Lồng ghép (Meanstreaming) hoặc tích hợp (intergrating) biến đổi khí hậu (BĐKH) vào quá trình xây dựng chiến lược, lập quy hoạch/kế hoạch và ra quyết định là một công cụ quan trọng, để đảm bảo mục tiêu thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm nghèo được thực hiện song song. Cách tiếp cận này liên quan việc tính toán đến rủi ro và cơ hội khi đưa ra các giải pháp thích ứng phù hợp với tầm nhìn phát triển [1]. Hoạt động lồng ghép BĐKH được đánh giá là nội dung quan trọng trong hoạt động xây dựng chính sách, kế hoạch và các dự án phát triển của mỗi quốc gia, việc lồng ghép sẽ góp phần: (1) giảm thiểu tính dễ bị tổn thương trước tác động của BĐKH, (2) tăng cường năng lực thích ứng của cộng đồng và các hoạt động quốc gia và (3) đảm bảo sự phát triển bền vững [2].
Trên thế giới, hoạt động lồng ghép BĐKH được nhiều quốc gia quan tâm và triển khai rộng rãi, tại Mỹ, một số bang như Flolida, Boston đã tiến hành lồng ghép BĐKH trong kế hoạch phát triển thành phố [3], Viện Quy hoạch của Úc (PIA) đã thừa nhận rằng trong điều kiện BĐKH, việc xây dựng quy hoạch trở nên phức tạp hơn, thách thức đối với các phương pháp lập kế hoạch truyền thống, do đó cần có sự đổi mới, hợp tác linh hoạt giữa các bên liên quan, trong đó dữ liệu về BĐKH và dự báo tác động của BĐKH là nền tảng trong quá trình xây dựng kế hoạch [4]. Tiếp cận theo hướng đánh giá rủi ro của IPCC, một nghiên cứu đã vận dụng, đề xuất các quy trình lồng ghép BĐKH vào xây dựng kế hoạch phát triển một số ngành, lĩnh vực cụ thể, ví dụ như giao thông vận tải [5–6], năng lượng [7], y tế dự phòng [8]…, một số quốc gia trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Philipine đã luật hóa hoạt động lồng ghép BĐKH vào xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch [9].
Việt Nam được đánh giá là ban hành nhiều chính sách về BĐKH hơn các quốc gia khác trong khu vực [9]. Hoạt động lồng ghép BĐKH vào chiến lược, quy hoạch, kế hoạch ở nước ta được quan tâm từ khá sớm [10], luật hóa đầu tiên tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 [11], quy định chi tiết hơn tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 [12]. Đồng thời với việc lồng ghép nội dung ứng phó với BĐKH, mội nội dung nữa yêu cầu phải lồng ghép vào chiến lược, quy hoạch, kế hoạch đó là kết quả giám sát BĐKH theo quy định của Luật Khí tượng thủy văn năm 2015 [13], gần đây nhất Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư số 06/2023/TT-BTNMT ngày 31/7/2023 hướng dẫn lồng ghép nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu vào chiến lược, quy hoạch [14], tuy nhiên, đối với quy định lồng ghép kết quả giám sát BĐKH hiện vẫn chưa được quan tâm triển khai thực hiện do chưa có quy trình, văn bản nào hướng dẫn thực hiện.
Các hoạt động nghiên cứu khoa học, đề tài, dự án lồng ghép BĐKH, trong những năm qua cũng đã được triển khai khá nhiều, tập trung chủ yếu vào xác định tiêu chí, chỉ tiêu lồng ghép ứng phó BĐKH [15], triển khai lồng ghép vào kế hoạch phát triển của địa phương [16], phát triển lĩnh vực, ngành, nghề [17], trên cơ sở hướng của Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu, phương pháp tiếp cận nghiên cứu tác động và thích ứng với BĐKH của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện vẫn chưa có nghiên cứu nào đề xuất các vấn đề về lồng ghép kết quả giám sát BĐKH theo quy định của Luật Khí tượng thủy văn năm 2015.
Mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia có vai trò, nhiệm vụ cung cấp thông tin, dữ liệu quan trắc khí tượng thủy văn, giám sát BĐKH phục vụ công tác chuyên ngành và phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh. Quy hoạch mạng lưới trạm quan trắc trên thế giới cũng như ở Việt Nam đều ưu tiên triển khai quan trắc ở những khu vực thường rủi ro thiên tai cao, áp dụng các giải pháp công nghệ quan trắc, truyền tin tiên tiến... Để lựa chọn các khu vực ưu tiên triển khai quan trắc cũng như các giải pháp công nghệ, đặc tính kỹ thuật của thiết bị phù hợp với điều kiện khu vực lắp đặt thì việc sử dụng kết quả giám sát BĐKH trong phân tích, đánh giá đóng vai trò quyết định. Chính vì vậy, ngoài mục tiêu đề xuất quy trình lồng ghép kết quả giám sát BĐKH vào chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, nghiên cứu này sẽ tiến hành thử nghiệm lồng ghép vào kế hoạch triển khai quy hoạch mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 sắp tới sau khi Quy hoạch mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia được phê duyệt.
Qua quá trình nghiên cứu có kết luận như sau: Trên cơ sở các quy định của pháp luật về lồng ghép kết quả giám sát BĐKH vào chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, qua phân tích cơ sở khoa học, thực tiễn và kinh nghiệm, hướng dẫn lồng ghép BĐKH đã được công bố trong và ngoài nước, nghiên cứu đã xây dựng và đề xuất được 01 quy trình lồng ghép kết quả giám sát BĐKH vào chiến lược, quy hoạch, kế hoạch gồm 05 bước thực hiện, trong đó thông tin, dữ liệu quả giám sát BĐKH được lồng ghép tại bước 2 và bước 3 của quy trình. Ngoài nội dung yêu cầu lồng ghép, quy trình còn đặt ra các chỉ tiêu thực hiện cần đảm bảo trong quá trình lồng ghép. Nghiên cứu cũng đã tiến hành thử nghiệm vào kế hoạch triển khai thực hiện quy hoạch mạng lưới trạm khí tượng thuỷ văn quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, kết quả đã sử dụng thông tin, dữ liệu giám sát BĐKH để phân tích, lựa chọn khu vực ưu tiên triển khai trạm quan trắc khí tượng thuỷ văn cho khu vực rủi ro thiên tai, chịu tác động của BĐKH. Tuy nhiên, để áp dụng quy trình vào chiến lược, quy hoạch, kế hoạch các ngành, lĩnh vực khác cần phải có sự đánh giá, nhận xét của các cấp, các ngành, các cơ quan, tổ chức khoa học trước khi áp dụng vào thực tiễn. Nghiên cứu vẫn còn hạn chế khi chưa tính đến giải pháp tích hợp vào quy trình lồng ghép ứng phó với BĐKH đã được ban hành. |