Nghiên cứu [ Đăng ngày (30/03/2024) ]
Nghiên cứu ảnh hưởng của cường độ ánh sáng đến tăng trưởng và tỉ lệ sống của ấu trùng trai tai tượng vảy (Tridacna squamosa Lamarck, 1819) giai đoạn sống đáy
Nghiên cứu này nhằm đánh giá ảnh hưởng của cường độ ánh sáng đến trai tai tượng vảy Tridacna squamosa từ giai đoạn ấu trùng bò lê (pediveliger) đến con giống (1-2mm).

Ảnh minh họa: Internet

Trai  tai  tượng  vảy  (Tridacna  squamosaLamarck, 1819) là một đối tượng quý hiếm, tiềm năng xuất khẩu lớn. Bên cạnh thịt trai là thực phẩm cao cấp vì giá trị dinh dưỡng cao, vỏ với kích thước lớn và có nhiều gợn sóng nên được sử dụng để làm các mặt hàng thủ công mỹ nghệ. Phương thức sống cộng sinh với một số loài tảo đã tạo nên màu sắc của trai đa dạng và sặc sỡ, nên trai tai tượng rất được ưa chuộng trong nuôi cảnh. Trong những năm gần đây, nguồn lợi trai tai tượng đang bị khai thác quá mức nên đã bị giảm sút nhanh chóng, có nguy cơ cạn kiệt (Nguyễn Quang Hùng, 2011; Lee và Wong, 2023). Ngoài việc tăng cường công tác quản lý bảo tồn nguồn lợi tự nhiên, nhiều nghiên cứu sản xuất giống và nuôi đã được thực hiện. Một số nghiên cứu đã chỉ ra các điều kiện nuôi có thể ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng và tỷ lệ sống của trai bao gồm mật độ (Nash, 1988), chất đáy (Braley et al., 1988) nhiệt độ và độ mặn (Hart et al., 1998), lưu lượng nước (Foyle  et  al.  1997),  chất  dinh  dưỡng  sẵn  có (Grice và Bell, 1999), pH (Toonen et al., 2012) và  cường  độ  ánh  sáng  (Lucas  et  al.,  1989; Mingoa,  1988).  Tuy  nhiên,  các  nghiên  cứu phần lớn tập trung vào loài trai có tốc độ sinh trưởng nhanh như Tridacna gigas (Lucas et al., 1989; Mingoa, 1988) hoặc T. maxima (Grice và Bell, 1999) mà ít các nghiên cứu đến trai tai tượng vảy.

Nghiên cứu trên trai tai tượng vảy đã cho thấy sự tăng trưởng cao hơn đáng kể khi nuôi trong tự nhiên so với trai nuôi ở mương ngoài trời (Adulyanuksol, 1997). Đồng thời, nghiên cứu cũng cho biết mật độ, nhiệt độ cao đã ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng trai nuôi ở trong mương thông qua hiện tượng tẩy trắng ở 50% số trai thí nghiệm (Adulyanuksol, 1997). Giảm tăng trưởng cũng đã được quan sát thấy đối với ấu trùng trai tai tượng vảy và trai T. maximanuôi thương phẩm ở điều kiện pH thấp (Toonen et al., 2012). Zhang et al. (2016) lần đầu tiên công bố sinh sản nhân tạo thành công trai tai tượng vảy ở vùng biển Hải Nam (Trung Quốc). Nghiên cứu cũng cho biết cường độ ánh sáng 2.000-4.000 lux đã được áp dụng để thiết lập sự cộng sinh giữa tảo cộng sinh Zooxanthellae và ấu trùng trai ở giai đoạn Pediveliger (Zhang et al, 2016). Bên cạnh đó, nghiên cứu khác về ảnh hưởng của cường độ ánh sáng đến trai tai tượng vảy ở giai đoạn ấu trùng đã cho thấy ở mức ánh sáng thấp (0,4% ánh sáng ban ngày khu vực che bằng một lớp lưới) cho tỷ lệ sống của ấu trùng thấp hơn đáng kể so với mức cường độ ánh sáng cao (từ 1,04-7,12%) (Eckmana et al., 2019).

Trai tai tượng vảy sống cộng sinh với tảo đơn bào (loài Symbiodinium micriadriaticum) được chứa trong màng áo của chúng (Ellis, 1998). Các tế bào tảo quang hợp tạo ra các dưỡng chất như đường, axit amin, axit béo; sau đó, một phần dinh dưỡng này sẽ được phóng trực tiếp vào mạch máu của trai. Chính vì thế, trai tai tượng chỉ cần nuôi trong môi trường nước sạch và đủ ánh sáng mặt trời là chúng có thể sinh trưởng phát triển bình thường (Klumpp et al, 1992). Khi trưởng thành, hình thức dinh dưỡng chủ yếu của trai là thông qua quá trình cộng sinh. Tuy nhiên, nếu trai tai tượng sống trong môi trường không đủ ánh sáng cho quá trình quang hợp của tảo cộng sinh thì chúng tăng cường lọc các chất lơ lửng từ môi trường (như mùn hữu cơ và vi tảo) để bổ sung thành phần các chất dinh dưỡng cho chúng. Trên thực tế, nếu không có ánh sáng mặt trời, trai tai tượng sẽ bị chết rất nhanh kể cả khi có thức ăn trong nước. Do đó, đề tài “Nghiên cứu ảnh hưởng của cường độ ánh sáng đến tăng trưởng và tỉ lệ sống của ấu trùng trai tai tượng vảy (Tridacna  squamosa Lamarck,  1819)  giai đoạn sống đáy” được thực hiện nhằm xác định cường độ ánh sáng thích hợp trong ương nuôi trai tai tượng vảy, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất giống loài trai này.

Cường  độ  ánh  sáng  ảnh  hưởng  đến  sinh trưởng và tỷ lệ sống ấu trùng trai tai tượng vảy. Trong  4  mức  cường  độ  ánh  sáng  khác  nhau 2.000 lux, 4.000 lux, 6.000 lux và 8.000 lux thì cường độ ánh sáng 4000 lux cho kích thước, tốc độ sinh trưởng bình quân và tỷ lệ sống của ấu trùng trai tai tượng vảy cao nhất. Chiều dài và  chiều  cao  ấu  trùng  trai  tai  tượng  vảy  đạt được sau 26 ngày nuôi lần lượt 1.036,2 μm và 1.032,1μm, tốc độ sinh trưởng bình quân theo dài và chiều cao lần lượt đạt 30,81 và 31,82 μm/ngày, tỷ lệ sống là 45,0%.

nnttien
Theo Tạp chí KH - CN Thủy sản Trường ĐH Nha Trang, Số 4/2023
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Nghiên cứu mới  
   
Sáng kiến mới  
 
 

CASTI TiVi




© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->