Nghiên cứu [ Đăng ngày (30/03/2024) ]
Chọn lọc của lưới rê với kích thước mắt lưới tối thiểu được phép sử dụng để đánh bắt cá mòi cờ hoa (Clupanodon thrissa)
Nghiên cứu do tác giả Nguyễn Trọng Lương, Phạm Khánh Thụy Anh - Viện Khoa học và Công nghệ Khai thác Thủy sản, Trường Đại học Nha Trang thực hiện. Nghiên cứu đã sử dụng phương pháp của Holt (1963) để xác định khả năng chọn lọc theo chiều dài cá mòi cờ hoa (Clupanodon thrissa) đánh bắt bởi 5 mẫu lưới rê với kích thước mắt lưới khác nhau. Nghiên cứu được thực hiện từ tháng 11 năm 2021 đến tháng 10 năm 2022 tại vùng biển ven bờ của huyện Nghi Lộc và thị xã Cửa Lò của tỉnh Nghệ An.

Ảnh minh họa: Internet

Cá mòi cờ hoa (Clupanodon thrissa) phân bố ở khu hệ cá thuộc vịnh Bắc Bộ, từ vùng biển tỉnh Thừa Thiên Huế đến vùng biển tỉnh Quảng Ninh, với độ sâu tới 60 mét trở vào  và các con sông ở khu vực này. Loài cá này thường sống ở biển, vào mùa sinh sản chúng di cư vào các con sông để đẻ trứng và sau đó trở lại sống ở biển.

Cá mòi cờ hoa sinh sản từ tháng 2 ÷ 7 nhưng tập trung từ tháng 2 ÷ 4 hàng năm, cá tham gia sinh sản chủ yếu ở nhóm tuổi 1+ đến 2+ và ít bắt gặp cá có độ tuổi 3+. Khả năng sinh sản có khuynh hướng tăng lên theo thời gian. Giai đoạn 1963 ÷ 1964, sức sinh sản tuyệt đối của cá mòi cờ hoa dao động từ 43.250 ÷ 123.630 trứng và sức sinh sản tương đối dao động từ 406 ÷ 1.177 trứng/gam, giai đoạn 2005 ÷ 2007, sức sinh sản tuyệt đối của cá dao động từ 22.600 ÷ 295.000 trứng, trung bình từ 56.100 ÷175.200 trứng/cá thể và sức sinh sản tương đối dao động từ 470 ÷ 175.200 trứng/gam, trung bình từ 610 ÷ 1.580 trứng/gam. Cấu trúc tuổi của cá gồm 5 nhóm (0+÷ 4+), trong đó, nhóm cá dưới 1 tuổi (0+) có chiều dài trung bình nhỏ hơn 115 mm [10], nhóm trên 1 tuổi (1+) có chiều dài trung bình từ 120 ÷ 161 mm, nhóm trên 2 tuổi (2+) trung bình 160 ÷ 200 mm, nhóm trên 3 tuổi (3+) trung bình 192 ÷ 235 mm, nhóm trên 4 tuổi (4+) có chiều dài từ 236 mm trở lên. Kích thước cá khai thác chủ yếu từ 120 ÷ 160 mm, thuộc nhóm cá 1 ÷ 2 tuổi. Kích thước của cá mòi khai thác có sự khác nhau tùy thuộc khu vực sinh sống và có xu hướng giảm dần theo thời gian. Kết quả khảo sát vào năm 1963 ÷ 1964, nhóm cá sống trong các sông có chiều dài ưu thế từ 170 ÷ 190 mm, ở vùng biển ven bờ 126 ÷ 234 mm, giai đoạn 1993 ÷ 1994 cá có chiều dài ưu thế ở vùng nước tương ứng là 191 ÷ 200 mm và 181 ÷ 190 mm, giai đoạn 2005 ÷ 2007, cá đánh bắt được ở trong sông dao động từ 110 ÷ 265 mm, phổ biến nhất là từ 161 ÷ 190 mm; cá khai thác ở vùng biển ven bờ dao động từ 98 ÷ 232 mm, phổ biến nhất là từ 131 ÷ 160 mm.

