Nghiên cứu [ Đăng ngày (30/03/2024) ]
Thử nghiệm nuôi kết hợp cá chim vây vàng (Trachinotus blochii Lacépède, 1801) và hải sâm cát (Holothuria scabra Jaeger, 1833) trong ao
Nghiên cứu thử nghiệm nuôi kết hợp cá chim vây vàng (Trachinotus blochii Lacépède, 1801) và hải sâm cát (Holothuria scabra Jaeger, 1833) được thực hiện trong ao với diện tích 500m2/ao tại Trung tâm Quốc gia Giống hải sản miền Trung, Huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa.

Ảnh minh họa: Internet

Cá  chim  vây  vàng Trachinotus  blochii(Lacépède, 1801) là loài có giá trị kinh tế cao và đã được nuôi thành công ở nhiều nước khu vực Châu Á – Thái Bình Dương như: Singapore, Ấn  Độ,  Trung  Quốc,  Indonesia,  Philippines, Đài Loan và Việt Nam. Sản lượng cá chim vây vàng nuôi trên toàn cầu giai đoạn 2012 – 2017 là  110.000  tấn/năm,  với  sản  lượng  chính  từ Trung Quốc, chủ yếu là nuôi lồng trên biển, nuôi ao có độ mặn thấp và nuôi trong ao với hệ thống tuần hoàn nước. Năm 2018, sản lượng từ nuôi loài cá này chỉ đạt 2.480 tấn, Malaysia, Singapore và Brunei là những quốc gia sản xuất nhiều nhất. Hiện nay, ngoài Trung Quốc, Việt Nam và Indonesia là 2 quốc gia có sản lượng cá chim vây vàng nuôi cao đáng kể nhất. Cá chim vây vàng có thể nuôi trong bể, ao và lồng trên biển. Ở Việt Nam, công nghệ sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá chim vây vàng đã được nghiên cứu hoàn thiện từ năm 2015. Từ đó đến nay, nghề nuôi thương phẩm loài cá này đã phát triển và được nuôi phổ biến ở các tỉnh ven biển trên cả nước, đặc biệt ở Ninh Thuận và Khánh Hòa, chủ yếu bằng hình thức nuôi lồng và nuôi trong ao. Trong những năm gần đây, cá chim vây vàng được nuôi phổ biến ở Việt Nam chủ yếu bằng hình thức nuôi lồng trên biển. Việc nuôi  loài  này  đòi  hỏi  phải  bổ  sung  thức  ăn giàu đạm đã gây ra sự ô nhiễm các vùng nuôi. Thức ăn công nghiệp sử dụng cho nuôi cá chim vây vàng hiện nay có hàm lượng protein khá cao, từ 43 – 55%, (theo số liệu công bố của công ty Uni-President, công ty Ocialis). Ngoài ra, thời gian nuôi cá chim vây vàng khá dài, thường từ 9 – 11 tháng, vì vậy, tiềm ẩn rủi ro bùng phát dịch bệnh, gây ảnh hưởng đến tỷ lệ sống, quá trình sinh trưởng, phát triển của cá. Theo kết quả khảo sát các hộ nuôi cá chim vây vàng ở Khánh Hòa và Ninh Thuận của Lý Văn Khánh và cộng sự (2020), bệnh trên cá chim vây vàng đã xuất hiện ở hầu hết các hộ nuôi được khảo sát (trên 94% số hộ nuôi được khảo sát). Để phát triển nghề nuôi cá chim vây vàng bền vững cần phải có các biện pháp xử lý chất thải vùng nuôi để cải thiện môi trường.  Chopin  và  cộng sự (2001), Slater và Carton (2007), Granada và cộng sự (2016) cho rằng chất thải từ hoạt động nuôi trồng thủy sản có thể được “xử lý” thông qua việc nuôi ghép với các loài ăn lọc hay các loài ăn mùn bã hữu cơ, chẳng hạn như rong biển, động vật thân mềm hai mảnh vỏ, hải sâm.

