Ảnh minh họa: Internet
Dinh dưỡng đóng vai trò then chốt trong việc ương nuôi thành công ấu trùng cá biển, đặc biệt là giai đoạn bắt đầu cho ăn. Giai đoạn quan trọng này tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi từ dinh dưỡng nội sinh sang dinh dưỡng ngoại sinh, và hỗ trợ sự hoàn thiện chức năng của nhiều cơ quan trong cơ thể ấu trùng. Việc cung cấp thức ăn không đầy đủ, cả về thành phần và chất lượng dinh dưỡng, có thể làm giảm sinh trưởng, tỷ lệ sống, kéo dài thời gian biến thái và tăng tỷ lệ dị hình của ấu trùng. Luân trùng và Artemia được sử dụng rộng rãi trong ương nuôi ấu trùng cá biển bởi kích thước phù hợp và có thể nuôi thu ở mật độ cao. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu đã tiết lộ rằng cả hai loại thức ăn sống này đều thiếu hụt các chất dinh dưỡng thiết yếu, đặc biệt là các axit béo có mức chưa no cao (HUFA) và các vitamin. Vì cá biển không thể tự tổng hợp các chất dinh dưỡng này nên việc bổ sung dựa vào tập tính ăn lọc thụ động của thức ăn sống (luân trùng hay Artemia) trở nên rất quan trọng. Các phương pháp làm giàu bằng cách sử dụng vi tảo hay các sản phẩm làm giàu thương mại (Selco hay Algamac) đã được sử dụng phổ biến vì tính tiện lợi và hiệu quả trong việc bổ sung dưỡng chất thiết yếu, ví dụ HUFA (DHA, EPA, ARA) hay vitamin cho ấu trùng. Axít docosahexaenoic (DHA; 22:6n-3), một axit béo không no thuộc họ n-3 HUFA, đã được chứng minh là có hiệu quả trong việc cải thiện kết quả ương ấu trùng ở nhiều loài cá biển. Các tác dụng chính có thể kể đến như hỗ trợ sự phát triển của hệ thần kinh, thị giác, nâng cao sức đề kháng, khả năng chống sốc, giảm tỷ lệ dị hình xương, cơ và bóng hơi cuối cùng là cải thiện sinh trưởng, tỷ lệ sống và sự biến thái của ấu trùng. Nhu cầu axít béo thiết yếu đối với ấu trùng cá biển có sự khác biệt theo loài, giai đoạn phát triển, và thường dao động từ 0,05 – 37,8% tổng axít béo. Mặc dù vậy, cho đến nay, các nghiên cứu về việc bổ sung các axít béo không no họ n-3 HUFA, bao gồm DHA, ở ấu trùng cá hề maroon vẫn còn rất hạn chế.
Cá hề maroon hay còn gọi là cá hề màu hạt dẻ (Premnas biaculeatus), một loài cá cảnh biển thuộc họ Pomacentridae, phân bố ở Thái Bình Dương từ Bắc Malaysia đến vùng Queensland, Australia. Nổi bật với màu sắc rực rỡ và mối quan hệ cộng sinh với hải quỳ, cá hề maroon rất được ưa chuộng trong nuôi thủy sinh vật cảnh biển. Mặc dù các nỗ lực nhân giống đã được báo cáo ở một số quốc gia như Ấn Độ, Hàn Quốc hay Đài Loan nhưng kết quả vẫn chưa thật sự thành công và ổn định. Tại Việt Nam, cá hề maroon không phân bố tự nhiên mà được nhập từ các nước như Ấn Độ, Australia hay Indonesia để đáp ứng nhu cầu. Tuy nhiên, nguồn cung cấp cá hề maroon thường bị động, đắt đỏ và chất lượng không ổn định. Vì vậy, việc chủ động nghiên cứu sản xuất giống nhân tạo loài cá này là rất cần thiết. Do là đối tượng nuôi mới, sự thiếu hụt thông tin liên quan đến nhu cầu dinh dưỡng, nhất là giai đoạn đầu của ấu trùng, là trở ngại lớn trong nỗ lực nâng cao tỷ lệ sống cũng như xây dựng thành công quy trình sản xuất giống loài cá này ở nước ta. Thành tựu trong sản xuất giống cá biển và một số loài thuộc giống cá khoang cổ (Amphiprion) nhiều năm qua đã chứng minh rằng việc làm giàu thức ăn sống, nhất là các axít béo không no họ n-3 HUFA, là chìa khóa quan trọng nhằm nâng cao tỷ lệ sống và chất lượng ấu trùng. Mặc dù vậy, các nghiên cứu về vấn đề này ở cá hề maroon, như đã đề cập ở trên, vẫn chưa được thực hiện. Việc áp dụng chế độ làm giàu thức ăn sống ở loài cá này cho loài khác có thể tiết kiệm được chi phí và thời gian nghiên cứu nhưng có thể không phù hợp do sự khác biệt về loài và tập tính dinh dưỡng bên cạnh các điều kiện ương nuôi khác. Do đó, việc xác định nhu cầu về DHA Selco trong ương ấu trùng cá hề maroon có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao kết quả ương, qua đó, góp phần xây dựng thành công quy trình sản xuất giống nhân tạo loài cá cảnh biển được ưa chuộng này ở nước ta. |