Nghiên cứu [ Đăng ngày (30/03/2024) ]
Hiện trạng khai thác con giống cá bông lau (Pangasius krempfi Fang & Chaux, 1949) ở vùng cửa sông tỉnh Bến Tre
Nghiên cứu này được thực hiện nhằm đánh giá hiện trạng khai thác cá bông lau giống ở vùng cửa sông tỉnh Bến Tre.

Ảnh minh họa: Internet

Cá  bông  lau  (Pangasius   krempfi   Fang  & Chaux,  1949)  thuộc  họ  cá  tra  (Pangasiidae) là  loài  có  giá  trị  kinh  tế  ở  lưu  vực  sông Mekong. Cá bông lau là loài di cư ngược dòng (Anadromous) để sinh sản, phần lớn vòng đời sống ở vùng biển ven bờ và ở vùng nước lợ của đồng bằng sông Cửu Long trước khi quay trở lại đẻ trứng ở vùng nước ngọt, đây là đặc tính chỉ có duy nhất ở loài này trong họ cá tra. Ở đồng bằng sông Cửu Long cá bông lau là đối tượng khai thác quan trọng của ngư dân đánh cá ở các vực nước sâu trên sông (cù lao Tân Lộc-Thốt Nốt, kinh Vàm Nao) và ở vùng ven biển (Bình Đại, Ba Tri, Định An, Trần Đề). Hiện nay, cá bông lau được sản xuất giống thành công trong điều kiện nuôi nhốt và là đối tượng có tiềm năng phát triển nuôi trồng thủy sản nước lợ, tuy nhiên số lượng con giống sản xuất cung cấp ra thị trường vẫn còn hạn chế. Ở tỉnh Bến Tre với lợi thế là nằm trên vùng hạ lưu sông Tiền (cửa Cổ Chiên, cửa Đại và cửa Hàm Luông) có nguồn lợi cá bông lau tương đối phong phú, hoạt động khai thác cá bông lau giống diễn ra từ tháng 9 đến tháng 12 dương lịch (tháng 8 đến tháng 11 âm lịch) hàng năm đã cung cấp con giống cho nghề nuôi cá ở địa phương. Nghề khai thác cá bông lau giống chủ yếu là nghề te xiệp và đóng đáy sông với khu vực khai thác tập trung ở vùng cửa sông ven biển. Mặc dù là loài được quan tâm khai thác và nuôi thương phẩm nhưng rất ít thông tin về hiện trạng khai thác cá bông lau giống ở vùng cửa sông được công bố, đặc biệt là vùng cửa sông tỉnh Bến Tre. Vì vậy, nghiên cứu này  được thực hiện nhằm đánh giá hiện trạng khai thác cá bông lau giống ở vùng cửa sông tỉnh Bến Tre, cung cấp thông tin cho việc quản lý và bảo vệ nguồn lợi cá giống ngoài tự nhiên và nghiên cứu liên quan đến cá bông lau.

Nghề khai thác cá bông lau giống của tỉnh Bến Tre chủ yếu là nghề lưới đáy và nghề lưới te với mùa vụ khai thác diễn ra từ tháng 9 đến tháng 12 hàng năm ở vùng cửa sông ven biển. Số ngày khai thác trong tháng  của nghề đáy trung bình 17,2 ngày/tháng và nghề lưới te 18,6 ngày/tháng. Số lượng cá bông lau giống khai thác ở mỗi tàu lưới đáy và lưới te lần lượt là 461 con/ngày/ tàu và 421 con/ngày/tàu, tương ứng với lượng cá giống ước tính mỗi năm cho mỗi tàu là 29,2 ngàn con/năm (lưới đáy) và 31,5 ngàn con/năm (lưới te) với kích cỡ con giống dao động 2-6 cm, nhiều nhất trong khoảng 3-4 cm.Chi phí mỗi ngày khai thác của nghề lưới đáy khoảng 1,66 triệu đồng và lợi nhuận bình quân 1,51 triệu đồng với tỷ suất lợi nhuận đạt 91,0%. Tổng chi phí khai thác và doanh thu trung bình một ngày khai thác của nghề lưới te cao hơn (3,05 triệu đồng/ngày và 4,35 triệu đồng/ngày) nhưng tỷ suất lợi nhuận (42,6%) thấp hơn so với nghề lưới đáy (91,0%).Đa số ngư dân cho rằng số lượng con giống khai thác được đều giảm so với trước đây  do thời tiết thay đổi, hoạt động khai thác quá mức, ô nhiễm môi trường và sự thay đổi dòng chảy.

nnttien
Theo Tạp chí KH - CN Thủy sản Trường ĐH Nha Trang, Số 3/2023
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Nghiên cứu mới  
   
Sáng kiến mới  
 
 

CASTI TiVi




© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->