Nghiên cứu [ Đăng ngày (30/03/2024) ]
Ảnh hưởng của dịch thủy phân protein từ vỏ đầu tôm bổ sung vào thức ăn đến tăng trưởng, tỷ lệ sống, sinh hóa và chỉ số huyết học của cá hồi vân Oncorhynchus mykiss giai đoạn giống
Mục tiêu của nghiên cứu này nhằm đánh giá ảnh hưởng của việc bổ sung dịch thủy phân protein từ vỏ đầu tôm (0% (đối chứng), 1, 3 và 5%) lên sinh trưởng, tỷ lệ sống, sinh hóa và huyết học của cá hồi vân Oncorhynchus mykiss giai đoạn giống. Khối lượng tăng lên trung bình (WG), tốc độ tăng trưởng đặc trưng (SGR), hệ số chuyển đổi thức ăn (FCR), hiệu quả sử dụng protein (PER) và tỷ lệ sống (SR) được đánh giá sau 8 tuần thí nghiệm.

Ảnh minh họa: Internet

Sản lượng Nuôi trồng thủy sản ở Việt Nam đang tăng nhanh trong hai thập kỷ qua. Trong số các loài cá nuôi, sản lượng cá hồi vân ở Việt Nam đã tăng lên đáng kể. Nghề nuôi trồng thủy sản nước lạnh chưa thật sự phát triển vào đầu những năm 2000 nhưng đến năm 2009 đã có 12 trại nuôi cá nước lạnh đi vào hoạt động ở miền Bắc và Tây Nguyên, đến nay đã có hơn 100 trại nuôi cá nước lạnh, đặc biệt là cơ sở nuôi cá hồi vân. Loài cá này cần thức ăn giàu protein trong khi chúng ta đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nguồn protein làm thức ăn bổ sung. Trong bối cảnh đó, ngành nuôi trồng và chế biến tôm đang trên đà phát triển mạnh. Sản lượng tôm đã vượt 700.000 tấn vào năm 2018 và hơn 745.000 tấn vào năm 2022 (Tổng cục thủy sản, 2022). Trong đó tôm sú (Penaeus monodon) là loài tôm được nuôi phổ biến nhất ở nước ta với sản lượng trên 271.000 tấn; tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus  vannamei)  chiếm  474.000  tấn. Tôm sau khi thu hoạch thường được chế biến để xuất khẩu, tạo ra khoảng 200.000 tấn phụ phẩm (khối lượng ướt) mỗi năm. Việc chế biến tôm tạo ra một lượng lớn phụ phẩm như vỏ đầu tôm có thể trở thành một loại thức ăn bổ sung cho động vật nếu nó mang lại giá trị và giá cả hợp lý. Dịch thủy phân protein từ vỏ đầu tôm (SHPH) đã được đánh giá là một thành phần dinh dưỡng cho nhiều loài thủy sản.

Các thí nghiệm cũng đã được tiến hành với nhiều loài cá khác nhau. Saito và Regier (1971) đã báo cáo một trong về bổ sung SHPH vào thức ăn cho cá hồi Salvelinus fontinalis. Cá hồi S. fontinalis được cho ăn 20 hoặc 30% SHPH từ tôm Pandalus borealis có lượng carotenoid trong da cao gấp 2,7 lần so với cá hồi không được cho ăn SHPH. Nghiên cứu ảnh hưởng của SHPH đối với sự tăng trưởng và hiệu quả sử dụng thức ăn cho cá rô phi và cá bơn giống đã được thực hiện. Hai nghiên cứu này đề xuất tỷ lệ bổ sung SHPH từ 1,2% đến 6% cho cá rô phi và cá bơn giống. Santos và cộng sự (2013) nghiên  cứu  sâu  hơn  về  ảnh  hưởng  của SHPH đối với hoạt động của enzyme tiêu hóa, và việc bổ sung SHPH có thể cải thiện các thông số tăng trưởng của cá rô phi giống. Mục tiêu của nghiên cứu này là đánh giá ảnh hưởng của thức ăn bổ sung dịch thủy phân từ vỏ đầu tôm lên tăng trưởng, tỷ lệ sống, sinh hóa và các thông số huyết học của cá hồi vân Oncorhynchus mykiss giai đoạn giống. Nghiên cứu này có thể cung cấp thông tin quan trọng như: (1) tiềm năng sử dụng  một  lượng  lớn  phụ  phẩm  từ  ngành  chế biến tôm làm chất bổ sung protein trong thức ăn thủy sản và (2) giảm tác động môi trường từ ngành chế biến tôm. Tăng trưởng là một thông số quan trọng trong việc đánh giá động vật nuôi trồng thủy sản. Các thông số huyết học của cá rất  quan  trọng  để  đánh  giá  tình  trạng  sinh  lý cũng như chức năng miễn dịch. Việc lấy mẫu máu có thể được thực hiện tại hiện trường và các thông số huyết học cung cấp một cái nhìn về sức khỏe tổng quát, tình trạng dinh dưỡng, mức độ trưởng thành và tình trạng miễn dịch. Các thông số máu thường được sử dụng làm chỉ số thay đổi chế độ ăn uống và phơi nhiễm môi trường. Tuy nhiên, các thông số quan trọng của máu và những thay đổi liên quan đến việc cho ăn bổ sung SHPH ở loài cá này vẫn chưa được biết đến.

Dịch thủy phân protein từ vỏ đầu tôm (SHPH) có tiềm năng tốt để sử dụng như một chất bổ sung dinh dưỡng trong thức ăn của cá hồi vân ở mức 5%. SHPH được bổ sung vào thức ăn của cá không chỉ làm tăng tốc độ tăng trưởng mà còn cải thiện hàm lượng dinh dưỡng trong cơ thịt và cơ thể cá mà còn tăng khả năng miễn dịch của cá thể hiện ở số lượng bạch cầu tăng.

nnttien
Theo Tạp chí KH - CN Thủy sản Trường ĐH Nha Trang, Số 2/2023
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Nghiên cứu mới  
   
Sáng kiến mới  
 
 

CASTI TiVi




© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->