Cá mòi cờ hoa có giá trị kinh tế cao, được ngư dân khai thác ở vùng biển ven bờ và dọc các con sông từ tỉnh Thừa Thiên Huế trở ra tới Quảng Ninh, hoạt động đánh bắt diễn ra quanh năm nhưng đạt sản lượng cao khi đến giai đoạn chuẩn bị sinh sản và mùa sinh sản (từ tháng 12 đến tháng 5). Mặc dù cá mòi cờ hoa là đối tượng có giá trị kinh tế cao nhưng quy mô sản xuất nhỏ và phân bố nghề rải rác ở các địa phương nên công tác thống kê sản lượng khai thác chưa được các địa phương quan tâm. Tổng hợp dữ liệu cho thấy, sản lượng đánh bắt có khuynh hướng giảm nhanh, từ 700 ÷ 800 tấn/năm vào những năm 1964 ÷ 1965, xuống còn 120 ÷ 150 tấn/năm vào năm 1978. Giai đoạn 2005 ÷ 2007, sản lượng khai thác ở các con sông giảm từ 52 tấn (2005), 47 tấn (2006) đến 40 tấn (2007); ở khu vực cửa sông, giảm từ 87 tấn (2005), 84 tấn (2006) đến 79 tấn (2007); ở vùng biển ven bờ giảm từ 15 tấn (2005), 14 tấn (2006) đến 11 tấn (2007).

Các loại ngư cụ được sử dụng để đánh bắt cá mòi bao gồm lưới kéo, lưới vây, lưới rê (lưới rê đơn và lưới rê 3 lớp), lưới đăng và lưới đáy. Năm 2008, Nguyễn Quang Hùng và cộng sự đã đánh giá tác động của các loại ngư cụ đến sự suy giảm của cá mòi cờ hoa ở các sông, vùng cửa sông và ven biển ở phía Bắc nước ta và đã chỉ ra rằng, việc sử dụng kích thước mắt lưới nhỏ ở nghề lưới rê, lưới vây, lưới kéo và lưới đáy là nguyên nhân chính làm suy giảm nguồn lợi cá mòi, nghiên cứu đã xác định được các khu vực sinh sản, thời gian sinh sản và đã thiết lập được các khu vực hạn chế đánh bắt cá mòi cờ hoa nhằm bảo vệ và phát triển nguồn lợi cá này. Đến nay, số lượng tàu cá tham gia đánh bắt cá mòi chưa được thống kê đầy đủ do hoạt động đánh bắt nhỏ lẻ ở các sông và kiêm nghề ở vùng biển ven  bờ.  Kết  quả  điều  tra  giai  đoạn  2005  ÷ 2007 cho thấy, ở khu vực phía bắc có 13.351 tàu cá hoạt động đánh bắt cá mòi và nghề lưới rê chiếm ưu thế với 76,7% (10.240 tàu). Trong đó, số tàu hoạt động ở các sông gồm 817 chiếc và lưới rê chiếm 98%, số tàu hoạt động ở vùng cửa sông gồm 641 chiếc và lưới rê chiếm 85%, số tàu hoạt động ở vùng biển ven bờ gồm 11.893 chiếc và lưới rê chiếm 75%.

Trong quá trình hoạt động, lưới rê có cấu trúc như bức tường bằng lưới và đánh bắt bị động, cá bị đóng vào lưới khi chúng chủ động tiếp xúc với ngư cụ trong quá trình di cư tự nhiên, di cư kiếm ăn hoặc di cư sinh sản. Lưới rê là một trong những ngư cụ được sử dụng phổ biến nhất trên thế giới, trang bị trên các tàu thương mại hoặc thủ công để đánh bắt nhiều loài thủy sản khác nhau ở biển và nội đồng. Lưới rê được xem là phương thức  đánh  bắt  thân  thiện  với  môi  trường  và nguồn lợi thủy sản, có khả năng chọn lọc cao theo kích thước và đối tượng đánh bắt. Tuy nhiên, giống như các loại ngư cụ khác, lưới rê cũng không thể đảm bảo sự chọn lọc 100% đối với loài mục tiêu, cá chưa trưởng thành bị lẫn trong sản phẩm khai thác với mức độ khác nhau và phụ thuộc vào kích thước mắt lưới nên tác động tiêu cực đến quá trình bổ sung trữ lượng đàn cá đánh bắt.

