Cây dừa (Cocus nucifera L.) là loại cây có giá trị sử dụng cao, là nguyên liệu cho nhiều ngành khác nhau, thân dừa, quả dừa cho đến tất cả các bộ phận khác của cây dừa đều có giá trị sử dụng và chế biến thành nhiều sản phẩm có giá trị như: vật liệu xây dựng, cơm dừa nạo sấy, giấm từ nước dừa, than hoạt tính, rượu,… (Batugal et al., 2009; Magalhães et al., 2023). Đồng bằng sông Cửu Long là nơi có diện tích trồng dừa lớn nhất Việt Nam, chiếm 80% diện tích dừa của cả nước, tập trung ở các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Cà Mau, Tiền Giang,… Trong đó, Bến Tre là tỉnh có diện tích trồng dừa lớn nhất với 69.000 ha, cung cấp khoảng 570.000 tấn/năm (Sở Công thương tỉnh Bến Tre, 2015). Hầu hết các vườn dừa đều trên 20 năm tuổi, được nông dân canh tác theo phương pháp độc canh bằng cách sử dụng nhiều phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật, không sử dụng phân bón hữu cơ dẫn đến việc gây ra mất cân bằng sinh thái đất, ô nhiễm môi trường, lợi nhuận thấp và ảnh hưởng đến sức khỏe con người (Dissanayaka et al., 2023; Mavi et al., 2023). Ngoài ra, việc sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón hóa học chưa khoa học làm tăng nguy cơ bạc màu, thoái hóa đất, phát thải khí nhà kính CO2 và N2O (Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bến Tre, 2015; Swoboda et al., 2022). Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bến Tre (2015) thì khuynh hướng sử dụng phân bón trong quá trình canh tác dừa của người dân có chiều hướng gia tăng ở mức cao hơn khuyến cáo, các loại phân bón thường được sử dụng có lượng phát thải khí N2O trong hoạt động canh tác dừa tăng 0,73%. Bên cạnh đó, nông dân chưa thật sự quan tâm đến vai trò của đất, do đó theo thời gian canh tác vấn đề bạc màu và suy thoái đất trồng dừa lâu năm là không thể tránh khỏi.
Nghiên cứu được thực hiện vào tháng 11 năm 2022 nhằm khảo sát hiện trạng canh tác và đánh giá một số đặc tính hóa học và sinh học đất canh tác dừa theo hướng hữu cơ và truyền thống tại 4 huyện của tỉnh Bến Tre. Theo niên giám thống kê tỉnh Bến Tre (2018) diện tích trồng dừa của huyện Mỏ Cày Nam chiếm 23% diện tích của toàn tỉnh, trong khi 3 huyện gồm Châu Thành, Giồng Trôm và Mỏ Cày Bắc có diện tích trồng dừa chiếm từ 11 đến 13%. Tổng cộng là 130 phiếu, trong đó: Châu Thành (30 phiếu), Giồng Trôm (30 phiếu), Mỏ Cày Bắc (30 phiếu) và Mỏ Cày Nam (40 phiếu) bởi. Các hộ được điều tra phải đảm bảo tiêu chí là diện tích canh tác dừa đạt ít nhất 1.000 m2. Phỏng vấn được thực hiện theo phương pháp trực tiếp dựa trên bảng câu hỏi soạn sẵn với các thông tin chủ yếu được thu thập gồm: hiện trạng canh tác, kỹ thuật trồng, chăm sóc, bón phân, biện pháp quản lý sâu bệnh hại, năng suất và hiệu quả kinh tế từ việc canh tác dừa mang lại,… khảo sát kỹ thuật và hiện trạng canh tác dừa của 130 hộ nông dân cho thấy huyện Mỏ Cày Nam là địa phương có tỉ lệ nông dân áp dụng canh tác theo hướng hữu cơ cao, chiếm 75% trong tổng số hộ khảo sát tại đây, trong khi huyện Mỏ Cày Bắc là địa phương có tỉ lệ nông dân canh tác theo hướng truyền thống cao (chiếm 73,3%). Bên cạnh đó, kết quả khảo sát còn cho thấy, tỉ lệ các vườn dừa đáp ứng các tiêu chỉ để chọn thu thập mẫu đất (có thời gian canh tác trên 20 năm, đồng thời các vườn thuộc nhóm canh tác theo hướng hữu cơ phải được hiện ít nhất 3 năm) còn thấp. Vì vậy, nghiên cứu được thực hiện với 24 hộ có tuổi dừa trên 20 năm, trong đó 12 hộ canh tác theo hướng hữu cơ (hạn chế tối đa sử dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật) tại huyện Mỏ Cày Nam và 12 hộ canh tác theo phương pháp truyền thống (có sử dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật thường xuyên) tại huyện Mỏ Cày Bắc để thu thập mẫu đất, phân tích và so sánh các đặc tính hóa học và sinh học đất của 2 nhóm vườn dừa vào tháng 02 năm 2023.
Các chỉ tiêu về kỹ thuật canh tác, pH, EC, mật số vi sinh vật và hoạt độ enzyme dehydrogenase trong đất được thu thập. Kết quả cho thấy, hầu hết các nông dân canh tác dừa có kinh nghiệm từ 10 đến 70 năm, phần lớn nông dân (59,5%) đã chuyển đổi mô hình canh tác dừa sang hướng hữu cơ, nhưng một bộ phận nông dân vẫn còn thói quen sử dụng phân bón hóa học và thuốc hóa học, gây mất cân bằng sinh thái.
Nông dân canh tác dừa tại tỉnh Bến Tre có kinh nghiệm canh tác lâu năm, phần lớn các vườn dừa ở khu vực khảo sát có tuổi liếp và tuổi cây trên 20 năm và đã áp dụng canh tác dừa theo hướng hữu cơ từ 2 đến 3 năm, nhưng một số nông dân vẫn còn sử dụng nhiều phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật. Ngoài ra, hầu hết nông dân áp dụng biện pháp chuyên canh dừa. Bên cạnh đó, nhóm vườn canh tác theo hướng hữu cơ có hoạt độ enzyme dehydrogenase của vi sinh vật đất cao hơn so với nhóm vườn canh tác truyền thống, ngược lại mật số của xạ khuẩn và vi khuẩn hòa tan lân trong đất nhóm vườn canh tác theo truyền thống cao hơn so với vườn canh tác dừa theo hướng hữu cơ. |