Cây cách (Premna serratifolia L.) là một loại cây được trồng rất phổ biến ở nước ta nói riêng và trên thế giới nói chung. Theo kinh nghiệm dân gian, lá vọng cách được dùng để chữa lỵ, tiểu tiện khó, tiêu hoá kém. Lá vọng cách còn được dùng chữa phạm phòng, phát sốt, viêm gan. Rễ vọng cách chữa đau bụng, ăn không tiêu. Trong y học dân gian Đông Nam Á, vọng cách được dùng là thuốc lợi tiểu, trị phù, bổ dạ dày, trị tiêu chảy, viêm phế quản, thấp khớp, nhức đầu. Toàn thân cây cách có mùi thơm dễ chịu, lá cũng có mùi thơm hơi hắc, rễ có vị hăng đắng, mùi thơm.
|
1. Đối tượng nghiên cứu
Rễ và lá cây cách được thu hái ở Sa Đéc – Đồng Tháp, mẫu nguyên liệu rửa sạch và được bảo quản lạnh ở nhiệt độ 5oC, dùng trong suốt quá trình thí nghiệm.
2. Phương pháp nghiên cứu
2.1. Chưng cất tinh dầu bằng bộ dụng cụ định lượng tinh dầu theo Dược điển Việt Nam V
Lá và rễ cây cách được xử lý sơ bộ, xay nhuyễn, cân và cho vào bình cầu 2 lít, 1 mL dung môi được thêm vào ống thu tinh dầu, thực hiện cất kéo hơi nước sử dụng hệ thống định lượng tinh dầu trong dược liệu theo Dược điển Việt Nam V. Tinh dầu và hơi nước sau khi qua hệ thống ngưng tụ được thu ở lớp trên của bộ hứng tinh dầu. Hàm lượng tinh dầu thu được H (%) được tính theo thể tích tinh dầu (mL) trong 100 g nguyên liệu đã loại ẩm theo công thức (1), tinh dầu được làm khan nước bằng Na2SO4 và bảo quản trong lọ màu nâu ở nhiệt độ 5℃, dùng để xác định thành phần hoá học (GC/MS) và hoạt tính kháng khuẩn.
Các yếu tố khảo sát bao gồm: nồng độ, thể tích dung dịch NaCl, thời gian chưng cất. Các yếu tố được khảo sát bằng phương pháp đơn yếu tố, các thí nghiệm được lặp lại 3 lần, hàm lượng tinh dầu trung bình giữa các thí nghiệm được so sánh với nhau thông qua phần mềm SPSS và Minitab với khoảng tin cậy 95%.
2.2. Phân tích thành phần hóa học trong tinh dầu bằng phương pháp GC/MS
Tinh dầu thu được trong nghiên cứu sẽ được pha loãng trong xylen, tỉ lệ chia dòng là (15:1), cột HP-5MS (30m×0,250mm×0,25μm) với pha tĩnh là 5%-Phenyl-methylpolysiloxane; thông số MS: chế độ phân tích EI+, nhiệt độ transferline-280°C, nhiệt độ source-230°C; năng lượng ion hóa-70 eV; chế độ quét phổ-(40-500) m/z (Fagbemi & cs., 2021). Tinh dầu được phân tích trên thiết bị GC 6890N-MS 5973 hãng Agilent tại Công ty TNHH DV KHCN Khuê Nam và Trung tâm Nghiên cứu Thử nghiệm Hóa dược.
2.3. Phương pháp xử lý số liệu
Kết quả thí nghiệm được xử lý bằng phầm mềm thống kê SPSS 16.0, thực hiện phân tích ANOVA để đánh giá sự khác nhau của các giá trị với mức ý nghĩa p < 0,05 bằng Minitab 16.
3. Kết luận
Kết quả thực nghiệm và phân tích phương sai đơn yếu tố khi sử dụng phân tích ANOVA trên phần mềm Minitab cho thấy các yếu tố khảo sát như nồng độ NaCl, thể tích dung dịch NaCl, thời gian trích ly đều ảnh hưởng đến lượng tinh dầu thu được. Hàm lượng tinh dầu trong lá và rễ cách lần lượt là 0,298±0,016 (%) và 0,310±0,019 (%). Bên cạnh đó, theo kết quả phân tích GC/MS, thành phần chính trong tinh dầu lá cách là 1-octene-3-ol (19,01%); phytol (23,46%), linalool (16,59%); trong khi đó, thành phần chính trong tinh dầu rễ cách chủ yếu thuộc nhóm sesquiterpene (humulenol-II, α-selinene, ageratriol) và sesquiterpenoid (caryophyllene oxide, spathulenol). Tinh dầu lá và rễ cách lần lượt kháng mạnh đến vừa đối với vi khuẩn Staphylococcus aureus; và đều có khả năng kháng nấm Candida albicans ở mức độ vừa, kháng yếu đối với Escherichia coli. Kết quả nghiên cứu là tiền đề định hướng ứng dụng tinh dầu lá và rễ cách trong các sản phẩm chăm sóc da, do khả năng kháng các loại vi khuẩn và nấm gây hại cho da.
|