Nghiên cứu [ Đăng ngày (30/03/2024) ]
Ảnh hưởng của độ mặn lên kết quả ương cá khế vằn (Gnathanodon speciosus Forsskål, 1775) giai đoạn giống
Nghiên cứu do các tác giả Ngô Văn Mạnh, Hoàng Thị Thanh, Phạm Đức Hùng, Trần Văn Dũng - Viện Nuôi trồng Thủy sản, Trường Đại học Nha Trang thực hiện nhằm đánh giá ảnh hưởng của độ mặn lên tăng trưởng, tỷ lệ sống, hiệu quả sử dụng thức ăn và khả năng chịu sốc của cá khế vằn giai đoạn giống.

Ảnh minh họa: Internet

Trong nhiều năm trở lại đây, nghề nuôi cá biển ở nước ta đã có những bước phát triển mạnh  mẽ  đóng  góp  vào  sự  phát  triển chung của nghề nuôi trồng thủy sản. Nhiều đối tượng có giá trị kinh tế cao đã được sản xuất giống thành công như cá mú (Epinephelus spp.), cá chẽm (Lates calcarifer), cá bớp (Rachycentron canadum), cá hồng Mỹ (Sciaenops ocellatus), cá  chim  vây  vàng  (Trachinotus  blochii),... Điều này đã góp phần chủ động cung cấp con giống chất lượng cho nhu cầu nuôi, giảm áp lực khai thác lên nguồn lợi cá tự nhiên và phát triển bền vững nghề nuôi cá biển ở nước ta. Tuy nhiên, trong sản xuất giống cá biển, sự thay đổi các thông số môi trường nước có thể ảnh hưởng trực tiếp, gián tiếp đến trạng thái sinh lý cũng như các quá trình sinh hoá trong cơ thể cá. Do đó, việc nghiên cứu tối ưu hóa các yếu tố môi trường nuôi, bên cạnh các vấn đề về dinh dưỡng, là hết sức cần thiết nhằm cải thiện kết quả ương, nuôi.

Trong số các chỉ tiêu chất lượng nước cần quan tâm trong nuôi trồng thủy sản, độ mặn là một trong những yếu tố sinh thái có ảnh hưởng mạnh  đến  đối  tượng  nuôi.  Độ  mặn  cũng  là căn cứ để phân chia các nhóm đối tượng nuôi (nước ngọt, lợ và mặn) và quyết định sự phân bố của chúng. Độ mặn ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng điều hòa áp suất thẩm thấu của tôm, cá, qua đó, ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng thức ăn, sinh trưởng, tỷ lệ sống và tình trạng sức khỏe của chúng. Tuy nhiên, khả năng thích nghi với độ mặn của cá có sự khác biệt theo loài, giai đoạn phát triển, thành phần/tỷ lệ khoáng chất trong nước, môi trường tự nhiên mà chúng phân bố cũng như sự thuần hóa trong điều kiện nuôi. Cho đến nay, đã có một số nghiên cứu đánh giá ảnh hưởng của độ mặn lên kết quả ương, nuôi cá biển. Ở cá  nâu  (Scatophagus argus),  Lý  Văn  Khánh và ctv. (2010) nhận thấy độ mặn 5‰ giúp cá đạt các chỉ tiêu tăng trưởng và tỷ lệ sống cao hơn các độ mặn khác. Trên cá leo (Wallago attu), Lam Mỹ Lan và ctv. (2014) nhận thấy cá được nuôi ở độ mặn 0 – 3‰ đạt kết quả tốt hơn so với 9‰. Tuy nhiên, một số nghiên cứu lại không nhận thấy ảnh hưởng của độ mặn (5 - 30‰) lên sinh trưởng, tỷ lệ sống và một số chỉ tiêu khác của cá biển. Điều này cho thấy khả năng thích ứng với độ mặn có sự khác biệt giữa các loài và việc xác định ảnh hưởng của độ mặn lên một đối tượng nuôi, thậm chí một giai đoạn cụ thể là hết sức cần thiết nhằm tối ưu hiệu quả ương, nuôi.

Cá khế vằn (Gnathanodon speciosus) hay còn gọi là cá bè đưng, cá bè vàng, có tên tiếng Anh là golden trevally thuộc họ cá cá khế Carangidae. Loài cá này phân bố rộng khắp ở các vùng biển nhiệt đới và cận nhiệt đới thuộc Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Ở Việt Nam, cá khế vằn được nghiên cứu đặc điểm sinh học sinh sản và bước đầu thử nghiệm sản xuất giống thành công từ năm 2018. Cho đến nay, loài cá này đã được sản xuất giống và nuôi thương phẩm ở một số tỉnh ven biển nước ta. Nhờ giá trị kinh tế cao, thịt thơm ngon và khả năng thích ứng tốt với điều kiện nuôi, chúng được người nuôi và tiêu dùng rất ưa chuộng. Mặc dù vậy, kết quả sản xuất giống cá khế vằn, nhất là giai đoạn ương vẫn chưa ổn định, số lượng và chất lượng con giống tạo ra vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Nguyên nhân được cho là một số chỉ tiêu môi trường, kỹ thuật nuôi vẫn chưa được tối ưu hóa, trong đó có độ mặn. Nghiên cứu được thực hiện nhằm xác định độ mặn thích hợp cho ương cá khế vằn, qua đó, góp phần cải thiện kết quả ương loài cá này.

Kết quả nghiên cứu cho thấy độ mặn có ảnh hưởng đáng kể đến các chỉ tiêu tăng trưởng, hệ số phân đàn, sinh khối, hệ số thức ăn, tỷ lệ sống và khả năng chịu sốc nhiệt độ của của cá khế vằn giai đoạn giống. Nhìn chung, cá được ương ở độ mặn 25 - 33‰ đạt kết quả tốt hơn so với độ mặn 5‰. Tuy nhiên, cá được ương ở độ mặn thấp (5 - 15‰) có xu hướng chịu sốc nước ngọt tốt hơn so với các mức độ mặn cao (25 - 33‰). Độ mặn không ảnh hưởng đến tỷ lệ dị hình của cá.

nnttien
Theo Tạp chí KH - CN Thủy sản Trường ĐH Nha Trang, Số 2/2023
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Nghiên cứu mới  
   
Sáng kiến mới  
 
 

CASTI TiVi




© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->