Nghiên cứu [ Đăng ngày (27/04/2024) ]
Tác động của biến đổi khí hậu đến hoạt động du lịch ngoài trời ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long dựa trên chỉ số TCI (Tourism Climate Index)
Nghiên cứu được thực hiện bởi nhóm tác giả Nguyễn Tuấn Thành, Nguyễn Đăng Mậu, Thái Thị Thanh Minh, Nguyễn Văn Sơn, Nguyễn Hồng Sơn thuộc Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội và Viện khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu.

Ngành du lịch nước ta đã và đang đứng trước nhiều thách thức lớn đòi hỏi phải đề ra những giải pháp phù hợp để thích ứng. Tuy nhiên, các hoạt động du lịch ấy cần phải đi đôi với việc bảo vệ môi trường và chú trọng đến sức khỏe con người. Trước tác động ngày càng mạnh mẽ của biến đổi khí hậu hiện nay ngành du lịch Việt Nam đã và đang có những thay đổi khá rõ ràng. Trong khi đó mối quan hệ và ảnh hưởng của thời tiết, khí hậu, môi trường,… tác động không nhỏ đến các nhóm ngành dịch vụ đặc biệt là ngành du lịch. Điều kiện khí hậu tốt thì sẽ tạo thuận lợi cho hoạt động du lịch, các hoạt động giải trí, nghỉ ngơi ngoài trời một cách thoải mái hơn khi thực hiện như: Tắm biển, đánh tennis, leo núi, đi săn, câu cá. Ngược lại, điều kiện thời tiết và khí hậu không thuận lợi có thể gây nên ô nhiễm không khí, nhiệt độ tăng cao, mưa, gió lớn, bão lũ… tác động xấu đến hoạt động du lịch. Hiện nay hướng đánh giá tài nguyên khí hậu cho ngành du lịch đang được mở rộng nghiên cứu và đạt được nhiều thành tựu nhất định. Cụ thể là, sinh khí hậu cho các vùng du lịch đã được nhiều nhà khoa học và các chuyên gia nghiên cứu, sử dụng các phương pháp đánh giá định lượng thay thế dần cho phương pháp đánh giá định tính. Từ kết quả tính toán đánh giá mức độ tác động của biến đổi khí hậu tới hoạt động du lịch [1 ]. Qua đó giúp cho các nhà nghiên cứu phân tích đúng và chính xác mức độ thuận lợi của điều kiện sinh khí hậu khu vực, đồng thời phát hiện ra những hạn chế để đưa ra những biện pháp phù hợp giúp khai thác hiệu quả du lịch vùng. Đặt nền móng cho phương pháp đánh giá khí hậu tổng hợp là Phêđerôp, ông xây dựng tổ hợp các kiểu thời tiết trong ngày với các mức độ tác động khác nhau đến sức khỏe con người và các hoạt động du lịch. Tổ chức du lịch thế giới cũng đã đưa ra phương pháp đánh giá thích nghi của con người với điều kiện khí hậu bằng giản đồ tương quan thực nghiệm giữa 2 yếu tố: nhiệt độ và độ ẩm tuyệt đối [2]. Hiện nay, bên cạnh việc sử dụng phổ biến các yếu tố khí hậu khác nhau để đánh giá hiệu quả của sinh khí hậu tác động đến du lịch, nhiều chỉ số khí hậu tổng hợp được xây dựng trong sinh khí hậu ứng dụng như chỉ số bất tiện nghi (DI), nhiệt độ hiệu dụng (ET), chỉ số bức xạ nhiệt (EI), và chỉ số nhiệt căng thẳng (HIS), nhiệt độ hiệu dụng chuẩn (SET), nhiệt độ sinh lý tương đương (PET), hoặc 2 chỉ số khí hậu du lịch (CIT, TCI). Trong đó, [3] đã dựa trên các kết quả nghiên cứu trước về phân loại khí hậu cho du lịch, sự thoải mái của con người liên quan đến khí hậu và đặc điểm hoạt động du lịch để đưa ra chỉ số khí hậu du lịch TCI dựa trên 7 yếu tố khí hậu, xây dựng tổ hợp các kiểu thời tiết đặc trưng trong ngày với các mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe con người cũng như đến các hoạt động du lịch. Chỉ số TCI này được phát triển và ứng dụng trên nhiều nghiên cứu ở các vùng lãnh thổ khác nhau như thành phố Nir (Iran) [4], tỉnh Mazandaran (Iran) [5], bang Herzegovina neretva (Bosnia) [6], Tbilisi (Georgia) [7], vùng Địa Trung Hải [8]. Không chỉ được áp dụng phổ biến ở các khu vực vĩ độ thấp, chỉ số này còn được sử dụng rộng rãi ở các khu vực khác trên thế giới.

Ở Việt Nam thì những công trình cơ bản của các nhà nghiên cứu: [9] đi tiên phong là các nhà y học [10] với các công trình: “Thiên nhiên và sức khỏe”, phân tích mối quan hệ giữa khí hậu và sức khỏe, sự rèn luyện cơ thể để thích ứng với điều kiện môi trường. Tác giả [11 ] ngoài phân tích sự tác động của từng yếu tố thời tiết khí hậu lên cơ thể con người, tổng kết một số kết quả nghiên cứu thực nghiệm, một số chỉ tiêu và mô hình sinh khí tượng. Trong [12], tác giả cũng phân tích từng yếu tố khí hậu tác động và phương pháp thích ứng của cơ thể với điều kiện thời tiết, khí hậu. Các nghiên cứu của các nhà khí hậu và địa lý như [13], đã chỉ rõ sự tác động của từng yếu tố thời tiết, khí hậu lên cơ thể con người, với các kết quả thực nghiệm cụ thể. Hướng khác về nghiên cứu sinh khí hậu người đó là các công trình nghiên cứu sinh khí hậu công trình và đô thị như [14], đã đưa ra cơ sở khoa học lựa chọn và xây dựng chỉ tiêu phân vùng khí hậu xây dựng phục vụ trong xây dựng. Công trình [15] đã phân tích, đánh giá khí hậu theo cách nhìn của các kiến trúc sư. Nhìn chung, các nghiên cứu về tài nguyên sinh khí hậu vừa xây dựng được cơ sở khoa học về vai trò của các yếu tố sinh khí hậu với từng loại hình du lịch, vừa có những đánh giá định lượng cụ thể và chi tiết, xây dựng được các hệ thống bản đồ mô tả, bảng số liệu thống kê, góp phần đóng góp những luận cứ về nghiên cứu sinh khí hậu ứng dụng cho phát triển du lịch.

