Nghiên cứu [ Đăng ngày (30/03/2024) ]
Một số đặc điểm dịch tễ của Feline Calicivirus trên mèo và đánh giá hiệu quả điều trị ở phòng thí nghiệm bệnh xá thú y, Đại học Cần Thơ
Nghiên cứu do nhóm tác giả gồm Huỳnh Trường Giang, Trần Ngọc Bích, Trần Thị Thảo, Đặng Thị Mỹ Tú, Lâm Trần Bảo Trân (Bộ môn Thú y, Khoa Nông nghiệp, Trường Đại học Cần Thơ) và Nguyễn Thúy An (Công ty thuốc Thú y - Thủy sản Sagophar) thực hiện.

Hình minh họa. Nguồn: Internet

Feline calicivirus (FCV) là một trong những virus gây bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên mèo, tỷ lệ tử vong cao trong thời gian gần đây. FCV chiếm 50% nguyên nhân gây bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên của mèo. Thêm vào đó, trên thế giới đã và đang xuất hiện các chủng FCV có độc lực mạnh, lây lan nhanh, diễn biến    bệnh phức tạp và có tỷ lệ tử vong cao, lên đến 50%.

FCV thuộc chi Vesivirus của họ Caliciviridae, có bộ gen RNA gram dương sợi đơn dài 6,4-8,5 kilobase, có khoảng 11 chi chứa virus lây nhiễm cho nhiều loại động vật   có xương sống. Đặc biệt chủng gây bệnh trên mèo xuất hiện triệu chứng lâm sàng trầm trọng ở đường hô   hấp trên, viêm phổi, hội chứng viêm nướu răng mạn tính ở mèo hoặc tổn thương loét miệng và cả hội chứng suy kiệt bại liệt. FCV gây bệnh trên mèo có mức độ biến đổi kháng nguyên cao nên các vacxin hiện nay đang sử dụng có khả năng bảo hộ thấp. Những mèo được tiêm vacxin vẫn có thể nhiễm bệnh với những triệu chứng nhẹ và chúng có thể là vật mang trùng phát tán mầm bệnh.

Mặc dù bệnh diễn biến phức tạp và xuất hiện thường xuyên gây nhiều thiệt hại cho người nuôi nhưng việc    nghiên cứu FCV còn hạn chế, chưa có nghiên cứu đánh giá được tần suất lưu hành, ghi nhận các triệu chứng, yếu tố nguy cơ, cũng như xác định được sinh học phân tử của FCV tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Vì   vậy nghiên cứu về đặc điểm dịch tễ của bệnh do FCV trên mèo và đánh giá hiệu quả điều trị bệnh ở Phòng thí nghiệm Bệnh xá Thú y, Đại học Cần Thơ là cần thiết, nhằm đưa ra các biện pháp phòng và hỗ trợ điều trị bệnh có hiệu quả.

Nghiên cứu một số đặc điểm dịch tễ của bệnh do Feline calicivirus ở mèo đã được thực hiện trên 471 con mèo tại Phòng thí nghiệm Bệnh xá Thú y, Đại học Cần Thơ. Phương pháp khám lâm sàng và xét nghiệm nhanh bằng Asan easy test kit (FCV-Ag) do công ty Asan của Hàn Quốc sản xuất đã được sử dung để xác định tình hình nhiễm bệnh do Feline calicivirus trên mèo. Bên cạnh đó, hiệu quả điều trị bệnh do Feline calicivirus cũng được đánh giá trong nghiên cứu này.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ mèo mắc bệnh do Feline calicivirus qua xét nghiệm nhanh tại Phòng thí nghiệm Bệnh xá Thú y, Đại học Cần Thơ là 6,58% trên tổng số mèo được khảo sát. Mèo mắc bệnh thường xuất hiện các triệu chứng lâm sàng như viêm kết mạc, chảy nước mũi, viêm miệng, viêm nướu, có các vết ăn mòn trên lưỡi, biếng ăn, ủ rũ, sốt, ho khẹc, hắt hơi và chảy nước dãi, loét trên da bàn chân và trên đầu. Tỷ lệ mèo mắc bệnh do Feline calicivirus phụ thuộc vào các yếu tố như tuổi, phương thức nuôi và tình trạng tiêm phòng. Hiệu quả điều trị bệnh theo phác đồ tại Phòng thí nghiệm Bệnh xá Thú y, Đại học Cần Thơ vẫn còn thấp.


ctngoc
Theo Tạp chí Khoa học kỹ thuật Thú y, Tập 29 Số 8 (2022)
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Nghiên cứu mới  
   
Sáng kiến mới  
 
 

CASTI TiVi




© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->