Xã hội-Nhân văn [ Đăng ngày (27/04/2024) ]
Đánh giá kết quả điều trị bệnh vảy nến thông thường bằng thuốc bôi acid salicylic tại Bệnh viện Da liễu Cần Thơ giai đoạn 2018 – 2020
Nghiên cứu này nhằm đánh giá kết quả điều trị bệnh vảy nến thông thường bằng thuốc bôi acid salicylic tại Bệnh viện Da liễu Cần Thơ giai đoạn 2018 – 2020.

Bệnh vảy nến là một bệnh lí da liễu thường gặp. Bệnh gặp ở khắp mọi lứa tuổi, cả hai giới và ở nhiều quốc gia. Bệnh chiếm tỉ lệ 1–3% dân số thế giới. Với tính chất là một bệnh mạn tính, tiến triển dai dẳng, tái phát thất thường, được đặc trưng bởi sự xuất hiện các mảng đỏ, dày, có vảy trên da, bệnh vảy nến ảnh hưởng tới thẩm mĩ cũng như tâm lí, sinh hoạt và khả năng lao động của người bệnh. Cơ chế bệnh sinh của vảy nến đến nay vẫn chưa được xác định rõ ràng. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu cho thấy bệnh có liên quan đến các yếu tố tiền sử gia đình và cơ chế tự miễn của cơ thể. Bệnh chịu tác động bởi nhiều yếu tố như stress, nhiễm khuẩn khu trú, một số loại thuốc, thức ăn, thời tiết khí hậu đến sự phát sinh cũng như đợt bùng phát của bệnh.

Cho đến nay, bệnh vảy nến vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Do đó, việc điều trị bệnh vảy nến đã và đang trở thành thách thức lớn trong thực hành da liễu, khoảng hơn 50% bệnh nhân (BN) vảy nến bị ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Các phương pháp điều trị chỉ nhằm mục tiêu làm giảm, sạch thương tổn và kéo dài thời gian ổn định. Việc điều trị bệnh vảy nến gồm hai giai đoạn tấn công và giai đoạn duy trì cùng với sự kết hợp kiểm soát các yếu tố liên quan đến khởi động và bùng phát bệnh. Các thuốc dùng trong điều trị vảy nến gồm có các loại thuốc bôi (acid salicylic, hắc ín, glucocorticoid, dẫn xuất của vitamin D...), các thuốc dùng đường toàn thân (metotrexate, retinoid, cyclosporine A...) cùng với các biện pháp quang và quang hóa trị liệu (UVB- ultraviolet B, PUVA-Psoralen ultraviolet A...). Sự kết hợp hoặc sử dụng đơn độc các biện pháp trên cũng đem lại hiệu quả điều trị tốt, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của BN vảy nến. Tuy nhiên, vấn đề tác dụng phụ của các loại thuốc là điều khó khăn không thể tránh khỏi, đặc biệt là các loại thuốc dùng đường toàn thân cũng như các loại thuốc chứa corticoid. Nghiên cứu của Đặng Văn Em về điều trị vảy nến bằng methotrexate kết hợp acid salicylic tại chỗ cho kết quả giảm PASI (Psoriasis Area and Severity Index) từ 18,9 còn 3,79 (79,95%) với các tác dụng phụ như tiêu chảy, đau đầu. Do đó, các nhà thực hành lâm sàng cần chẩn đoán chính xác và đề ra một chiến lược điều trị phù hợp nhằm đem lại hiệu quả tốt nhất cho BN.

Hiện nay, một số phác đồ điều trị bệnh vảy nến đã sử dụng acid salicylic bôi và hiệu quả sử dụng cho kết quả khả quan. Việt Nam có ít công trình nghiên cứu khảo sát về hiệu quả của acid salicylic bôi trong điều trị vảy nến cùng với mong muốn những kết luận thu được sẽ tạo cơ sở cho việc sử dụng acid salicylic một cách hợp lí, hiệu quả trong phác đồ điều trị bệnh vảy nến, hạn chế các tác dụng hay tương tác không mong muốn, mang lại kết quả tốt nhất cho BN. Xuất phát từ vấn đề trên, nghiên cứu được thực hiện với mục tiêu đánh giá kết quả điều trị bệnh vảy nến thông thường bằng thuốc bôi acid salicylic tại Bệnh viện Da liễu Cần Thơ giai đoạn 2018 – 2020.


Nghiên cứu cho thấy kết quả độ giảm PASI qua các tuần có ý nghĩa thống kê với P < 0,001, có hiệu quả trong tuần đầu tiên và đạt mức cao ngay trong 02 tuần đầu. PASI trung bình sau điều trị là 6,36 ± 2,40 (giảm 59,82%). Sau 04 tuần điều trị, số trường hợp đạt PASI-75 chiếm 4,2%, PASI-50 chiếm tỉ lệ 83,2%, PASI < 50 là 12,6%.

Sau điều trị, không còn BN nào có vảy trắng dày, 58,04% BN sạch vảy và 27,27% BN với ít vảy mỏng, 14,69% BN nhiều vảy mỏng. Không có sự khác nhau về kết quả điều trị và mức PASI trước điều trị, thời gian mắc bệnh. Có sự khác biệt về kết quả điều trị giữa các nhóm tuổi với p = 0,028.

Acid salicylic mang lại hiệu quả cao trong điều trị vảy nến thông thường với nhiều ưu điểm như rẻ tiền, tốc độ giảm PASI nhanh, ít tác dụng phụ, dễ sử dụng. Do đó, bác sĩ có thể sử dụng rộng rãi trong điều trị vảy nến thông thường.

Tác dụng phụ của thuốc bôi acid salicylic gây kích thích, châm chích da là tác dụng phụ thường gặp. BN có thể tránh được bằng cách sử dụng nồng độ thích hợp cho từng lứa tuổi, vùng da. Ngoài ra, các nhà lâm sàng cần cân nhắc thận trọng khi sử dụng cho các đối tượng như trẻ nhỏ hoặc BN có sang thương rộng vì khả năng ngộ độc do hấp thu toàn thân.

lttsuong
Theo Tạp Chí Khoa Học Trường Đại Học Trà Vinh, Tập 13, Số Chuyên Đề (2023)
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Video




© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - Quận Ninh Kiều - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->