Nghiên cứu [ Đăng ngày (30/03/2024) ]
Ảnh hưởng của phương pháp thụ tinh và mật độ ấp trứng lên tỷ lệ thụ tinh, tỷ lệ nở, thời gian phát triển phôi, tỷ lệ dị hình và tỷ lệ sống cá gáy bột 5 ngày tuổi (Lethrinus lentjan Lacepede, 1802)
Nghiên cứu do nhóm tác giả Trương Hà Phương, Nguyễn Văn Dũng, Nguyễn Thị Thanh Hoa, Lê Thị Thu Hương - Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III thực hiện.

Ảnh minh họa: Internet

Cá gáy Lethrinus lentjan (Lacepede, 1802) là loài có giá trị kinh tế. Ngoài ra, cá gáy có giá trị dinh dưỡng cao vì chứa nhiều thành phần quan trọng như các axít béo không bão hòa, đặc biệt là omega-3, phốt pho và iốt (Younis và cs., 2020; Anil và cs., 2019). Cá gáy đã và đang được phát triển nuôi tại nhiều khu vực châu Á, nơi có thị trường tiêu thụ lớn như Hồng Kông, Đài  Loan, Trung Quốc,  Nhật Bản,  Ấn Độ (Sadovy và cs., 2003). Theo thống kê nguồn cá giống để cung cấp cho nuôi thương phẩm loài cá này trên thế giới phụ thuộc chủ yếu vào đánh  bắt  tự  nhiên  (Anil  và  cs.,  2019).  Hiện nay,  nguồn  giống  khai  khác  từ  tự  nhiên  suy giảm nghiêm trọng do đánh bắt và khai thác quá mức, trong khi đó nguồn giống từ sản xuất giống nhân tạo còn rất hạn chế, chưa ổn định về số lượng và chất lượng, do quy trình công nghệ sản xuất giống cá gáy chưa hoàn thiện. Công nghệ sản xuất giống cá gáy đã được nghiên cứu ở quy mô nhỏ và chủ yếu tập trung nghiên cứu nâng cao tỷ lệ sống trong ương nuôi ấu trùng ở phạm vi thí nghiệm. Một số quốc gia trong khu vực đã nghiên cứu sản xuất giống loài này, tuy nhiên quy trình công nghệ chưa hoàn thiện, tỷ lệ sống ở giai đoạn giống thấp (< 3%), chất lượng và số lượng con giống chưa đáp ứng đủ nhu cầu nuôi thương phẩm (Anil và cs., 2019).

Chưa có nghiên cứu nào được công bố về phương pháp thụ tinh, ấp trứng và quá trình phát triển phôi  của loài cá gáy. Tuy  nhiên, nhiều công trình nghiên cứu cá biển đã được công bố về quá trình thụ tinh, quá trình phát triển phôi, đặc biệt là các nghiên cứu trên nhóm cá mú.Rimmer và cs. (2013) nhận định trứng của cá mú chấm cam (Epinephelus coioides), cá mú cọp (E. fuscoguttatus), cá  mú  chuột (Cromileptes altivelis) nở sau thời gian ấp từ 15 -19 giờ, trong khi đó cá mú trắng châu Âu (E. aeneus) có thời gian ấp nở là 25 giờ tùy thuộc vào nhiệt độ nước. Nguyễn Văn Dũng và cs (2022) cho thấy trứng cá mú dẹt (E. bleekeri) nở 20 giờ sau khi cá đẻ trong điều kiện nhiệt độ nước dao động trong khoảng 28,5 – 29,3oC, độ mặn 34‰ và pH từ 7,8 – 8,3. 

Năm 2016, Liên minh bảo tồn thiên nhiên Quốc tế (IUCN) đã đưa cá gáy vào Sách Đỏ nhằm bảo tồn và phát triển nguồn gen loài này. Năm 2020, Bộ NN&PTNT giao Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III chủ trì thực hiện: Chương trình Bảo tồn, lưu giữ nguồn gen và giống thuỷ sản khu vực miền Trung. Để bảo tồn và phát triển nguồn gen cá gáy, điều cần thiết phải đưa ra được quy trình nuôi khép kín từ khâu thuần hóa, quản lý và kiểm soát chất lượng đàn cá bố mẹ thu gom từ tự nhiên, thử nghiệm sinh sản nhân tạo và cuối cùng là tái tạo nguồn lợi. Nghiên cứu phương pháp thụ tinh và mật độ ấp trứng cá gáy trong bài báo này là một phần công việc trong nhiệm vụ khai thác và phát triển nguồn gen cá gáy (Lethrinus lentjan Lacepede, 1802).

Phương pháp thụ tinh ướt đem lại hiệu quả tốt hơn đối với cá gáy đạt tỷ lệ thụ tinh 90,34 %, tỷ lệ nở đạt 89,70 % và tỷ lệ sống của cá bột 5 ngày tuổi đạt 47,51%. Mật độ ấp trứng thích hợp là 1.500 trứng/L, đạt tỷ lệ nở 90,08%, tỷ lệ sống cá bột 5 ngày tuổi 48,14 % và tỷ lệ dị hình 48,14 %.Thời gian phát triển phôi của cá gáy trung bình là 14 giờ 30 phút ở nhiệt độ nước trung bình 28,5 ± 0,6oC, hàm lượng DO 5,0 – 5,5 mg/L, độ mặn 32‰, pH dao động từ 7,8 – 8,0, hàm  lượng  amonia  ≤  0,4  mg/L,  nitrite  0,01 mg/L.

nnttien
Theo Tạp chí KH - CN Thủy sản Trường ĐH Nha Trang, Số 4/2023
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Nghiên cứu mới  
   
Sáng kiến mới  
 
 

CASTI TiVi




© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->