Hình minh họa. Nguồn: Internet
Cúm gia cầm (Avian influenza) là một bệnh do virus cúm gia cầm type A, thuộc họ Orthomyxoviridae gây ra. Virus cúm được phân làm hai loại là có độc lực cao (HPAI - High pathogenic Avian influenza) và có độc lực thấp (LPAI - Low pathogenic Avian influenza). Đây là nhóm virus có biên độ vật chủ rộng, được phân chia thành nhiều subtype khác nhau dựa trên hai kháng nguyên bề mặt capsid của hạt virus là HA và NA. Nhóm virus cúm A có 18 subtype HA từ H1 đến H18 và 11 subtype NA từ N1 đến N11. Sự tổ hợp giữa các subtype HA và NA sẽ tạo ra nhiều subtypekhác nhau. Mặt khác, virus cúm A có đặc tính quan trọng là dễ dàng đột biến trong gen NA và HA hoặc trao đổi các gen với nhau, trong quá trình xâm nhiễm và tồn tại lây truyền giữa các loài vật chủ, dẫn đến việc tạo nên nhiều subtype có độc tính và khả năng gây bệnh khác nhau. Kể từ năm 2014, HPAI type A/H5N6 là nguyên nhân gây ra các đợt bùng phát dịch trên diện rộng ở các loài chim trên khắp Trung Quốc, Nhật Bản và Đông Nam Á. Năm 2018, các đợt dịch bùng phát lớn ở chim đã được báo cáo từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc,Đài Loan, Hồng Kông và Việt Nam. Philippines cũng đã báo cáo về H5N6 ở gia cầm. Virus này có khả năng gây bệnh cao ở chim và đã được phân lập từ cả gia cầm và chim hoang dã. Tháng 4 năm 2014, Tổ chức Y tế thế giới lần đầu tiên báo cáo một trường hợp người nhiễm virus cúm gia cầm type A/H5N6 ở Trung Quốc (WHO, 2014). Tính đến ngày 24 tháng 12 năm 2019, tổng số 24 trường hợp nhiễm cúm gia cầm type A/H5N6 ở người đã được báo cáo từ 10 tỉnh khác nhau trên khắp Trung Quốc. Bốn trong số những trường hợp này là ở trẻ em, 2 trong số đó chỉ bị bệnh nhẹ. Trong số 20 trường hợp người lớn còn lại, tất cả đều mắc bệnh nặng và ít nhất 15 trường hợp tử vong (WHO, 2019). Ở nước ta, chỉ trong tháng 1 năm 2021, cả nước đã xảy ra 40 ổ dịch cúm gia cầm tại 14 tỉnh, thành phố, buộc phải tiêu hủy trên 100.000 con gia cầm. Nguy cơ dịch cúm gia cầm type A/H5N1 và type A/H5N6 tiếp tục lây lan và xảy ra trên phạm vi rộng là rất cao. Tại tỉnh Trà Vinh, Đồng Tháp và Kiên Giang, do đặc thù địa hình, tổng đàn gia cầm lớn cũng như tập quán chăn nuôi truyền thống là một trong những điều kiện góp phần cho dịch cúm gia cầm, đặc biệt là chủng virus cúm gia cầm type A/H5N6 có cơ hội bùng phát. Trước tình hình đó, cần có những nghiên cứu sâu rộng hơn để nhà khoa học và người nông dân có thể từng bước nắm rõ căn nguyên, sự phân bố cũng như sự biến đổi di truyền của virus cúm gia cầm type A/H5N6 đang lưu hành tại địa phương. Nghiên cứu này được thực hiện nhằm xác định sự lưu hành và biến đổi di truyềncủa virus cúm gia cầm type A/H5N6 trên đàn gia cầm tại các địa phương ở tỉnh Trà Vinh, Đồng Tháp và Kiên Giang.
Nghiên cứu được tiến hành nhằm xác định sự lưu hành và biến đổi di truyền của virus cúm gia cầm type A/H5N6 tại 3 tỉnh Trà Vinh, Đồng Tháp và Kiên Giang. 432 mẫu swab hầu-họng được thu thập từ gà, vịt bán tại các điểm buôn bán, thu gom gia cầm tại 12 chợ thuộc 12 huyện của 3 tỉnh khảo sát, trung bình 36 mẫu/huyện. Bằng phương pháp realtime RT-PCR, những mẫu dương tính với virus cúm type A được kiểm tra subtype H5 và N6. Các mẫu sau khi được xác định có kết quả dương tính với virus cúm gia cầm type A/H5N6 được chọn để giải trình tự gen H5 và xây dựng cây phả hệ của các chủng virus cúm A/H5N6 để so sánh với các chủng tham chiếu trên GenBank.
Kết quả nghiên cứu cho thấy có sự lưu hành của virus cúm gia cầm type A/H5N6 trong quần thể gà, vịt tại tỉnh Trà Vinh và Kiên Giang với tỷ lệ thấp là 1,39%. Tỷ lệ lưu hành của virus cúm gia cầm type A/H5N6 ở gà là 1,54% và ở vịt là 1,16%. Kết quả phân tích sự biến đổi nucleotide ở gà và vịt tại tỉnh Trà Vinh cho thấy sự tương đồng nucleotide giữa các chủng virus đang lưu hành tại tỉnh này (95,32%) và sự sai khác về amino acid so với các chủng virus khác ở Việt Nam và các chủng trên thế giới là 1,9- 12,2%. Các chủng virus cúm type A/H5N6 phân lập tại tỉnh Trà Vinh thuộc clade 2.3.4.4c và nằm trong nhánh phát sinh cùng với các chủng virus phân lập được trên vịt và vịt xiêm tại Việt Nam năm 2017-2019 và chủng virus phân lập trên ngỗng tại Trung Quốc năm 2016. |