Xã hội-Nhân văn [ Đăng ngày (27/04/2024) ]
Khảo sát chỉ số huyết học ở trẻ em mắc bệnh sốt xuất huyết Dengue mới nhập viện tại Bệnh viện Sản – Nhi tỉnh Trà Vinh
Nghiên cứu mô tả một số chỉ số huyết học ở trẻ em mắc bệnh sốt xuất huyết Dengue mới nhập viện tại Bệnh viện Sản – Nhi tỉnh Trà Vinh năm 2022.

Thời gian qua, bệnh sốt xuất huyết Dengue được xem là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và có thể gây thành dịch. Bệnh do 4 tuýp của vi rút Dengue gây ra. Vi rút được truyền từ người bệnh sang người lành với tốc độ rất nhanh bởi muỗi Aedes. Đặc điểm của sốt xuất huyết Dengue là sốt, xuất huyết và đặc trưng với sự thoát huyết tương, có thể dẫn đến sốc giảm thể tích tuần hoàn, rối loạn đông máu, suy tạng. Nếu không được chẩn đoán và xử trí kịp thời, bệnh sốt xuất huyết Dengue rất dễ dẫn đến tử vong. Tuy mọi lứa tuổi đều có thể mắc bệnh nhưng trẻ em có tỉ lệ mắc và tử vong cao.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tỉ lệ mắc sốt xuất huyết trên toàn thế giới đã tăng gấp 30 lần trong hơn 50 năm qua. Ước tính có đến gần một nửa dân số trên thế giới đang có nguy cơ mắc bệnh sốt xuất huyết, đặc biệt ở vùng khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới, trong đó châu Mĩ và châu Á là hai khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Mỗi năm có khoảng 100 – 400 triệu người nhiễm vi rút Dengue và khoảng 500.000 trường hợp bệnh nặng cần phải nhập viện, trong đó chiếm tỉ lệ rất lớn là ở đối tượng trẻ em. Ở các quốc gia đang phát triển, dịch sốt xuất huyết Dengue gây nên một gánh nặng rất lớn cho các cơ sở y tế và trở thành vấn đề đáng lo ngại cho sức khỏe cộng đồng. Theo báo cáo tổng quan về bệnh sốt xuất huyết Dengue trên toàn thế giới của Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh châu Âu, từ tháng 1 đến tháng 11 năm 2022, Việt Nam đã ghi nhận 303.637 trường hợp mắc và 112 trường hợp tử vong. Số ca mắc tăng gấp 4,9 lần so với cùng kì năm 2021. Sự gia tăng này đã đưa Việt Nam thành quốc gia đứng thứ hai trên thế giới về số ca mắc và xếp thứ năm trên thế giới về số ca tử vong do bệnh sốt xuất huyết Dengue.

Tỉnh Trà Vinh thuộc vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, có mùa mưa kéo dài, nền nhiệt độ và độ ẩm cao. Đây là môi trường thích hợp để muỗi sống sót và phát triển. Bên cạnh đó, tình trạng đô thị hóa đang diễn ra rất nhanh cùng với tập quán sinh hoạt của người dân đã tạo điều kiện cho dịch sốt xuất huyết lây lan và lưu hành quanh năm [5]. Số ca mắc sốt xuất huyết Dengue tại tỉnh Trà Vinh có xu hướng gia tăng qua các năm. Để phòng tránh sự bùng phát dịch khó kiểm soát, các vấn đề liên quan đến bệnh sốt xuất huyết Dengue cần được quan tâm nghiên cứu.

Các chỉ số huyết học đóng vai trò quan trọng trong việc chẩn đoán và điều trị bệnh sốt xuất huyết Dengue. Tổ chức Y tế Thế giới đã khuyến cáo dùng một số chỉ số huyết học như là một trong các tiêu chuẩn chẩn đoán sốt xuất huyết Dengue. Bệnh sốt xuất huyết Dengue vẫn chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu. Việc điều trị chủ yếu dựa vào việc theo dõi các thay đổi về lâm sàng và các chỉ số huyết học để điều trị giảm triệu chứng. Đồng thời, sốt xuất huyết Dengue là một bệnh có biểu hiện lâm sàng phức tạp, có diễn tiến nhanh. Vì thế, người bệnh rất dễ dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Sự biến đổi về các chỉ số huyết học ở bệnh nhân sốt xuất huyết Dengue luôn được các nhà điều trị quan tâm và theo dõi. Vấn đề được đặt ra là, sự thay đổi các chỉ số huyết học này có tương ứng với mức độ nặng của bệnh và mối liên quan của nó ra sao để có thể vận dụng trong thực tế. Việc nhận biết sớm các yếu tố liên quan đến sốt xuất huyết Dengue nặng ở trẻ em là điều cần thiết để hỗ trợ theo dõi các trường hợp nặng tiềm ẩn và góp phần chẩn đoán sớm mức độ bệnh. Vì vậy, bài báo ‘Khảo sát chỉ số huyết học ở trẻ em mắc bệnh sốt xuất huyết Dengue mới nhập viện tại Bệnh viện Sản – Nhi tỉnh Trà Vinh’ đã được thực hiện.


