Nghiên cứu [ Đăng ngày (30/03/2024) ]
Sử dụng artemia làm thức ăn bổ sung cho tôm thẻ chân trắng (Penaeus vannamei Boone, 1931) trong giai đoạn đầu của quy trình nuôi tôm nhiều giai đoạn
Mô hình nuôi nhiều giai đoạn đang được áp dụng phổ biến trong nuôi tôm thâm canh ở nước ta. Tuy nhiên, nhược điểm lớn của quy trình công nghệ này là sinh trưởng chậm và tỷ lệ sống thấp trong giai đoạn đầu. Nghiên cứu này nhằm đánh giá hiệu quả của việc bổ sung Artemia trong giai đoạn đầu của quy trình nuôi tôm nhiều giai đoạn.

Ảnh minh họa: Internet

Nghề nuôi tôm ở Việt Nam đã phát triển mạnh trong 10 năm trở lại đây, với sản lượng không ngừng gia tăng, từ 470 nghìn tấn vào năm 2012 lên 950 nghìn tấn vào năm 2021, và được ước tính sẽ đạt 1,2 triệu tấn vào năm 2025. Ngoài việc mở rộng diện tích nuôi, sự gia tăng sản lượng này chủ yếu là do sự thâm canh hóa ngày càng cao, đặc biệt là trong nuôi tôm  thẻ  chân  trắng.  Nhờ  áp  dụng  các  công nghệ, kỹ thuật và giải pháp nuôi tiên tiến như nuôi trong nhà kín, nuôi ao bạt, nuôi theo công nghệ biofl oc, nuôi tuần hoàn nước đã cho năng suất tôm nuôi đã tăng từ 5 - 8 tấn/ha/vụ lên tới 30 - 50 tấn/ha/vụ [9]. Mặc dù vậy, mức độ thâm canh hóa gia tăng cũng đi kèm với nhiều vấn đề nghiêm trọng như ô nhiễm môi trường và dịch bệnh ngày càng phức tạp. Theo Liên minh Nuôi tôm toàn cầu (GAA), dịch bệnh luôn đứng đầu trong các khó khăn, thách thức với nghề nuôi tôm thế giới, đặc biệt là hội chứng chết sớm ở giai đoạn đầu quá trình nuôi. Ngoài ra, tỷ lệ hao hụt lớn cũng thường xuyên xảy ra ở giai đoạn đầu của quá trình nuôi. Trong trại giống, tôm được cho ăn các loại thức ăn giàu dinh dưỡng, với protein trên 50%, bổ sung đầy đủ vitamin, khoáng chất và các loại động vật phù du (Artemia hay luân trùng) tạo ra sự tối ưu về dinh dưỡng. Tuy nhiên, khi vừa chuyển qua nuôi thương phẩm, tôm giống chỉ được cho ăn thức ăn công nghiệp, hàm lượng protein chỉ từ 35 - 40%, sự bổ sung các chất dinh dưỡng thiết yếu vào thức ăn giai đoạn này không hiệu quả do cỡ thức ăn quá nhỏ và tan trong nước dẫn đến sự thiếu hụt chất lượng dinh dưỡng. Thêm nữa, diện tích ao nuôi thương phẩm rất lớn, diện tích cho ăn nhỏ, lượng thức ăn ban đầu nhỏ (1 5- 20% khối lượng thân/ngày) ảnh hưởng đến sự bắt mồi của tôm dẫn đến thiếu hụt về lượng, nếu cho ăn tăng lượng thức ăn để tôm dễ dàng bắt mồi thì sẽ dẫn đến dư thức ăn trong ao ảnh hưởng đến chất lượng nước ao nuôi. Quá trình này dần tích lũy theo thời gian và là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự bùng phát vi khuẩn bất lợi ảnh hưởng đến sức khỏe tôm. Để khắc phục vấn đề này, một số công nghệ nuôi tôm như: Aquamimicry/ Biomimicry,  Copefl oc/Biofl oc,  được nghiên cứu, ứng dụng dựa trên nền tảng là bổ sung thức  ăn  tự  nhiên  (Copepoda,  Artemia,  luân trùng) để bổ sung dinh dưỡng cho tôm, đặc biệt là mô hình nuôi tôm nhiều giai đoạn được ứng dụng phổ biến nhất vì giúp người nuôi dễ dàng quản lý môi trường nước và thức ăn, theo dõi chặt chẽ quá trình phát triển của tôm ở giai đoạn đầu. Tuy nhiên, nuôi nhiều giai đoạn chỉ giúp kiểm soát tốt thức ăn về lượng nhưng sự thiếu hụt dinh dưỡng về chất ở giai đoạn đầu vẫn còn là hạn chế của mô hình này, hiện nay những thông tin về việc bổ sung thức ăn từ các nguồn dinh dưỡng khác nhau cũng như liều lượng sử dụng chính xác cho từng giai đoạn ương nuôi, đảm bảo đủ dinh dưỡng, không gây ô nhiễm môi trường và tiết kiệm chi phí sản xuất còn hạn chế.

