Ảnh minh họa: Internet
Tại Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM), cá cảnh là đối tượng nuôi chủ lực phù hợp với chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, xây dựng và phát triển nông nghiệp đô thị của Thành phố. Trong các nhóm cá cảnh xuất khẩu, nhóm cá cảnh tự nhiên bản địa ngày càng có giá trị và được quan tâm trên thị trường trong và ngoài nước, nhưng hiện nay sản lượng khai thác ngoài tự nhiên ngày càng ít không đủ đáp ứng cho thị trường cá cảnh. Bên cạnh đó nguồn cá cảnh tự nhiên chủ yếu là khai thác nên nguy cơ suy giảm và cạn kiệt dần, một số khác có nguy cơ tuyệt chủng nguồn lợi này. Xác định cá cảnh tiếp tục là đối tượng phù hợp với nền nông nghiệp đô thị và là nguồn thu nhập đáng kể của người dân, với mục tiêu TP.HCM sẽ là nguồn cung cấp cá cảnh chính của khu vực Đông Nam Á và cho thị trường cá cảnh thế giới.Trong chiến lược phát triển cá cảnh, Thành phố cũng yêu cầu tiếp tục nghiên cứu sinh sản nhân tạo, chọn lọc, thuần chủng một số loài cá tự nhiên bản địa dùng làm cảnh được thị trường ưa chuộng, ưu tiên nghiên cứu về bảo tồn giống cá cảnh bản địa quý hiếm. Để đạt mục tiêu trên thì chúng ta cần phải tiếp tục nghiên cứu, thuần dưỡng thăm dò sinh sản nhân tạo một số giống cá cảnh tự nhiên bản địa bên cạnh đó ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong lai tạo, khảo nghiệm, nhập nội và nhân giống một số đối tượng cá cảnh có giá trị xuất khẩu cao về số lượng cũng như chất lượng để phục vụ cho nhu cầu xuất khẩu.
Tỳ bà bướm (Sewellia) là giống cá nước ngọt bản địa của Việt Nam. Loài cá này phân bố ở các sông suối nước ngọt, nơi có dòng chảy mạnh của các tỉnh miền Trung Việt Nam như Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế. Đây là một trong những đối tượng cá cảnh tự nhiên được khai thác rất nhiều để phục vụ cho xuất khẩu. Tuy nhiên đây là loài cá chưa có nghiên cứu sinh sản nhân tạo được công bố nên sản lượng cá cung cấp cho thị trường phụ thuộc chính là nguồn cá khai thác ngoài tự nhiên. Hiện nay, tại các cơ sở sản xuất và kinh doanh cá cảnh gặp vấn đề khó khăn trong công tác nuôi dưỡng cá tỳ bà bướm beo do tỉ lệ sống của cá còn thấp sau khi vận chuyển về TP.HCM. Nhưng để đáp ứng đủ cho nhu cầu xuất khẩu cá tỳ bà bướm beo người dân đã khai thác cá ngày càng nhiều dẫn đến sản lượng cá ngoài tự nhiên ít dần. Nhằm khắc phục những khó khăn về tỷ lệ sống và thăm dò sinh sản nhân tạo cá trong điều kiện nhân tạo chúng tôi đã thực hiện nghiên cứu này. Nghiên cứu này được thực hiện nhằm mục đích thuần dưỡng cá thích hợp trong điều kiện nuôi làm tiền đề cho nghiên cứu sinh sản nhân tạo cá tỳ bà bướm beo để bảo tồn loài cá này tại TP.HCM.
Kết quả thuần dưỡng cá tỳ bà buớm beo ghi nhận: Cá hoàn toàn thích nghi trong môi trường nhân tạo với điều kiện nhiệt độ nước từ 22 – 24oC cá có tỷ lệ sống cao nhất, pH nước 6,0 – 7,0, cá sử dụng thức ăn rêu tảo bám trên đá, bể trồng cây thủy sinh hoặc bố trí các gốc lũa. Tỉ lệ sống cá sau thuần dưỡng từ 75 – 87%. Cá có màu sắc đẹp, các hoa văn rõ nét giống màu sắc cá ngoài tự nhiên. |