Nghiên cứu được thực hiện tại Bệnh viện Sản – Nhi tỉnh Trà Vinh với đối tượng là trẻ em được chẩn đoán và điều trị SXHD tại Bệnh viện Sản – Nhi tỉnh Trà Vinh. Tiêu chuẩn lựa chọn là trẻ em < 16 tuổi được chẩn đoán và điều trị SXHD tại Bệnh viện Sản – Nhi tỉnh Trà Vinh từ ngày 01/01/2022 đến ngày 31/10/2022. Tiêu chuẩn loại trừ là trẻ có hồ sơ bệnh án không rõ ràng hoặc trẻ có bệnh mạn tính tại phổi, gan, suy tim, cao huyết áp, suy thận, bệnh về máu, giảm tiểu cầu, rối loạn đông cầm máu.

Qua nghiên cứu 400 trẻ em được chẩn đoán và điều trị sốt xuất huyết Dengue tại Bệnh viện Sản – Nhi tỉnh Trà Vinh trong thời gian từ ngày 01/01/2022 đến ngày 31/10/2022, nghiên cứu đưa ra các kết luận như sau:

Trẻ SXHD nặng chiếm 5,5%, trẻ SXHD có dấu hiệu cảnh báo chiếm 14,5%, tuổi trung bình là 8,08±4,38 tuổi. Tuổi mắc bệnh hay gặp ở lứa tuổi từ 10 đến dưới 16 tuổi (43,75%). Trẻ lớn hơn 5 tuổi có tỉ lệ mắc SXHD nặng cao hơn trẻ nhỏ hơn 5 tuổi (p = 0,022). Về phân bố giới tính trẻ SXHD, tỉ lệ nam nhiều hơn nữ (1,18/1). Phần lớn trẻ SXHD sống ở khu vực nông thôn (71,8%) và đa số là dân tộc Kinh (77,5%).

Về đặc điểm huyết học, trẻ em mắc SXHD có số lượng bạch cầu giảm dưới 5 x 103/µL chiếm 77,8%; hematocrit lớn hơn 42% chiếm 10,3%, tỉ lệ SXHD nặng ở trẻ có hematocrit lớn hơn 42% cao hơn so với trẻ có hematocrit nhỏ hơn 38% (p = 0,026); số lượng tiểu cầu giảm dưới 150 x 103/µL chiếm 63,3%, tỉ lệ SXHD nặng ở trẻ có số lượng tiểu cầu giảm dưới 100 x 103/µL cao hơn so với những trẻ có số lượng tiểu cầu

≥ 100 x 103/µL (p < 0,001); tỉ lệ Prothrombin giảm chiếm 62,07% và thời gian APTT kéo dài chiếm 65,52%, tỉ lệ SXHD nặng ở trẻ có thời gian APTT kéo dài cao hơn so với trẻ có thời gian APTT bình thường (p = 0,005). Các giá trị khác: số lượng hồng cầu, nồng độ hemoglobin trong mức giá trị bình thường.

Từ kết quả nghiên cứu của đề tài, nghiên cứu đưa ra một số kiến nghị như sau:

Phụ huynh cần phải cảnh giác bệnh SXHD có thể diễn tiến nặng ở những trẻ em lớn hơn 5 tuổi. Trong thực hành lâm sàng điều trị SXHD ở trẻ em, nhà điều trị cần chú ý các trường hợp tăng hematocrit trên 42%, số lượng tiểu cầu giảm dưới 100 x 103/µL do có khả năng cao tiến triển thành SXHD nặng, đồng thời, cần theo dõi sớm các bất thường về đông máu để giảm các biến chứng nặng sau này ở trẻ em mắc SXHD.

lttsuong
Theo Tạp Chí Khoa Học Trường Đại Học Trà Vinh, Tập 13, Số 1 (2023)
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Video




© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - Quận Ninh Kiều - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->