Nghiên cứu [ Đăng ngày (30/03/2024) ]
Ảnh hưởng của tần suất cho ăn lên kết quả ương cá khế vằn (Gnathanodon speciosus Forsskål, 1775) giai đoạn giống
Nghiên cứu do nhóm tác giả Ngô Văn Mạnh, Ngô Chí Dũng, Trần Văn Dũng, Lê Minh Hoàng - Viện Nuôi trồng Thủy sản, Trường Đại học Nha Trang thực hiện nhằm mục đích đánh giá ảnh hưởng của tần suất cho ăn đến tốc độ tăng trưởng, tỷ lệ sống và hiệu quả sử dụng thức ăn của cá khế vằn giai đoạn giống.

Ảnh minh họa: Internet

Cá  khế  vằn  hay  còn  gọi  là  cá  bè  vàng (Gnathanodon speciosus) là một loài cá biển phân bố rộng rãi ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, từ Biển Đỏ đến bờ biển phía đông của Châu Phi, Ấn Độ Dương và Tây Thái Bình Dương. Đây là một trong những loài cá biển có giá trị kinh tế cao, thịt thơm ngon, được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng.  Cá  khế  vằn  không  chỉ  có  vai  trò  quan trọng trong việc cung cấp thực phẩm giàu dinh dưỡng, tương tự như các loài cá biển khác, mà còn được sử dụng cho mục đích nuôi làm cảnh bởi màu sắc đẹp và tập tính bơi theo đàn độc đáo. Cá khế vằn thuộc nhóm có kích cỡ trung bình, chiều dài và khối lượng tối đa được biết đến lần lượt là 1 mét và 8 kg. Loài cá này đã được sản xuất giống thành công và đang được nuôi thương mại tại một số quốc gia thuộc khu vực Đông Nam Á như Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam. Ngoài ra, đặc điểm sinh trưởng nhanh, sức sinh sản lớn, thời gian thế hệ ngắn... khiến cá khế vằn trở đối tượng cá biển nuôi đầy tiềm năng, cho cả hai mục đích làm thực phẩm và giải trí. Tuy nhiên, so với các loài cá biển khác, nhiều chỉ tiêu kỹ thuật trong quá trình ương nuôi loài cá này vẫn chưa được nghiên cứu đầy đủ, trong đó, có việc thiết lập chế độ cho ăn tối ưu.

Trong một phạm vi nhất định, sinh trưởng, tỷ lệ sống và hiệu quả sử dụng thức ăn của cá có sự gia tăng tỷ lệ thuận với tần suất cho ăn. Mặc dù vậy, một số nghiên cứu lại không nhận thấy sự tác động của yếu tố này lên kết quả ương nuôi cá, ví dụ trên loài Atractosteus tropicus hay loài Sander lucioperca. Cho đến nay, các nghiên cứu về ảnh hưởng của tần suất cho ăn lên cá khế vằn vẫn chưa được đề cập. Việc áp dụng chế độ cho ăn của loài cá này cho loài cá khác có thể không phù hợp do những khác biệt về tập tính sống, đặc điểm sinh dưỡng, giai đoạn phát triển và mục đích nuôi. Do đó, mục đích của nghiên cứu này là đánh giá ảnh hưởng của tần suất cho ăn đến tốc độ tăng trưởng, tỷ lệ sống và hiệu quả sử dụng thức ăn của cá khế vằn giai đoạn giống. Kết quả thu được có thể cung cấp thông tin có giá trị cho người nuôi nhằm tối ưu hóa chế độ cho ăn và chăm sóc, quản lý trong ương giống cá khế vằn; qua đó, góp phần phát triển hiệu quả, bền vững nghề nuôi loài cá này ở nước ta.

Tầ n suất cho ăn có ảnh hưởng lớn đến các chỉ tiêu tăng trưởng (chiều dài, khối lượng), hệ số phân đàn khối lượng, sinh khối và hệ số chuyển hóa thức ăn của cá khế vằn. Trong đó, chế độ cho ăn 6 lần/ngày được xác định là tối ưu. Tuy nhiên, tần suất cho ăn không ảnh hưởng đến hệ số phân đàn chiều dài, hệ số điều kiện, tỷ lệ sống và tỷ lệ dị hình của cá.Nghiên cứu hiện tại mới chỉ đánh giá được ảnh hưởng của tần suất cho ăn, 2 – 8 lần/ngày, lên sinh trưởng, tỷ lệ sống và hệ số chuyển hóa thức ăn của cá khế vằn. Các nghiên cứu tiếp theo nên đánh giá sâu hơn ảnh hưởng của yếu tố này lên các chỉ tiêu sinh hóa, thành phần, hoạt tính enzyme và sự biến đổi mô học ống tiêu hóa của loài cá này.

nnttien
Theo Tạp chí KH - CN Thủy sản Trường ĐH Nha Trang, Số 2/2023
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Nghiên cứu mới  
   
Sáng kiến mới  
 
 

CASTI TiVi




© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->