Trên thế giới và ở Việt Nam, các công trình nghiên cứu đánh giá tài nguyên và sinh khí hậu cho phát triển du lịch đã có từ lâu và khá phong phú; được thể hiện qua các phương pháp đánh giá, quy mô nghiên cứu và quan trọng hơn nữa là hướng tiếp cận nghiên cứu đánh giá cũng không giống nhau. Trong đánh giá các chỉ số sinh khí hậu tổng hợp cho phát triển du lịch, ngoài các yếu tố khí hậu cụ thể như nhiệt độ, lượng mưa, số ngày mưa, độ dài mùa khô, còn có nhiều chỉ số sinh khí hậu tổng hợp được áp dụng với các mô hình ngày càng được cải tiến, với phạm vi ứng dụng trên các vùng lãnh thổ lớn; ngoài ra, đối với từng mục đích du lịch cụ thể mà có trọng số khác nhau với từng yếu tố khí hậu.

Bài báo sẽ đóng góp những điểm mới sau cho nghiên cứu du lịch nghỉ dưỡng Đồng bằng sông Cửu Long: sẽ đánh giá tài nguyên khí hậu Đồng bằng sông Cửu Long bằng phương pháp định lượng sử dụng chỉ số khí hậu du lịch TCI (Tourism Climate Index), chỉ ra được những giai đoạn thích hợp nhất cho du khách tham quan du lịch ĐBSCL, đồng thời đề xuất những biện pháp khắc phục hạn chế về điều kiện thời tiết khí hậu vào mùa mưa ở ĐBSCL. Thông qua chỉ số sinh khí hậu du lịch TCI, bài báo cũng xác định được những yếu tố khí hậu hạn chế trong các tháng du lịch để đưa ra những khuyến cáo cần thiết cho du khách.

Qua quá trình nghiên cứu, có một số kết luận như sau: Những kết quả đã tính toán về chỉ số khí hậu du lịch TCI thì ĐBSCL chịu tác động rất lớn của BĐKH, làm thu hẹp diện tích và thay đổi cảnh quan du lịch của khu vực. Trong tương lai dưới tác động của BĐKH thì một số khu vực tại ĐBSCL đã không còn tốt cho hoạt động du lịch và ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của du khách khi tới du lịch.

- Chỉ số TCI từ năm 2001 -2020 vào mùa khô với mức trung bình đều ở mức tốt cho đến tuyệt vời, với chỉ số TCI cao nhất là 83,6 và vào mùa mưa tuy đã có một số khu vực chỉ số TCI giảm xuống mức không thuận lợi cho hoạt động du lịch với mức thấp nhất ví dụ ở Bến Tre, Cà Mau là 36,6, 38,0 vào tháng 5, và tháng 6 là pử Long An 38,6, Phú Quốc (Kiên Giang) 39,0 đạt mức không tốt, còn những tháng còn lại đều đạt mức thuận lợi tới tốt cho thấy khu vực ĐBSCL vẫn rất thuận lợi và lí tưởng đối với hoạt động du lịch. Với những kết quả tính toán được thì những năm này khi du lịch ở ĐBSCL thì du khách sẽ có cảm giác rất thoải mái và hầu hết sẽ không gây ảnh hưởng tới sức khỏe khi có những hoạt động du lịch ở khu vực này.

- Chỉ số TCI (2050) theo hai kịch bản RCP 4.5 và RCP 8.5 trong tương lai thì du lịch đã có sự thay đổi theo hướng đi xuống. Khu vực giảm sâu nhất vào tháng 5 ở An Giang ở RCP 4.5 29,2, RCP 8.5 28,8 cùng với Trà Vinh ở kịch bản RCP 8.5 là 29,8 ở tháng 6 đã giảm xuống tới mức rất không tốt, gây ảnh hưởng tới hoạt động du lịch và sức khỏe du khách khi tới khu vực này, đã không còn những khu vực lí tưởng cho du lịch và thay vào đó đã xuất hiện những khu vực không tốt cho hoạt động du lịch. Tuy nhiên trong tương lai vào mùa khô thì chỉ số TCI giao động từ 50 cho tới lớn hơn 70. Mặc dù trong tương dưới sự thay đổi của khí hậu ĐBSCL vẫn phù hợp để du lịch vào mùa khô, nếu du khách muốn lựa chọn ĐBSCL là điểm đến trong tương lai thì nên đến khu vực này vào mùa khô thì du khách sẽ có chuyến du lịch với khí hậu thoái mái nhất.

Do sự thay đổi của khí hậu trong tương lai rất thất thường cho nên nghiên cứu này cần được bổ sung và nghiên cứu thêm và chi tiết hơn theo từng năm.

nhahuy
Theo Tạp chí Khí tượng Thủy văn 2023, Tập 751, Số 7: 42-52.
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Nghiên cứu mới  
   
Sáng kiến mới  
 
 

CASTI TiVi




© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->