Nghiên cứu [ Đăng ngày (30/03/2024) ]
Ảnh hưởng của mật độ tảo cộng sinh Symbiodinium microadriaticum và độ mặn đến tăng trưởng và tỷ lệ sống của ấu trùng trai tai tượng vảy (Tridacna squamosa Lamarck, 1819)
Mục tiêu của nghiên cứu là nhằm đánh giá ảnh hưởng của mật độ tảo cộng sinh Symbi odinium microadriaticum và độ mặn đến ấu trùng trai tai tượng vảy Tridacna squamosa trong điều kiện nhân tạo.

Ảnh minh họa: Internet

Trai  tai  tượng  vảy  (Tridacna  squamosa Lamarck,  1819)  là  loài  động  vật  thân  mềm hai mảnh vỏ có giá trị kinh tế và xuất khẩu cao. Thịt trai tai tượng vảy là nguồn thức ăn bổ dưỡng (Neo và cộng sự, 2015). Ngoài ra, vỏ trai tai tượng vảy có lớp canxi bóng loáng, kích thước lớn, hình dạng vỏ có nhiều gợn sóng nên được gia công làm đồ trang trí như gạt tàn thuốc, chậu cây cảnh (Heslinga, 1996). Màng áo trai tai tượng vảy có màu sắc sặc sỡ do nhiều tế bào tảo cộng sinh nên trai được phục vụ cho nhu cầu nuôi cảnh, trang trí. Do đó, chúng bị khai thác rộng rãi trên thế giới nhằm phục vụ nhu cầu ngày càng cao của con người. Hơn nữa, trai tai tượng vảy còn là mắc xích quan trọng và chỉ thị “sức khỏe” của hệ sinh thái rạn san hô (Đỗ Công Thung và Sarti, 2004), việc khai thác trai tai tượng vảy bừa bãi đã ảnh hưởng không nhỏ đến hệ sinh thái rạn san hô, hệ sinh thái quan trọng đối với thiên nhiên biển và con người.

Dân số ven biển ngày càng tăng, ô nhiễm và khai thác gia tăng đã dẫn đến sự suy giảm và trong một số trường hợp là tuyệt chủng loài trai tai tượng (Lee và Wong, 2023). Với mục đích khôi phục các rạn san hô và nuôi trai tai tượng như một nguồn thực phẩm, phục vụ nuôi cảnh, đồng thời giảm áp lực khai thác tự nhiên, việc nuôi loài này đã được nghiên cứu và phát triển trên khắp thế giới (Lucas, 1996).

Tại Việt Nam, nguồn lợi trai tai tượng đang suy giảm nhanh chóng, trong đó một số loài bị đe dọa tuyệt chủng do khai thác quá mức nên đã được đưa vào danh sách loài cần bảo vệ như loài T. gigas (IUCN, 2023). Trước tình hình đó, những giải pháp thiết thực nhằm khôi phục  và  phát  triển  nguồn  lợi  trai  tai  tượng quý hiếm này được đặt lên hàng đầu. Song song với việc đề xuất các chính sách khai thác hợp lý, việc nghiên cứu đặc điểm sinh học, sinh sản, sản xuất giống nhân tạo để phục hồi nguồn lợi trai tai tượng là cần thiết. Tuy vậy, cho đến thời điểm hiện tại, các nghiên cứu trên trai tai tượng mới chỉ tập trung vào đa dạng thành phần loài, nguồn lợi, thăm dò sản xuất giống, thu hồi giống từ tự nhiên nên chưa có quy trình kỹ thuật sản xuất giống nhân tạo đối tượng này. Các nghiên cứu chế độ ương nuôi trai tai tượng vảy như thức ăn và điều kiện môi trường như nhiệt độ, pH và độ mặn phù hợp cho trai tai tượng nhất là giai đoạn ấu trùng còn rất ít và rời rạt. Ở trai tai tượng vảy giai đoạn ấu trùng chữ D, việc sử dụng kết hợp hai loài vi tảo Tetraselmis suecica  +  Chaetoceros mulleri (tỷ lệ 1:1) với nấm men Saccharomyces cerevisiae cho kết quả tỷ lệ sống tốt hơn so khi sử dụng riêng rẽ hai loài tảo  hoặc  kết  hợp  cả  hai  loài  tảo  mà  không có nấm men (Neo và cộng sự, 2013). Theo Phung và cộng sự (2023), sử dụng kết hợp 3 loài vi tảo C. muelleri + Isochrysis galbana + Nannochloropsis oculata (tỷ lệ 1:1:1) để ương nuôi ấu trùng trai tai tượng vảy cho kết quả tăng trưởng (SGR = 7,18 ± 0,34) và tỷ lệ sống (SR = 31,5 ± 1,6%)  tốt hơn so với thức ăn chỉ gồm tổ hợp thức ăn là hai loài vi tảo C. muelleri  +  I. galbana (SGR = 6,32 ± 1,76và SR = 28,6 ± 2,2).

