Ảnh minh họa: Internet
Theo Primavera (2006), khu vực ven bờ (coastal zone) đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với đời sống con người với hàng loạt “hàng hóa” (goods) và “dịch vụ” (services) được cung ứng từ đây như là thực phẩm, dược phẩm, chuyển hóa thành phần dinh dưỡng, kiểm soát lũ lụt, nuôi trồng thủy sản ....
Akber và cộng sự (2020) nhận định rằng ở khu vực Đông Nam Á, nuôi trồng thủy sản vùng ven bờ, bao gồm cả hoạt động nuôi ao đìa, là một hoạt động sinh kế truyền thống đặc trưng bởi quy mô nhỏ. Theo thời gian, sự mở rộng và gia tăng mức độ thâm canh hoạt động nuôi trồng thủy sản vùng ven bờ đã dẫn đến nhiều vấn đề cần được xem xét.
Với tính chất là một trong những ngành sản xuất thực phẩm tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới đã làm cho nuôi trồng thủy sản trở thành đối tượng mong muốn để đánh giá tính bền vững. Cho đến nay đã có nhiều công bố về vấn đề này theo nhiều cách tiếp cận khác nhau,... Theo các công bố, việc đánh giá tính bền vững của nuôi trồng thủy sản có thể cụ thể hóa cho từng đối tượng, môi trường nuôi, hệ thống nuôi ... Tuy nhiên, phát triển bền vững và tính bền vững là những vấn đề phức tạp và rất khó định nghĩa cũng như áp dụng đối với nuôi trồng thủy sản. Thực tế cho thấy, do các mối quan hệ đan xen chặt chẽ giữa các khía cạnh khác nhau, đôi khi khó thiết lập ranh giới rõ ràng giữa những vấn đề quan tâm mà chúng có thể chồng chéo lên nhau đến một mức nào đó trong đánh giá tính bền vững đối với hoạt động nuôi trồng thủy sản. Bên cạnh đó, Frankic và Hershner (2003) đã chỉ ra rằng khái niệm nuôi trồng thủy sản bền vững phải kết hợp các khía cạnh không gian và thời gian của các tham số môi trường, kinh tế, và xã hội. Thêm vào đó, FAO (2013) khuyến nghị đánh giá tính bền vững của nuôi trồng thủy sản cần được xem xét theo 4 khía cạnh: kinh tế, xã hội, môi trường và quản trị (governance).
Là những địa phương nằm ven đầm Nha Phu, nuôi thủy sản ao đìa từ lâu đã trở thành hoạt động quan trong đối với một bộ phận dân cư thuộc các xã/phường Ninh Ích, Ninh Lộc và Ninh Hà. Điều này đưa đến yêu cầu đánh giá tính bền vững của nghề nuôi ao đìa của các địa phương nêu trên nhằm định hướng phát triển hoạt động và bảo đảm sinh kế cho các hộ tham gia.
Chỉ số PASI đối với hoạt động nuôi thủy sản ao đìa của các xã/phường Ninh Ích, Ninh Lộc, Ninh Hà và toàn khu vực nghiên cứu thấp, lần lượt bằng 33,88; 25,61; 24,45 và 26,92; thấp hơn so với trung bình giá trị trị này theo lý thuyết với các giá trị tương ứng 45,02; 36,41; 36,38 và 44,15 cho thấy hoạt động này kém bền vững. Ngoại trừ trường hợp xã Ninh Ích theo các khía cạnh môi trường và xã hội, và xã Ninh Lộc về mặt xã hội; tất cả các trường hợp còn lại đều cho thấy hoạt động nuôi trồng thủy sản ao đìa cần giải quyết các vấn đề đặt ra về kinh tế, môi trường, xã hội và quản trị nhằm tăng tính bền vững của hoạt động này. |