Nghiên cứu [ Đăng ngày (30/03/2024) ]
Tối ưu hóa kỹ thuật ương hải sâm vú Holothuria nobilis (selenka, 1867) giai đoạn ấu trùng xuống bám đáy
Nghiên cứu do nhóm tác giả Nguyễn Văn Hùng, Kiều Tiến Trung, Lê Trung Hậu - Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thuỷ sản III thực hiện. Nghiên cứu sản xuất giống nhân tạo hải sâm vú Holothuria nobilis, giai đoạn ấu trùng Auricularia sống trôi nổi bắt đầu biến thái sang ấu trùng Doliolaria sống bám đáy đến Pentactula, là một trong những điểm có tỷ lệ chết cao nhất.

Ảnh minh họa: Internet

Hải  sâm  vú Holothuria  nobilis  (Selenka, 1867) thuộc nhóm động vật da gai và là một trong những loài hải sâm quý hiếm có giá trị nhất. Nguồn lợi của loài này trong tự nhiên đã bị cạn kiệt do đánh bắt phục vụ làm thức ăn, dược liệu và xuất khẩu sang các nước khác. Trước  những  mối  nguy  cơ  làm  cho  các  đối tượng hải sâm quý có nguy cơ tuyệt chủng các nghiên cứu thúc đẩy quá trình phục hồi nguồn lợi đang được tập trung cao, đặc biệt là nghiên cứu sản xuất giống nhân tạo nhằm khép kín vòng đời, chủ động tạo ra con giống phục hồi tái tạo nguồn lợi. Theo đó, một số công trình trong nước và ngoài nước đã tập trung nghiên cứu sinh sản nhân tạo, tuy nhiên vấn đề khó khăn gặp phải đối với hải sâm vú là giai đoạn ấu trùng chuyển giai đoạn từ ấu trùng trôi nổi sang ấu trùng sống bám đáy. Tỷ lệ chết giai đoạn này rất cao có thể là do chưa tối ưu được kỹ thuật ương bao gồm các loại thức ăn để đáp ứng nhu dinh dưỡng, cũng như mật độ cũng như các giá thể phù hợp để tạo được môi trường phù hợp cho ấu trùng hải sâm vú. Ở một số loài hải sâm khác như hải sâm cát Holothuria scabra Battaglene và cs, (1999) đã sử dụng bột rong Sargassum sp để bổ sung vào giá thể cho ấu trùng, hoặc một số khác sử dụng tảo đáy đơn bào Navicular để bổ sung hoặc sử dụng huyền dịch từ tảo khô Spirulina quét trên bề mặt giá thể tạo thức ăn cho ấu trùng xuống đáy có thể cải thiện tỷ lệ sống ấu trùng giai đoạn này. Tuy nhiên, đối với hải sâm vú giai đoạn này ấu trùng rất nhạy cảm với các loại thức ăn khác nhau và giá bám. Trong nghiên cứu này, các thí nghiệm về thức ăn, thí nghiệm mật độ ương và thí nghiệm giá thể bám được thực hiện nhằm tối ưu hoá kỹ thuật ương hải sâm vú giai đoạn ấu trùng xuống đáy bám.

Từ  các  kết  quả  thí  nghiệm  chứng  minh rằng điều kiện để nâng cao tỷ lệ sống đối với ấu trùng hải sâm vú giai đoạn Auricularia biến thái  phát  triển  thành  ấu  trùng  Doliolaria  và Pentactula xuống bám đáy: Sử dụng tổ hợp thức ăn phù hợp gồm tảo đáy kết hợp với tảo khô Spirulina đạt tỷ lệ sống ương từ ấu trùng Doliolaria đến giai đoạn ấu trùng xuống đáy bám hoàn toàn Pentactula đạt 15-16% tương ứng với chiều dài 1138,4 μm; đồng thời ương ấu trùng hải sâm vú ở giai đoạn này ở mật độ 1 và 5 con/cm2 đạt tỷ lệ sống cao nhất lần lượt là 18,7 % và 16,1%;  Giá bám thích hợp là các tấm tôn nhựa đã có sẵn tảo đáy  đơn  bào  bám  hoặc  quét  huyền  dịch  tảo Spirulina.


nnttien
Theo Tạp chí KH - CN Thủy sản Trường ĐH Nha Trang, Số 3/2023
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Nghiên cứu mới  
   
Sáng kiến mới  
 
 

CASTI TiVi




© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->