Thức ăn tự nhiên là nguồn dinh dưỡng tốt nhất, đáp ứng đầy đủ nhu cầu dinh dưỡng cho các giai đoạn phát triển khác nhau của tôm. Artemia đã và đang được sử dụng phổ biến và khó có nguồn thức ăn nào có thể thay thế được trong ương nuôi nhiều đối tượng thủy sản như tôm, cá... nhờ giàu dinh dưỡng, sẵn có và tiện lợi trong quá trình sử dụng và bảo quản. Cho đến nay, đã có một số nghiên cứu sử dụng Artemia làm thức ăn bổ sung cho các đối tượng nuôi như cá kèo Pseudapocryptes elongates, tôm sú Penaeus monodon và  cua biển Scylla paramamosian, tôm thẻ chân trắng. Hầu hết các nghiên cứu này đều ghi nhận kết quả tích cực về tốc độ tăng trưởng và tỷ lệ sống tỷ lệ thuận với lượng Artemia bổ sung so với đối chứng. Tuy nhiên, do sự khác biệt về đối tượng nuôi, giai đoạn phát triển, mô hình/công nghệ nuôi, việc nghiên cứu xác định lượng Artemia bổ sung vào quy trình nuôi một đối tượng cụ thể là hết sức cần thiết để tối ưu hóa về hiệu quả kinh tế, kỹ thuật và môi trường. Xuất phát từ yêu cầu cấp thiết của thực tiễn sản xuất, việc nghiên cứu bổ sung thức ăn tự nhiên là Artemia vào giai đoạn đầu của quá trình nuôi thương phẩm sẽ giúp người nuôi có thêm giải pháp đảm bảo dinh dưỡng cho tôm tăng sưc khỏe tôm, giảm tác động xấu đến chất lượng nước nuôi do thức ăn thừa gây ra.

Việc bổ sung Artemia vào chế độ cho ăn giai đoạn đầu đã cải thiện rõ rệt sinh trưởng, tỷ lệ sống và hệ số phân đàn của tôm thẻ chân trắng. Trong đó, chế độ bổ sung 2 và 3 lần/ngày đạt kết quả tương tự nhau và tốt hơn so với mức bổ sung 1 lần/ngày và đối chứng (P < 0,05). Từ nghiên cứu này có thể kết luận mức độ bổ sung 2 lần/ngày, tương đơng 60 Artemia/tôm/ngày được khuyến cáo nhằm cải thiện kết quả nuôi tôm thẻ chân trắng giai đoạn đầu, cả về mặt hiệu quả kỹ thuật và kinh tế. Nghiên cứu mới chỉ dừng lại ở 3 mức bổ sung và các chỉ tiêu đánh giá còn đơn giản (sinh trưởng, tỷ lệ sống, hệ số phân đàn và FCR). Do đó, các nghiên cứu tiếp theo nên tăng mức bổ sung và đánh giá các chỉ tiêu sâu hơn như thành phần sinh hóa, hệ enzyme tiêu hóa và hệ vi sinh vật đường ruột của tôm.

nnttien
Theo Tạp chí KH - CN Thủy sản Trường ĐH Nha Trang, Số 2/2023
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Nghiên cứu mới  
   
Sáng kiến mới  
 
 

CASTI TiVi




© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->