Nông nghiệp [ Đăng ngày (27/04/2024) ]
Nâng cao chất lượng xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn
Thể chế pháp luật trong lĩnh vực nông nghiệp và PTNT bao gồm hệ thống văn bản quy phạm pháp luật: luật, nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ và thông tư của Bộ trưởng. Với 446 văn bản QPPL, cùng với hệ thống văn bản QPPL của quốc gia đã tạo khung pháp lý cơ bản đầy đủ ở các lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn bao gồm: nông nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp, thủy sản, thủy lợi, phòng chống thiên tai, phát triển nông thôn.

Ảnh minh họa

Thể chế trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn về cơ bản đầy đủ,  tạo thành nền tảng pháp lý toàn diện, nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước về lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn. Là cơ sở quan trọng để triển khai đồng bộ giải pháp cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại, phát huy lợi thế so sánh, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và phát triển bền vững; cơ bản phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, thực tiễn sản xuất kinh doanh nông nghiệp tại Việt Nam hiện nay, góp phần cho nông nghiệp Việt Nam thời gian qua luôn là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực. Các quy định pháp luật trong lĩnh vực nông nghiệp và PTNT đã nội luật hóa cơ bản các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, như: Công ước về Luật Biển năm 1982; Hiệp định thực thi các quy định Công ước của LHQ về luật biển, về bảo tồn và quản lý đàn cá lưỡng cư và di cư xa; Hiệp định về biện pháp quốc gia có cảng của FAO nhằm ngăn chặn, chống khai thác IUU; Hiệp định đối tác tự nguyện giữa EU và Việt Nam về thực thi Luật Lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản, Công ước quốc tế về Bảo hộ giống cây trồng, Công ước quốc tế về Bảo vệ thực vật (IPPC), Công ước CITES….

Bên cạnh những thành tựu đạt được, thể thể pháp luật trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn cũng dần xuất hiện những bất cập, vướng mắc, tồn tại như:  “tuổi thọ”, tính ổn định của một số văn bản chưa cao; có một số nhóm vấn đề, văn bản vừa được ban hành đã có kiến nghị đề xuất sửa đổi bổ sung; một số quy định trong một số văn bản sau khi ban hành, đưa vào thực tiễn cuộc sống đã nảy sinh vướng mắc, cần phải sửa đổi, bổ sung; Một số quy định tại các văn bản QPPL chưa đồng bộ, thống nhất; truyền thông, tiếp thị chính sách còn thiếu bài bản, vẫn chủ yếu là một chiều; chưa thực sự quan tâm phân tích, dự báo về dư luận xã hội và những vấn đề người dân quan tâm để hoàn thiện thể chế pháp luật…

Và trong một thế giới đang từng giờ thay đổi, đổi mới, sáng tạo thì pháp luật nói chung và quy định thể chế pháp luật về nông nghiệp nói riêng hãy là nền tảng, không gian để đổi mới, sáng tạo, là động lực, là đòn bẩy để hỗ trợ, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh nông sản, là hỗ trợ đào tạo tri thức, kiến thức cho bà con nông dân để kịp thời đón đầu được các biến đổi của thị trường trong nước và quốc tế, kịp thời thích ứng được với biến đổi khí hậu đang diễn ra. Vậy nên, câu chuyện thể chế pháp luật về nông nghiệp cũng cần được sửa đổi, bổ sung, thay thế cho phù hợp với thực tiễn, mở đường và tạo nền móng vững chắc cho sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp trong tương lai.

Làm thế nào để nâng cao chất lượng thể chế pháp luật trong lĩnh vực nông nghiệp?. Quả thật, nâng cao chất lượng xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật trong lĩnh vực nông nghiệp là vấn đề luôn mang tính “thời sự”, được các cấp lãnh đạo quan tâm. Nâng cao chất lượng thể chế pháp luật trong lĩnh vực nông nghiệp bắt đầu từ nhận thức sâu sắc về mục tiêu quan trọng của nâng cao chất lượng xây dựng thể chế pháp luật nhằm tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản QPPL đồng bộ, đầy đủ, lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, tổ chức, doanh nghiệp làm trung tâm, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu xây dựng, phát triển kinh tế nông nghiệp, tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp. Nâng cao chất lượng đề xuất, lập kế hoạch, đề nghị xây dựng văn bản QPPL. Theo đó, cần chủ động rà soát, phát hiện những vướng mắc, bất cập trong văn bản để đề xuất, xử lý. Đề xuất sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới các văn bản QPPL để bảo đảm sự phù hợp của các quy định pháp luật với yêu cầu thực tiễn quản lý, sản xuất kinh doanh, phát triển ngành, sát thực tiễn, có tính khả thi cao. Nâng cao chất lượng truyền thông, tiếp thị trong quá trình xây dựng văn bản QPPL, tổ chức thực thi pháp luật. Ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong xây dựng hoàn thiện thể chế pháp luật. Phối hợp để nâng cao chất lượng chính sách pháp luật. Một dự thảo văn bản QPPL nói chung khi thực hiện theo quy trình soạn thảo được đặt trong mối quan hệ xây dựng pháp luật bao gồm: Cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp có liên quan, cơ quan thẩm định/thẩm tra, cơ quan trình ban hành. Vì vậy, ở mỗi một giai đoạn của quy trình soạn thảo cần có sự phối hợp tích cực giữa các cơ quan với nhau để tạo được sự đồng thuận.

Trong hội nghị chuyên đề “Nâng cao chất lượng xây dựng thể chế pháp luật về nông nghiệp và phát triển nông thôn”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của xây dựng thể chế trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn,  luôn “soi mình” trong công tác xây dựng văn bản để pháp luật thực sự là công cụ quản lý xã hội, phát huy thực sự hiệu lực, hiệu quả trên thực tiễn.  “Hãy xem mỗi văn bản quy phạm pháp luật hay luật, thông tư như một sản phẩm để quảng bá và lắng nghe phản hồi từ xã hội”. Đây cũng chính là thông điệp mà Tư lệnh ngành nông nghiệp gửi đến tất cả chúng ta trong công tác xây dựng, hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế ngành nông nghiệp trong thời gian tới.

Vụ Pháp chế
Theo Mard.gov.vn (NTr.TV)
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Video

Công nghiệp  
 
Robot dòng DOBOT M1 PRO
DOBOT M1 Pro là robot phát hiện va chạm thông minh thế hệ thứ hai với phần mềm vận hành và thuật toán động tích hợp sẵn. Nó lý tưởng cho các nhu cầu công nghiệp đòi hỏi hoạt động tốc độ cao. Thiết kế đơn giản, khả năng phát hiện va chạm, học tập hướng dẫn bằng tay làm cho M1 Pro trở nên thông minh và dễ quản lý.


 
Nông nghiệp  
 
Nghiên cứu tạo giống Bạch đàn lai biến đổi gen cho chiều dài sợi gỗ (Giai đoạn 2)
Nhờ thành công từ nghiên cứu khoa học và công nghệ, nhóm nghiên cứu tại Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam do ThS. Trần Đức Vượng dẫn đầu đã phát triển các giống bạch đàn lai biến đổi gen với chiều dài sợi gỗ tăng lên đáng kể. Giai đoạn đầu của dự án (2011-2014) đã được nghiệm thu vào năm 2015 và được tiếp nối bằng giai đoạn hai từ 2017 đến 2020. Mục tiêu chính của nghiên cứu là làm chủ công nghệ chuyển gen trên cây bạch đàn và tạo ra các giống bạch đàn lai có chiều dài sợi gỗ tăng 10% so với đối chứng.


 



© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - Quận Ninh Kiều - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->