Cá mòi cờ hoa ở nước ta được đánh giá là đối tượng thuộc danh mục nguy cấp (EN), đã được đưa vào Sách đỏ Việt Nam và danh sách các loài cần được bảo vệ của ngành thủy sản từ năm 1996. Năm 2006, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã quy định chiều dài đến chẽ vây đuôi (FL) tối thiểu được đánh bắt là 120 mm, kích thước mắt lưới rê nhỏ nhất được phép sử dụng đánh bắt cá mòi là 60 mm và tỷ lệ cá nhỏ hơn kích thước quy định được phép lẫn trong sản phẩm đánh bắt không quá 15 %. Năm 2019, Chính phủ đã quy định chiều dài toàn thân (TL) tối thiểu được phép đánh bắt của cá mòi cờ hoa là 200 mm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định kích thước mắt lưới rê tối thiểu được phép sử dụng để đánh bắt cá mòi là 60 mm. Như vậy, chiều dài tối thiểu được phép đánh bắt của cá mòi cờ hoa tăng từ 120 mm (FL) lên 200 mm (TL) trong khi kích thước mắt lưới tối thiểu được phép sử dụng không thay đổi (60 mm) có thể là nguyên nhân làm giảm khả năng sinh sản và bổ sung quần đàn dẫn đến tình trạng suy giảm nguồn lợi của loài cá này. Để thúc đẩy khai thác bền vững, cần nghiên cứu và đánh giá sự phù hợp của kích thước mắt lưới với chiều dài của cá được phép đánh bắt. Trên cơ sở đó, cần tăng cường công tác tuyên truyền để ngư dân sử dụng kích thước mắt lưới hợp lý để vừa đảm bảo công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi cá mòi cờ hoa, vừa đảm bảo lợi ích kinh tế của ngư dân. Do đó, mục tiêu của nghiên cứu này là xác định chiều dài tối ưu của cá theo các kích cỡ mắt lưới khác nhau, đánh giá sự phù hợp của kích cỡ mắt lưới với chiều dài cá theo các quy định hiện hành và đề xuất kích thước mắt lưới phù hợp chiều dài tối thiểu được đánh bắt của cá mòi cờ hoa.

Phân bố chiều dài toàn thân và chiều dài đến chẽ vây đuôi của 1.789 cá thể cá mòi cờ hoa đánh bắt tại vùng biển ven bờ huyện Nghi Lộc và thị xã Cửa Lò lần lượt từ 100 ÷ 230 mm và 85 ÷ 190 mm. Hầu hết cá mòi cờ hoa bị đánh bắt nhỏ hơn chiều dài toàn thân tối thiểu được phép khai thác ngay cả khi kích thước mắt lưới phù hợp với quy định hiện hành.Kích thước mắt lưới càng lớn thì chiều dài cá mòi cờ hoa đánh bắt được càng lớn. Tuy nhiên, cả 5 mẫu lưới thử nghiệm đều có tỷ lệ cá dưới chiều dài quy định rất lớn, từ 94,5 ÷ 99,8 %, ngay khả khi sử dụng mắt lưới đủ quy định thì tỷ lệ đạt chiều dài tối thiểu được phép đánh bắt chiếm tỷ trọng rất nhỏ. Điều này cho thấy, kích thước mắt lưới 60 mm chưa phù hợp để đánh bắt cá mòi cờ hoa với chiều dài tối thiểu là 200 mm. Nghiên cứu đã xác định được hệ số chọn lọc chung của cá mòi cờ hoa theo chiều dài toàn thân của cá là 3,0. Từ hệ số chọn lọc này có thể xác định được kích thước mắt lưới phù hợp tối thiểu là 67 mm để đánh bắt cá mòi cờ hoa với chiều dài từ 200 mm. Do đó, muốn bảo vệ nguồn lợi cá mòi cờ hoa, cần sử dụng kích thước mắt lưới tối thiểu từ 67 mm trong điều kiện đường kính chỉ lưới, hệ số rút gọn và vật liệu ngư cụ giống như mẫu lưới thử nghiệm.

nnttien
Theo Tạp chí KH - CN Thủy sản Trường ĐH Nha Trang, Số 2/2023
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Nghiên cứu mới  
   
Sáng kiến mới  
 
 

CASTI TiVi




© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->