Nghiên cứu [ Đăng ngày (06/04/2024) ]
Nghiên cứu thiết lập phản ứng RT-PCR và ứng dụng phát hiện sự có mặt của virus gây bệnh sốt ba ngày (BEFV) ở đàn bò nuôi tại Việt Nam
Nghiên cứu do nhóm tác giả gồm Nguyễn Văn Giáp, Đặng Hữu Anh và Huỳnh Thị Mỹ Lệ thuộc Khoa Thú y, Học viện Nông nghiệp Việt Nam thực hiện.

Hình minh họa. Nguồn: Internet

Bệnh sốt ba ngày ở bò (three-day sickness) là một bệnh truyền lây qua động vật chân đốt hút máu (hematophagous arthropod), do Bovineephemeral fever virus (BEFV) gây ra. Mặc dù bệnh có tiến triển nhanh (con vật mắc bệnh thường qua khỏi trong vòng 3 ngày) nhưng để lại những hậu quả khá nặng nề và dai dẳng, thể hiện ở các khía cạnh: (i) tỷ lệ mắc bệnh cao (80-100%); (ii) giảm ít nhất 50% sản lượng sữa, giảm sức sinh sản ở bò đực do tinh dịch bị mất khả năng thụ tinh kéo dài hàng tháng sau khi khỏi triệu chứng; (iii) giảm sức kéo, giảm tăng trọng,sảy thai giai đoạn cuối,...

BEFV là virus thuộc giống Ephemerovirus, họ Rhabdovirus có bộ gen là ARN sợi đơn với kích thước 14,9 kb. Bộ gen BEFV mã hóa 5 protein cấu trúc (N,P, M, G và L), 1 glycoprotein phi cấu trúc (GNS)và một số protein phụ (α1, α2, α3, β, và γ). Về mặt di truyền, dựa vào trình tự gen mã hóa protein G, BEFV được chia thành 3 nhóm tương ứng với vùng địa lý mà virus lưu hành, đó là nhóm châu Úc (Australia), Trung Đông (Middle East) và Đông Á (East Asia). Trong đó BEFV thuộc nhóm Đông Á tiếp tục tiến hóa thành ít nhất 3 dưới nhóm. Về phạm vi phân bố, cho tới nay BEFV đã được phát hiện ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới bao gồm châu Phi, châu Á, Trung Đông và châu Úc; nơi các đợt bùng phát dịch bệnh theo mùa, đặc biệt là sau các đợt mưa. Ở châu Á, BEFV xuất hiện khá sớm từ năm 1953. Cho đến nay, virus đã hiện diện ở một số quốc gia/vùng lãnh thổ như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan,... Đáng chú ý, đặc điểm phân bố của BEFV biến động theo thời gian thể hiện ở sự xâm nhập và xuất hiện mới những nhóm di truyền và sự tái xuất hiện của virus sau hàng chục năm vắng bóng. Chính vì vậy, bệnh do BEFV được nhận định tiếp tục là mối đe dọa cho chăn nuôi trâu, bò ở các nước khu vực châu Á. Không chỉ có BEFV mà nhiều loại arthropod-borne virus có nguy cơ phát tán đến những khu vực trước đây chưa từng xuất hiện. Cho tới thời điểm hiện tại, ở Việt Nam chưa có công bố về bệnh sốt ba ngày cũng như sự hiện diện của BEFV. Tuy nhiên, đứng trước nguy cơ dịch bệnh mới có thể xâm nhập bất kỳ lúc nào, mà minh chứng là sự xuất hiện và lan rộng của bệnh viêm da nổi cục ở nước ta vào cuối năm 2020, rất cần thiết có sự chuẩn bị về phương pháp chẩn đoán xét nghiệm để sàng lọc BEFV ở Việt Nam. Để phát hiện BEFV, ngoài các phương pháp như phân lập virus và xét nghiệm huyết thanh, một số kỹ thuật sinh học phân tử đã được phát triển bao gồm RT-PCR, nested RT- PCR, RT-LAMP, realtime RT-PCR,...

Do đó, nghiên cứu này đã phân tích nhằm chọn được bộ mồi phù hợp dùng trong phản ứng RT-PCR phát hiện BEFV. Kết quả đã xác định được 2/6 bộ mồi dùng phát hiện BEFV phù hợp nhất về trình tự nucleotide (sai khác 0%- 0,7% so với các chủng virus có trình tự công bố ở GenBank); có giới hạn phát hiện từ 4,07 x 102 đến 8,11 x 102 bản sao bộ gen BEFV trong mẫu. Với các bộ mồi phù hợp đã được lựa chọn, có 2/152 mẫu huyết thanh bò thu thập tại Việt Nam (mẫu gộp) được xác định dương tính với BEFV.

ctngoc
Theo Tạp chí Khoa học kỹ thuật Thú y, Tập 29 Số 7 (2022)
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Nghiên cứu mới  
   
Sáng kiến mới  
 
 

CASTI TiVi




© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->