chấn thương khác là gánh nặng lên kinh tế - xã hội, chăm sóc cho gia đình. Năm 2015, tổng chi phí y tế cho té ngã ở NCT ở Hoa Kỳ là hơn 50 tỷ đô la và không có dấu hiệu giảm. Theo Tổ chức Y tế Thế giới ước tính số người trên 65 tuổi ở Việt Nam hiện nay khoảng 5,5 triệu người, với 28 – 35% người bị té ngã/năm và như vậy có từ 1,5 – 1,9 triệu người cao tuổi té ngã mỗi năm [3], 5% trong số đó phải nhập viện vì các chấn thương. Tại Khoa Lão – chăm sóc giảm nhẹ Bệnh Viện Đại học Y Dược TP.HCM, mỗi tháng có khoảng 17,0% người bệnh nhập viện do té ngã hoặc do biến cố có liên quan đến té ngã . Cũng theo nghiên cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy thì 91,9% người cao tuổi nhập viện có gãy cổ xương đùi đều liên quan đến té ngã. Già hóa dân số là hiện tượng mang tính chất toàn cầu, là sự chuyển đổi xã hội quan trọng trong thế kỉ XXI. Người cao tuổi ngày càng nhiều thì những vấn đề sức khỏe hay gặp ở người cao tuổi càng phổ biến và cần được quan tâm nhiều hơn.
Đối tượng nghiên cứu:
Người trên 60 tuổi mắc bệnh tăng huyết áp đang sinh sống tại huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ trong thời gian tiến hành nghiên cứu.
Phương pháp nghiên cứu gồm các phương pháp sau:
- Thiết kế nghiên cứu: Nghiên cứu mô tả cắt ngang có phân tích
- Phương pháp chọn mẫu: Chọn mẫu nhiều giai đoạn
- Phương pháp thu thập số liệu: Phỏng vấn đối tượng trong thời gian 15 phút để thu thập thông tin của đối tượng bằng bộ câu hỏi soạn sẵn.
- Phương pháp xử lý: Số liệu được nhập bằng Epidata 3.1. Xử lý số liệu bằng phần mềm SPSS 20.0 sử dụng thống kê mô tả, thống kê phân tích để xác định tỷ lệ té ngã và các yếu tố liên quan.
Tỷ lệ té ngã chiếm 18,3%; Các yếu tố liên quan đến té ngã: những người mắc nhiều hơn 3 bệnh có tỷ lệ té ngã cao hơn so với nhóm không mắc bệnh; Những người mắc bệnh đái tháo đường, cơ xương khớp, giảm thị lực, rối loạn cảm giác bàn chân, rối loạn thăng bằng cơ thể, tâm lý lo sợ té ngã có tỷ lệ té ngã cao hơn so với nhóm không mắc bệnh (với p<0,005).
Nghiên cứu có tỷ lệ té ngã trên người cao tuổi có mắc bệnh tăng huyết áp chiếm 18,3%. Tỷ lệ té ngã có mối liên quan với tình trạng mắc các bệnh mãn tính như đái tháo đường, cơ xương khớp, tình trạng mắc nhiều hơn 3 bệnh, sự suy giảm chức năng thị lực, rối loạn cảm giác bàn chân, rối loạn thăng bằng cơ thể và tâm lý lo sợ té ngã. |