Hải  sâm  cát Holothuria  scabra  (Jaeger, 1833) là loài ăn mùn bã hữu cơ, là một trong những loài hải sâm nhiệt đới có giá trị cao và là đối tượng đã chịu áp lực khai thác rất lớn ở khắp khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Sách đỏ IUCN xem hải sâm cát là loài có nguy cơ tuyệt chủng. Năm 2011, sản lượng hải sâm cát khai thác ngoài tự nhiên trên toàn cầu là 3 tấn, nhưng sản lượng này giảm nhanh và chỉ đạt 1 tấn vào năm 2013. Từ đó đến nay, sản lượng khai thác loài hải sâm này hàng năm là không đáng kể. Hải sâm cát bắt đầu được nuôi ở một số quốc gia khu vực Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương từ năm 2004 với quy mô và hình thức khác nhau, bao gồm nuôi đăng biển, nuôi lồng, nuôi ao. Nuôi hải sâm cát quy mô thương mại ở Sri Lanka, New Caledonia và Việt Nam (2018) đạt sản lượng lần lượt là 196 tấn, 100 tấn và 50 tấn. Tuy nhiên, các hình thức nuôi hải sâm đang áp dụng đều không bổ sung thức ăn trực tiếp cho hải sâm và đã gặp một số vấn đề như hải sâm tăng trưởng chậm, thời gian nuôi kéo dài, tỷ lệ sống thấp. Nghiên cứu nuôi kết hợp nuôi hải sâm với cá, giáp xác, động vật thân mềm hai mảnh vỏ và rong biển đã đạt một số kết quả bước đầu, nhưng cũng còn một số hạn chế nhất định. Việc chọn lựa đối tượng phù hợp để nuôi kết hợp với hải sâm đang được quan tâm nghiên cứu.

Các nghiên cứu gần đây của Greg và cộng sự (2029, 2020, 2021) đã cung cấp các thông tin mới về khả năng nuôi kết hợp hải sâm với ốc hương và rong nho. Mô hình nuôi thủy sản kết hợp không chỉ có tiềm năng nâng cao năng suất và lợi nhuận cho các hộ nuôi trồng thủy sản quy mô vừa và nhỏ ở Việt Nam, mà còn là mô hình nuôi có khả năng thích ứng với những biến động của môi trường nuôi và thị trường tiêu thụ sản phẩm. Nghiên cứu này được thực hiện nhằm đánh giá khả năng nuôi kết hợp cá chim vây vàng và hải sâm cát trong ao để tăng sinh khối, cải thiện môi trường và giảm thiểu rủi ro do ô nhiễm môi trường ao nuôi.

Từ thực nghiệm cho thấy mô hình nuôi kết hợp cá chim vây vàng và hải sâm cát trong ao là khả thi. Cả cá chim vây vàng và hải sâm cát đều có tỷ lệ sống cao và tăng trưởng nhanh trong môi trường nuôi kết hợp. Sau  6  tháng  nuôi  kết  hợp  trong  ao  bằng thức ăn tổng hợp, với tỷ lệ cá chim vây vàng: hải sâm cát là 1: 1, cá chim vây vàng đạt khối lượng trung bình 272,2 ± 5,6 g/con, tỷ lệ sống 85,85 ± 4,47%; hải sâm cát: 301,9 ± 5,6 g/con, tỷ lệ sống 93,15 ± 5,02%. Tốc độ tăng trưởng đặc trưng về khối lượng của cá chim vây vàng và hải sâm cát lần lượt là: 2,60 ± 0,02 %/ngày và 2,23 ± 0,00 %/ngày. Trong quá trình nuôi không thấy xuất hiện bệnh ở cá chim vây vàng cũng như hải sâm cát.

nnttien
Theo Tạp chí KH - CN Thủy sản Trường ĐH Nha Trang, Số 2/2023
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Nghiên cứu mới  
   
Sáng kiến mới  
 
 

CASTI TiVi




© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->