Các  loài  trai  tai  tượng  có  hình  thức  dinh dưỡng khá đặc biệt, đó là ngoài hình thức lọc thức ăn bên ngoài chúng còn thu nhận nguồn dinh  dưỡng  từ  tảo  cộng  sinh  Zooxanthellae sống  trong  màng  áo  của  chúng  (Ellis,  1998; Neo và cộng sự, 2013; Gula và Adams, 2018; Pang và cộng sự, 2022). Các tế bào tảo quang hợp  tạo  ra  các  dưỡng  chất  như  đường,  axit amin, axit béo; sau đó, một phần dinh dưỡng này sẽ được phóng trực tiếp vào mạch máu của trai tai tượng (Klumpp và Griffi  th, 1994; Wang và Douglas, 1999). Chính vì thế, trai tai tượng chỉ cần nuôi trong môi trường nước sạch, có mặt tảo cộng sinh và đủ ánh sáng mặt trời là chúng có thể sinh trưởng phát triển bình thường (Klumpp và cộng sự, 1992). Trong ương nuôi trai tai tượng, một số loài tảo cộng sinh được cung  cấp  cho  trai  ở  giai  đoạn  ấu  trùng  như Symbiodinium  spp.  nhằm  nâng  cao  kết  quả tăng trưởng và tỷ lệ sống ở trai. Tuy vậy, hầu như chưa có nghiên cứu ảnh hưởng của mật độ tảo cộng sinh đến trai tai tượng vảy nhằm xác định lượng cung cấp tảo cộng sinh phù hợp cho đối tượng này.

Một  số  loài  trai  tai  tượng  trong  họ Tridacnidae được phát hiện phân bố ở vùng rạn san hô, nơi môi trường có độ trong cao và độ mặn ổn định ở mức cao  (Rosewater, 1965). Theo Maboloc và Villanueva  (2017), trai tai tượng Tridacna gigas giai đoạn giống có  khả năng sinh trưởng và phát triển ở độ mặn từ 25 đến 35ppt, nhưng ở độ mặn dưới 18ppt trai tai tượng bị chết hoàn toàn sau 4 ngày ương nuôi thí nghiệm. Trong khi đó, sự phát triển phôi và ấu trùng trochophores trên trai tai tượng vảy ở độ mặn 27 và 30ppt tương đối tốt và không có sự sai khác nhau giữa 2 nghiệm thức độ mặn này (Neo và cộng sự, 2013). Tại Việt Nam,trai tai tượng đã xác định được 5  loài (trong tổng số 9  loài trai tai tượng trên thế  giới), bao gồm: Tridacna gigas, T. squamosa, T. maxima, T. croceavà Hippopus hippopus (Nguyễn Hữu Phụng và Võ Sỹ Tuấn, 1996). Nhìn chung, các loài trai tai tượng có khả năng thích nghi với ngưỡng độ mặn khác nhau và tùy theo giai đoạn phát triển (Maboloc  và  Villanueva,  2017). Đến thời điểm hiện tại hầu như chưa có công bố về ảnh hưởng của độ mặn đến trai tai tượng vảy giai đoạn ấu trùng chữ D (Veliger) đến ấu trùng chân bò (Pediveliger).

Mục đích của nghiên cứu này là đánh giá ảnh hưởng của mật độ tảo cộng sinh Symbiodinium microadriaticum  và độ mặn đến tăng trưởng, tỷ lệ sống ở trai tai tượng vảy giai đoạn từ ấu trùng chữ D (Veliger) đến ấu trùng chân bò (Pediveliger), nhằm cung cấp dữ liệu khoa học góp phần phát triển sản xuất giống, nuôi thương phẩm,phục hồi và phát triển nguồn lợi đối tượng này.

Mật  độ  tảo  cộng  sinh Symbiodinium microadriaticum ảnh hưởng đến sự tăng trưởng và tỷ lệ sống của ấu trùng trai tai tượng vảy. Trong các mật độ tảo cộng sinh từ thí nghiệm này,  nghiệm  thức  tảo  cộng  sinh  ở  mật  độ 5.000 tb/mL và 7.000 tb/mL cho kết quả tăng trưởng tốt nhất về chiều dài (213,67±1,2μm và 212,5±1,52μm), tốc độ tăng trưởng đặc trưng (SGR=6,2±0,2 và 6,07±0,16). Trong đó, mật độ 5.000 tb/mL cho tỷ lệ sống cao nhất trên ấu trùng trai tai tượng vảy (56,50 ±0,45%). Độ mặn thấp 24-27ppt ảnh hưởng xấu đến sự tăng trưởng và phát triển của ấu trùng trai tai tượng vảy. Ấu trùng trai tai tượng vảy ương nuôi ở độ mặn từ 30 và 33ppt cho tăng trưởng tốt nhất về chiều dài, tương ứng là 224,50 ± 1,87μm và 221,83 ± 1,47; tỷ lệ sống cao nhất (33,17 ± 1,47% và 32,33± 1,20%). Ngược lại, ở độ mặn 24ppt ấu trùng trai cho kết quả thấp nhất về chiều dài (206,50 ± 3,27μm) và tỷ lệ sống (21,33 ± 1,63%).

nnttien
Theo Tạp chí KH - CN Thủy sản Trường ĐH Nha Trang, Số 4/2023
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Nghiên cứu mới  
   

Tiêu điểm

Bộ não bị lão hóa nhanh là do ảnh hưởng từ 64 gene
Ứng dụng di động hỗ trợ phục hồi chức năng liệt nửa người do đột quỵ
Đại học Harvard công bố 4 loại trái cây giúp hỗ trợ sống 'trường thọ' nên ăn thường xuyên
Can thiệp bào thai bằng Laser đốt thông nối mạch máu, giảm ối cứu sống thành công 2 trẻ song sinh cực non
Lần đầu tiên BV hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới ứng dụng keo dán sinh học trong phẫu thuật mắt
Hội thảo “Thúc đẩy ứng dụng công nghệ thực tế ảo, thực tế ảo tăng cường phục vụ phát triển du lịch thành phố Cần Thơ và vùng đồng bằng sông Cửu Long” sắp diễn ra, với nhiều nội dung hấp dẫn đang chờ đón bạn!
Cần Thơ tham gia Triển lãm Quốc tế sản phẩm, máy móc, thiết bị nông nghiệp Việt Nam - Growtech Vietnam 2024
Sắp diễn ra Triển lãm Quốc tế sản phẩm, máy móc, thiết bị nông nghiệp Việt Nam - Growtech Vietnam 2024
Phát hiện cơn đau bằng AI
Máy tiêm laser cung cấp thuốc trực tiếp
Thiết bị AI Audiologist sàng lọc thính lực
Liệu pháp điều trị loét bàn chân do tiểu đường
Tai nghe laser mới có thể đánh giá nguy cơ đột quỵ
Sử dụng hình ảnh 3D để tái chế rác thải nhựa
Mô hình robot mới đưa ra giải pháp chọn và đặt chính xác trong ứng dụng tự động hóa
Sáng kiến mới  
 
 

CASTI TiVi




© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->